Khuôn mặt đeo khẩu trang chỉ chừa đôi mắt to tròn, chân mang giày bata, áo sơ mi kết hợp quần jeans gọn gàng, cô di chuyển nhanh nhẹn, liên tục trên hiện trường, tay cầm bộ đàm chỉ huy hơn 50 người. Việt Trinh luôn bận rộn, khi chỉ đạo chặn hai đầu xe để cảnh quay được ngon lành, lúc thổi hồn vào cảm xúc cho các diễn viên nhập vai, hay nhiều lần cô hét toáng lên vì một bộ phận bị trục trặc…
Có một Việt Trinh rất khác ở vai trò đạo diễn.
- Lần đầu làm đạo diễn, vì sao Việt Trinh không chọn bối cảnh ở Việt Nam để dễ dàng hơn mà lại sang tận Campuchia?
- Thứ nhất là do kịch bản, thứ hai là tôi muốn phim mình phải có một nhiều điều lạ để hấp dẫn người xem. Tôi nghĩ không ở đâu có được những bối cảnh đặc trưng như khu đền tháp ở Angkor, chúng vừa hoành tráng, vừa tôn nghiêm. Tôi hy vọng diễn viên sẽ dễ nhập vai với một không gian đó và khán giả sẽ có nhiều điều để xem và suy ngẫm.
- Lần trước Việt Trinh từng sang Ấn Độ - Nepal làm phim về Phật như truyền tải một thông điệp về kiếp luân hồi. Còn bộ phim "Trở về", chị muốn gửi gắm điều gì cho người xem?
- Thông điệp của tôi vẫn xoay quanh về đời và đạo. Nhưng lần này, tôi không nặng về lý thuyết Phật pháp, cũng không nặng về phép thuật hay kỹ xảo cao siêu. Tôi muốn thông qua một câu chuyện rất đời, thực tế trong cuộc sống để người xem nhận ra ngay những câu chuyện hàng ngày. Nếu chúng ta không nhận thấy, ắt hẳn cái gọi là quả báo không tự nhiên đến mà hầu hết có nguyên nhân.
- Việc đưa một đoàn làm phim gần 50 người từ Việt Nam sang xứ người khiến chị gặp những khó khăn gì?
- Tôi đã gặp muôn vàn khó khăn, nếu không vững chí có lẽ tôi đã bỏ ngay từ đầu. Từ thủ tục đến phong tục tập quán ở đất chùa tháp đến chuyện tiền nong ăn uống, di chuyển… Nếu không chịu khó, kiên nhẫn, khéo léo, công sức đã bỏ ra xem như đổ sông đổ biển.
- Làm phim ở nơi xa, điều gì chị thấy quan trọng nhất?
- Tôi thấy cái nào cũng quan trọng, một việc nhỏ xíu trục trặc là cả đoàn phim bị ngưng. Vấn đề chính là anh em trên dưới một lòng, mỗi bộ phận phải có ý thức và trách nhiệm cao mới mong suôn sẻ. May mắn lớn nhất của tôi là các anh chị em trong đoàn đều đồng tâm hiệp lực, xem như "chơi" hết mình để hoàn thành một xứ mệnh cao cả. Nếu như không có sự giúp đỡ tận tình của những người ở Campuachia, có lẽ nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ mình sẽ được làm phim trên một thánh đường.
- Khi chặn du khách để quay vài cảnh, cảm giác của chị ra sao trước phản ứng của họ ?
- Có lúc tâm trạng của tôi như điếc không sợ súng. Khi đã vào cuộc, máu của tôi sôi sùng sục, chỉ biết phải bằng mọi giá quay cho được những ý tưởng. Nhiều lúc nôn nóng, tôi lao ra la hét, kéo dây và trực tiếp hối thúc anh em làm thật nhanh thật gọn để cảnh quay thật tốt.
Nhà biên kịch Châu Thổ được xem là nữ tướng trong lòng của Việt Trinh.
- Kinh phí vẫn là một con số làm đau đầu những nhà sản xuất phim. Với cương vị vừa làm đạo diễn vừa là nhà sản xuất, chị thấy sao?
- Đó là nỗi đau của tôi đấy. Ở Campuchia, mọi thứ đều được tính bằng đôla. Lúc đi xem bối cảnh, chọn khách sạn, tính chuyện ăn uống, mọi thứ tưởng như dễ dàng vì tôi cũng nhận được nhiều sự giúp đỡ tận tình. Nhưng khi chạm vào thực tế mới thấy phủ phàng.
Được cấp phép cho quay, nhưng khi vào đền Angkor, bảo vệ chỉ duyệt cho 20 người, còn lại 20 người phải mua vé với giá 20 USD/ người. Về tiền ăn, đến ngày thứ hai, chủ khách sạn phát hiện người làm phim ăn hao quá, đòi tăng gía gấp đôi. Tiền thuê xe hơi, quần chúng bên xứ bạn cứ căn cứ theo đoàn phim Mỹ, tính giá rất cao. Theo họ, chi phi một đoàn phim Pháp từng qua đây quay mỗi ngày là 20 ngàn USD, phim Mỹ 40 ngàn USD. Còn phim Việt Nam tính giá như thế là quá "bèo".
- Chị giải quyết ra sao với những phát sinh kiểu “trời ơi”?
- Một mình tôi không làm được gì. Tôi phải phối hợp với nhiều bộ phận, khéo léo và tinh tế lắm, năn nỉ người ta, có lúc cương nghị cứng rắn để chứng minh mình có bản lĩnh và lòng thành của tôi đã thuyết phục được người ta nên mọi việc giờ cũng đã êm xuôi.
- Nghe nói làm phim "Trở về", chị dự định bán căn nhà ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) để làm vốn?
- Đó là ý định ban đầu, nhưng xung quanh tôi còn có nhiều mạnh thường quân. Khi họ nghe được ý tưởng về một bộ phim tốt cho cộng đồng xã hội, nhiều người đã tình nguyện chung tay góp sức. Đến nay kinh phí cho phim đã tạm ổn, tôi không còn lo lắng và chắc cũng không phải bán nhà như dự định.
- Chị lấy ý tưởng câu chuyện từ đâu để sang Campuachia quay?
- Đó là một câu chuyện có thật từ một "tay" giang hồ đã hoàn lương, được nhà biên kịch Châu Thổ chấp bút. Chúng tôi đã sang đây đến 5 lần mới hình dung hết câu chuyện. Ở đây, khi tôi đi quay bên ngoài, chị Châu Thổ ở khách sạn, viết từng tập phim để sản xuất tiếp. Đây được xem là một chuyện lạ với nhiều người, với chúng tôi đó là một kỳ tích.
- Ngày trước Việt Trinh - Lê Cung Bắc là một cặp đôi lý tưởng. Bây giờ, chị và nhà biên kịch Châu Thổ (từng đoạt giải nhà biên kịch xuất sắc nhất năm 2009) luôn song hành cùng nhau. Vì sao có sự hợp tác này?
- Đây là nhân duyên. Tôi biết chị Châu Thổ khi chị làm báo điện ảnh. Hai chị em cùng trải qua thăng trầm với hàng loạt phim là Duyên trần thoát tục, Chiếc lá thời gian, Chuyện tình mùa thu… và bây giờ là Trở về. Chị như một nữ tướng điều hành tất cả mọi hoạt động của đoàn phim. Nếu không có chị, có lẽ, tôi sẽ không đứng vào vị trí đạo diễn như bây giờ. Một cộng một là hai mà.
- Ở cương vị đạo diễn và diễn viên, chị thích ở vị trí nào hơn?
- Tôi thích làm diễn viên. Vì ở vai trò này tôi được quyền đẹp, có người chăm sóc, chỉ lo một việc duy nhất là diễn. Còn vị trí đạo diễn có trăm thứ phải lo, không chỉ lo cho mình, tôi còn phải lo cho người khác. Tất cả công việc với tôi đều lạ và mọi thứ phải tự tay tôi gánh vác, giải quyết. Đạo diễn tuy có "quyền" được la, bắt diễn viên phải nắm rõ ý tưởng để triển khai tâm lý, nhưng đạo diễn sẽ đổ gục bất cứ lúc nào nếu không sành sỏi hoặc cứ khô cứng theo sự chủ quan riêng.
Đức Hải trong vai công an của Việt Nam và Trường Thịnh là cảnh sát của Campuachia. Cả hai phối hợp bắt tên hung thủ do Đức Tiến đóng đang trốn ở xứ người.
Đức Tiến trong vai giang hồ hoàn lương được cô gái Văn Phượng cưu mang ở xứ người. Cặp đôi đã trở thành vợ chồng.
Khu đền Angkor dành cho khách du lịch. Nhưng Việt Trinh liên tục cho chặn đường để quay phim, khiến nhiều người lo lắng.
"Bà mẹ một con" cùng tổ đạo diễn hồi hộp với từng cảnh quay.
Việt Trinh cùng quay phim Văn Khuê và Văn Phượng
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự