Trang Mỹ Dung Ca Sĩ hát nhạc Phật

Thứ sáu - 21/01/2011 16:44
Bước ngoặt trong sự nghiệp ca hát của Trang Mỹ Dung chính là cú sốc khi mẹ mất (1997). Không có mẹ bên cạnh, Trang Mỹ Dung cảm thấy hụt hẫng, trống vắng… Dần dần, chị không còn thường xuyên xuất hiện ở những sân khấu ca nhạc, không đi theo các đoàn lưu diễn nữa mà chỉ hát ở chùa trong các dịp lễ như Vu lan, Phật đản và hát trong các chương trình từ thiện với tâm niệm là dùng tiếng hát của mình góp một phần nhỏ vào việc hướng những tâm hồn - nhất là giới trẻ về với Phật pháp và những điều thiện. Đó cũng là cách để chị “làm phước cho mẹ”.

Trang Mỹ Dung là một cái tên quen thuộc trên sân khấu ca nhạc ở miền Nam trước năm 1975. Chị cùng thế hệ với các nữ ca sĩ Hoàng Oanh, Thanh Tuyền... Tính đến nay, Trang Mỹ Dung đã có hơn bốn thập niên ca hát.

Tuy nhiên, bởi chị ít xuất hiện trong những chương trình ca nhạc lớn nên nhiều người vẫn nghĩ sau năm 1975 chị đã ra nước ngoài định cư. Kỳ thực, Trang Mỹ Dung vẫn sống tại Việt Nam. Chị hiện đang sống chung với em gái để phụng dưỡng cha già trong một biệt thự ở Gò Vấp (TP.HCM).

Trang Mỹ Dung khởi đầu sự nghiệp ca hát vào giữa năm 1967, khi tròn 17 tuổi. Vốn có giọng hát trầm ấm, mượt mà thiên phú nên chị được nhiều người khuyến khích ghi danh tham dự cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ do Đài truyền hình Sài Gòn tổ chức.

Trong thời gian thử giọng, chị đã “lọt mắt xanh” của nhạc sĩ Anh Bằng. Ông không chỉ tận tâm hướng dẫn cho chị những kỹ năng biểu diễn mà còn giới thiệu chị theo học lớp nhạc của nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng).

Rồi chị được nhạc sĩ Minh Kỳ đưa vào Đài phát thanh Sài Gòn ghi âm ca khúc Thương về miền đất lạnh của ông, nhưng phải đợi đến lúc nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác xong ca khúc Hai mùa mưa thì tên tuổi của Trang Mỹ Dung mới dậy như sóng cồn.

Ở bất cứ nơi đâu, hễ nghe những ca từ: “Mùa mưa lần trước anh về đây ghé thăm tôi. Trường xưa bạn cũ gặp nhau đêm ấy mưa rơi…” là người ta nghĩ ngay đến giọng hát Trang Mỹ Dung. Và từ đó chị thường xuyên được các hãng đĩa: Việt Nam, Nhạc Ngày Xanh, Capitol, Hồng Hoa, Thiên Thai, Sóng Nhạc... mời ghi âm, chưa kể các hãng sản xuất băng cassette sau này.

Thời đó, những ca sĩ xuất thân từ “lò” đào tạo của “quái kiệt đại nhạc hội” Tùng Lâm đều lấy nghệ danh có chữ đầu là “Trang” (gồm các ca sĩ: Trang Kim Yến, Trang Thanh Lan, Trang Kim Phụng…) nên nhiều người nhầm tưởng Trang Mỹ Dung cũng khởi nghiệp từ đây.

Tuy nhiên, chị cho biết tên thật là Trương Mỹ Dung. Thoạt đầu đi hát, chị lấy tên là Mỹ Dung nhưng lúc đó do trùng tên với một nữ ca sĩ nên chị lấy tên Trang Mỹ Dung làm nghệ danh cho mình.

Thời đó, Trang Mỹ Dung thường có mặt trong các đoàn văn nghệ lưu diễn từ Nam ra Trung, có khi sang cả Lào. Một trong những kỷ niệm khó quên nhất trong đời ca hát của chị là… bị lật xe trong chuyến lưu diễn miền Trung (mùa Noel, 1973).

Lần đó, chị bị gãy xương vai và bể xương hàm. Gãy xương vai thì còn bó bột chứ bể xương hàm là một đại họa, nhất là với một ca sĩ. Sau khi phẫu thuật, sắp xếp lại xương hàm, các bác sĩ đã cố định các mảnh xương bằng cách... treo miệng! Chị không được ăn uống, nói năng mà chỉ tiếp “năng lượng” bằng chất lỏng qua ống hút trong suốt mấy tháng. May mắn là sau khi bình phục, giọng hát của chị vẫn không hề thay đổi.

Sau ngày 30.4.1975, cũng như hầu hết văn nghệ sĩ ở miền Nam, Trang Mỹ Dung đã tạm ngưng hoạt động nghệ thuật vài tháng rồi được các bầu sô gọi đi hát lại (phần lớn là lưu diễn ở các tỉnh từ miền Trung trở vào). Dạo đó, Trang Mỹ Dung đi hát ở đâu đều có mẹ đi theo chăm sóc, chăm lo từng li từng tí… Bước ngoặt trong sự nghiệp ca hát của Trang Mỹ Dung chính là cú sốc khi mẹ mất (1997).

Không có mẹ bên cạnh, Trang Mỹ Dung cảm thấy hụt hẫng, trống vắng… Dần dần, chị không còn thường xuyên xuất hiện ở những sân khấu ca nhạc, không đi theo các đoàn lưu diễn nữa mà chỉ hát ở chùa trong các dịp lễ như Vu lan, Phật đản và hát trong các chương trình từ thiện với tâm niệm là dùng tiếng hát của mình góp một phần nhỏ vào việc hướng những tâm hồn - nhất là giới trẻ về với Phật pháp và những điều thiện.

Đó cũng là cách để chị “làm phước cho mẹ”. Chương trình mà chị tham gia gần đây nhất là đêm nhạc Một thời dấu yêu do Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2010 tại Trung tâm Ca nhạc Lan Anh (TP.HCM).

Ngồi trò chuyện với ca sĩ Trang Mỹ Dung trong ngôi biệt thự rộng rãi nhưng vắng hoe. Tò mò, tôi hỏi: “Xin lỗi, chị sống có một mình?”. Chị cười: “Vâng hiện tại sống độc thân”. “Thế còn… ngày xưa?”.

Giọng chị trầm xuống: “Ngày xưa tôi từng lập gia đình. Nhưng chia tay, vì tôi không có con!”. Tôi muốn thốt lên lời xin lỗi vì đã khơi lại một nỗi buồn nhưng cảm thấy không thể bù đắp nổi những nốt lặng trong cuộc đời người ca sĩ xinh đẹp, tài hoa này. Mong rằng chị vẫn luôn là một giọng hát vượt thời gian để trả ơn đời và để tâm hồn người nghe luôn hướng về những điều thiện.

“Trang Mỹ Dung không chỉ thành công với Hai mùa mưa mà chị còn khiến khán thính giả nhắc nhở đến mình qua các ca khúc: Nửa đêm ngoài phố (Trúc Phương), Không phải tại chúng mình, Đừng nói xa nhau (Châu Kỳ), Trả lại thời gian (Thanh Sơn)...”

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây