Trước khi bắt đầu chủ đề, Đại đức đã mời các bạn sinh viên, giảng viên thực tập ngồi yên để cùng thư giãn. Đại đức gợi mở, tại sao trong con người chúng ta lúc nào cũng tồn tại những cảm xúc, có khi là tích cực có khi là tiêu cực. Cảm xúc tích cực mang tính chất nuôi dưỡng, ngược lại cảm xúc tiêu cực mang tích chất hủy diệt. Vậy tại sao có những người luôn tràn đầy năng lượng tích cực nhưng cũng có những người lại nhiều cảm xúc tiêu cực. Những cảm xúc này từ đâu tới?
Nói rồi, thầy chia sẻ, theo các nhà Tâm lý trị liệu gọi những cảm xúc này là những con quái thú ở trong lòng, con chó đen, là trầm cảm. Trầm cảm bây giờ là một dịch bệnh, theo cảnh báo của tổ chức Y tế thế giới, năm 2020 đây là bệnh nguy hiểm thứ 2 thế giới sau bệnh tim mạch, là sát thủ vô hình.
Dấu hiệu nhận diện
Để biết, một người có bị trầm cảm không? Đại đức lại hỏi và chia sẻ, trầm cảm thường trải qua các giai đoạn, đầu tiên là trạng thái buồn chán kéo dài, tiếp đến là trạng thái sợ hãi, họ sợ đám đông, sợ người lạ, sợ người thân trong gia đình, sợ gặp những người thương,…
Và giai đoạn 3 là cảm giác tuyệt vọng, cảm giác như rơi vào một hố đen vô tận, rất muốn mọi người hiểu, chia sẻ, cảm thông nhưng lại mâu thuẫn không muốn gặp ai, và mỗi ngày chìm sâu vào nỗi tuyệt vọng, thường nghĩ đến cái chết.
Tĩnh lặng tại buổi nói chuyện
Đại đức cho biết, các nhà Xã hội học và Thần kinh học ở Mỹ chia những nhóm có nguy cơ dễ bị trầm cảm là nhóm những người bận rộn, những sinh hoạt thường ngày bị đảo lộn nên có nguy cơ trầm cảm rất cao.
Nhóm 2, là những bạn trẻ tuổi thiếu niên để qua tuổi thanh niên, có những biến đổi về cơ thể, có những hóc-môn thay đổi, khi cơ thể biến động thì tâm hồn cũng biến động theo, có những hoang mang vào đời nhưng hành trang chuẩn bị chưa kịp, dễ có va vấp, thất bại đầu đời, chưa biết cách yêu, ít nói chuyện với ba mẹ…
Nhóm tiếp theo là những người thất nghiệp, những người rơi vào thất bại, những người có biến động trong đời sống…
“Khi bạn sống trong cảm xúc tiêu cực quá lâu bạn sẽ trở thành tiêu cực, mỗi ngày năng lượng lượng tiêu cực càng mạnh và theo thời gian chiếm cứ toàn bộ cục diện đời sống. Rồi bạn nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, cũng có vấn đề, nhìn ai cũng bực...”, thầy nêu triệu chứng.
Trị liệu để vượt qua
Để cắt trầm cảm, Đại đức khuyên đầu tiên nên tập thể thao, những việc liên quan đến chân tay, tiếp xúc được với thiên nhiên “vì khi thể chất mạnh khỏe thì tinh thần sẽ nâng theo”. Hoặc “mạnh mẽ nhờ sự giúp đỡ của những người thương xung quanh mình để được hỗ trợ, giúp đỡ”.
Một nguyên nhân nữa, mà theo Đại đức là do chúng ta lệ thuộc những cảm xúc hấp dẫn từ bên ngoài về thể chất và tinh thần nên khi những thứ bên ngoài không như ý thì tâm lý cũng tổn thương.
Các bạn sinh viên nam cùng thực tập
Để trị liệu, chúng ta phải thiết lập lại đời sống mà mình có nhiều chủ quyền hơn, có nhiều thời gian sống quân bình, biết chăm sóc chính mình. Và thầy đề nghị, bạn trẻ có thể xách ba lô lên, rơi khỏi căn phòng thường ngày, xin phép nghỉ làm, đi về miền hoang dã, về với thiên nhiên, về quê làm việc tình nguyện, hoặc đến miền sơn cước nào đó tu thiền, luyện tập những gì liên quan đến hàm dưỡng tâm hồn mình. Khi gắn kết với thiên nhiên lâu sẽ giúp mình được chữa lành vì thiên nhiên giúp bạn thư giãn, bình an, thảnh thơi.
“Quan tâm đủ con người mình, yêu thương đủ con người mình thì đó là chất liệu quan trọng để chữa lành những vết thương bên trong mình”.