Lâm Vỹ Dạ tên thật là Lê Thị Vỹ Dạ (sinh ngày 1/9/1989), quê ở Thừa Thiên Huế, là danh hài quen thuộc với khán giả Việt Nam. Đằng sau những hào quang của sân khấu, hiếm ai biết nhiều cuộc sống thật sự của nghệ sĩ hài duyên dáng này.
Theo chia sẻ, Lâm Vỹ Dạ theo đạo Phật từ nhỏ, ảnh hưởng nhiều từ bà cố nội và ngoại. Cô kể: "Gia đình tôi theo đạo Phật gốc từ đời bà cố. Cả bà cố nội và bà cố ngoại nhà tôi đều tu đạo Phật và có chùa ở Huế. Vì thế, từ nhỏ mẹ tôi đã hướng tôi theo đạo Phật nên tôi có niềm tin rất lớn”
Đối với cô, mẹ là người đưa cô biết đến đạo Phật từ thuở ấu thơ và cũng là nguồn cảm hứng, sức mạnh trong cuộc sống. Cô chia sẻ: “Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi hay dắt tôi đi chùa, cho tôi góp mặt vào các lễ cúng dường, cầu an. Mẹ còn cho tôi học thuộc các bài kinh Phật. Đến bây giờ, niềm tin của tôi dành cho đạo Phật vẫn rất lớn. Sau khi lấy chồng, sinh con và trải qua nhiều biến cố, niềm tin trong tôi dành cho đạo Phật vẫn càng ngày càng lớn và vững chắc hơn".
Nhan sắc rạng ngời của Diễn viên Lâm Vĩ Dạ.
Theo lời kể, trong lúc bế tắc khi nhận được giấy báo bệnh tình, cô chỉ còn niềm tin duy nhất đó chính là cầu nguyện: “ Tôi cầu nguyện rất nhiều, hay quỳ dưới chân mẹ Quan Âm để cầu xin mẹ phù hộ cho tôi qua kiếp nạn này. Các sư thầy biết hoàn cảnh của tôi nên cũng đọc kinh cho tôi liên tục trong 1 tháng. May mắn thay, 1 tháng sau tôi khám lại thì bác sĩ bảo hồi trước chẩn đoán nhầm, tôi không hề bị ung thư".
Sau biến cố, nữ diễn viên cho biết bản thân nhận ra nhiều giá trị tích cực trong cuộc sống. Từ đó, cô bắt đầu tu tập và một lòng hướng thiện. "Từ sau vụ đó, cuộc sống tôi bắt đầu bị cuốn theo những bộn bề. Mãi đến năm 2020, tôi mới có duyên làm con của Phật… Tôi cũng cho 2 con trai quy y từ sớm. Tôi luôn hướng các con có đức tin mỗi khi bế tắc trong cuộc sống".
Trong một chương trình, khi chia sẻ về kế hoạch tương lai với đồng nghiệp, cô đã nghĩ đến chuyện sẽ tu hành tại gia, mở nhà hàng chay. Nữ diễn viên tiết lộ: "Em đi làm, lúc nào cũng nghĩ để có tiền nuôi con chứ không tìm kiếm hào quang, sự nổi tiếng. Em ấp ủ mở một quán cơm chay, hoặc sang hơn là một nhà hàng chay và cả quán chay 0 đồng. Đến năm 40 tuổi, em sẽ buông bỏ mọi thứ để đi tu, tu tại gia". Cô cũng bộc bạch rằng càng ngày càng có niềm tin mãnh liệt, đặt trọn niềm tin và sự nguyện cầu ở đạo Phật.
Lâm Vỹ Dạ đưa chồng con đến chùa Diệu Pháp để mừng lễ Phật Đản Phật lịch 2566.
Bởi lẽ, đạo Phật là đạo giác ngộ, là đạo của con người, là đạo của tình thương, vì con người mà đạo Phật đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho những ai có đầy đủ nhân duyên. Muốn có được niềm an vui, hạnh phúc thật sự người Phật tử cần phải có chí hướng thượng và cầu tiến bộ trong sự quyết tâm cao độ.
Nhờ tin hiểu Phật pháp mà chúng ta tìm thấy ý nghĩa, niềm tin vào cuộc sống. Phật giáo không chỉ là chỗ dựa tinh thần, không chỉ là nguyên tắc đạo đức để sống tốt, Phật giáo còn là hệ thống triết lý về nhân sinh, vũ trụ mà đức Phật đã chỉ dạy trong hơn 45 năm thuyết pháp. Giữa dòng đời biến động và đầy sóng gió hiểu quy luật vạn vật và thực hành Phật pháp giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài. Từ đó, thực tập buông xả, hóa giải những tâm trạng tiêu cực như sợ hãi, giận dữ, tham lam, ích kỷ để đạt được cảm giác bình an, hạnh phúc, lạc quan, yêu đời.
Niềm tin tôn giáo là yếu tố thiêng liêng trong trái tim mỗi người phật tử, hơn thế, niềm tin ấy còn phát huy tối đa những giá trị tốt đẹp của đạo Phật nhằm xây dựng một cuộc sống bình an, một gia đình hạnh phúc, một xã hội hòa bình, phát triển trên căn bản tình thương và sự hiểu biết.
Theo Phatgiao.org.vn