Biết đến chị Vũ Thị Mai - Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Hướng Mai trong một duyên lành. Được biết, chị thành công ở tuổi tứ tuần. Sự thành công ấy chính là kết quả khi chị dành thời gian của mình cho việc ngồi thiền tụng kinh và đặc biệt học, đọc về giáo lý của đức Phật. Chị coi việc học và đọc giáo lý mỗi ngày như là một phương châm sống để thực hành những điều nhân ái tới cuộc sống, điều đó đã giúp chị rất thành công trong cuộc sống cũng như trong việc làm tròn trách nhiệm của người làm vợ, làm mẹ.
Phatgiao.org.vn đã có cuộc trò chuyện với chị Vũ Thị Mai - Tổng giám đốc Công ty Đồ gỗ Hướng Mai. Sau đây là toàn bộ nội dung của cuộc trò chuyện:
Bà Vũ Thị Mai - Giáo lý của đức Phật giống như một sự mầu nhiệm, là một phương thuốc chữa lành khổ đau khi tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn.
PV: Chị có thể cho biết nhân duyên nào khiến một doanh nhân thành đạt như chị đến với Đạo Phật? Chị đã ứng dụng giáo lý của Đức Phật ra sao vào kinh doanh để có được thành công như ngày hôm nay?
- Gia đình tôi theo đạo Phật truyền thống từ cổ xưa. Điều đó đã ăn sâu vào tâm thức của gia đình cũng như ảnh hưởng sâu sắc tới tôi. Nhờ bố mẹ đã gieo những duyên lành và trồng cội phúc đó để đến nay con cái gặt quả thành tựu.
Tôi thường xuyên tham gia các khóa tu trong và ngoài nước, và cho cả các con cái tham gia khóa tu, được quý thầy hướng dẫn thực hành, những cảm xúc luôn được tạo ra bởi các quyết định cảm tính của con người, thì đều được kịp thời điều chỉnh và cân bằng thông qua việc ngồi thiền hằng ngày.
Tôi nhận thấy những giới cấm của Đức Phật đề ra với những người đệ tử tại gia, là một công cụ để thiết lập kỉ luật cho bản thân mỗi người, từ đó dẫn lối vào thành công và vào hạnh phúc của gia đình. Ngũ giới của Đức Phật giúp chúng ta tiến gần tới lương thiện hơn, tử tế hơn và nếu muốn thành công hãy cố gắng tuân thủ nghiêm ngũ giới nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân.
Hãy nhớ rằng, không thể có thành công nếu không có kỷ luật. Người không chỉ cần định hướng nghề nghiệp cho chính mình mà còn phải sở hữu mục tiêu và biết cách tận dụng tốt nhất những cơ hội của mình để tạo ra thành tựu. Những triết lý tưởng chừng như đơn giản của Đức Phật đã khiến phát triển bền vững trong kinh doanh.
Một buổi đón tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Bắc Ninh
PV: Là một người phụ nữ với trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, chị đã ứng dụng giáo lý của đức Phật vào đời sống như thế nào?
- Giáo lý của Đức Phật đã giúp tôi cân bằng công việc và gia đình, đó là một điều may mắn đối với tôi. Bất kỳ một người doanh nhân nào cũng đều mong muốn cân bằng cuộc sống, công việc, giữa các mối quan hệ bên trong và ngoài doanh nghiệp. Tầm quan trọng cũng như giá trị của mỗi một lĩnh vực cần được xác định cụ thể. Và giáo lý Đức Phật đã để lại gần 3000 năm nay, thì gia đình luôn là nền tảng là chỗ dựa vững chắc quan trọng đối với mỗi người.
Do vậy muốn một gia đình hạnh phúc, là một hậu phương vững chắc, tôi khuyên mọi người hãy đến chùa ít nhất một lần 1 tuần vào thứ bảy, Chủ nhật hoặc ngày rằm, mồng một, sám hối trò chuyện với quý thầy. Để gạt bỏ đi những stress, những mê lầm và buông bỏ bớt những nhịp sống hối hả vội vã.
Tôi tin rằng trong tôn giáo luôn gắn liền với trật tự gia đình, cộng đồng. Vì vậy, một người thành đạt luôn có một nền tảng gia đình tốt. Sự phát triển của con trẻ cũng là điều không kém phần quan trọng. Sự sắp xếp dung hòa giữa cuộc sống gia đình và công việc hợp nhất đòi hỏi cả hai vợ chồng cần phải có sự đồng thuận trong kinh doanh cũng như nuôi dạy con cái.
Rất may mắn là những lúc tôi mất cân bằng do công việc quá nhiều áp lực, tôi luôn chia sẻ những buồn vui, khó khăn trong công việc với người thân, và ngược lại gia đình tôi đều hành trì giáo lý của Đức Phật. Và chúng tôi đều hỗ trợ, chia sẻ động viên nhau.
PV: Chị có thể cho biết, việc phát triển bản thân và sự nghiệp, có mối liên hệ chặt chẽ như thế nào tới tinh thần từ bi bao dung của Đức Phật đã để lại không?
- Khi chúng ta càng quan tâm tới hạnh phúc của người khác, cảm giác hạnh phúc của chúng ta càng lớn. Gieo trồng cảm giác ấm áp và gần gũi cho người khác, tự động tâm hồn mình sẽ được an lành. Sức mạnh của niềm hoan hỷ đó nó sẽ giúp chúng ta dẫn tới thành công.
Trong trải nghiệm về cuộc sống, tôi nhận thấy, khi chúng ta phải đối diện với nhiều vấn đề, rất dễ bị chán nản và giảm đi khả năng đối diện với khó khăn, và nếu chúng ta nhớ ra không chỉ riêng mình mà ai cũng phải hứng chịu khổ đau, thì mình nên dành đồng cảm cho đối phương. Những đối tác và những khách hàng của tôi cũng gặp phải rất nhiều vấn đề lớn, đều được tôi khuyên hãy mở rộng trái tim mình ra đón nhận tất cả, bởi quy luật của nhân quả rất công bằng.
Khi chúng ta phấn đấu sống nhân văn hơn, bao dung hơn, từ bi hơn là khi đó vạch thành công của chúng ta càng gần. Kết quả là, sự thanh thản và sức mạnh nội tại của chính mình sẽ tăng lên. Chúng ta sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn và độc lập ở giai đoạn thịnh vượng nhất trong đời, nhưng chúng ta luôn cần được dựa vào sự nâng đỡ của người khác, khi còn quá trẻ hay quá già và đau ốm.
Tôi luôn hiểu, vì chính sự tồn tại của con người chúng ta khá phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, nên nhu cầu thương yêu được đặt làm nền tảng trong sự tồn tại và phát triển. Vì thế, chúng ta cần có trách nhiệm đích thực và sự quan tâm chân thành với lợi ích của người khác, điều đó luôn là những điều tôi thực hành trong suốt quá trình vận hành doanh nghiệp và phát triển bản thân của mình.
PV: Những sản phẩm đồ gỗ của chị được nhiều người trong nước, ngoài nước biết đến và đón nhận. Chị có thể cho biết điều gì đã khiến chị có thể làm được điều đó?
Khi còn đang trên con đường dò đường đi cho doanh nghiệp của mình, tôi cũng chưa nghĩ được đến là các sản phẩm do tôi và các nghệ nhân tạo ra, lại được người tiêu dùng chào đón đến như vậy.
Những bước khó khăn đầu tiên, may mắn là tôi đã biết sống chậm lại, bình tâm quán xét mọi những khó khăn và tháo gỡ dần theo giáo lý của Đức Phật. Khi tôi muốn được xâm nhập một thị trường mới, thì điều đầu tiên là tôi tìm hiểu về văn hóa, về phong tục về tập quán của họ. Những đất nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…. họ cũng có rất nhiều đặc điểm giống mình, nhưng khác một điều đó là những tác phẩm nghệ thuật được tôi và các nghệ nhân khác, cạnh tranh với họ về nghệ thuật.
Từ một người làm nghề truyền thống, trở thành một thương hiệu được người yêu đồ gỗ mỹ nghệ yêu quý và lựa chọn tin tưởng là một chặng đường tôi phải đi qua nhiều khó khăn.
Tôi luôn băn khoăn về những tác phẩm nghệ thuật dù đẹp nhưng không biết đưa hình ảnh và thương hiệu của mình lên một tầm cỡ mới thì thật đáng tiếc và không chuyên nghiệp. Chính vì điều đó, những khó khăn, những áp lực, những điều cần biết để nâng giá trị của mình lên một tầm cao mới, mang lại giá trị kinh tế cho xã hội, cho các nghệ nhân và cho chính bản thân và gia đình là điều tôi luôn cố gắng. Một điều may mắn hơn là Đức Phật luôn ở bên tôi, gia trì và giáo pháp của Ngài định hướng cho tôi tới một nếp sống nhân văn và phụng sự.
PV: Những câu châm ngôn mà chị thích là gì?
- Tôi chỉ sống trên đời này có một lần, vì vậy có thể làm điều gì nhân ái cho bất kỳ ai thì tôi sẽ làm, bởi tôi sợ tôi không được sống đến lần thứ hai hoặc tôi không còn cơ hội.
- Với tôi, điều quan trọng là làm cái gì cũng phải yêu, đam mê và nhiệt huyết.
- Đừng đứng núi nọ trông núi kia, đừng từ bỏ, đừng bỏ dở.
- Bởi khoảng cách giữa thành công và thất bại rất ngắn.
- Đừng vội từ bỏ, bởi không có gì là dễ dàng cả.
Nguồn tin: Phatgiao.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự