Những ngày này, vừa tranh thủ làm công việc lấy mẫu xét nghiệm quen thuộc, Hà Thủy Tiên (sinh năm 1999) vừa dọn dẹp dần đồ dùng cá nhân, quần áo vào chiếc vali nhỏ đồng hành cùng cô vài tháng nay.
Cuối tuần này, Thủy Tiên sẽ chia tay đồng đội, các tình nguyện viên chống dịch tại Bình Dương để về Hà Nội, kết thúc hành trình dài hỗ trợ công tác chống dịch Covid-19.
“Dù muốn được ở lại với mọi người đến khi dịch bệnh được kiểm soát song vì có việc gia đình, mình đành xin về trước. Có chút buồn, tiếc nuối vì không thể tiếp tục góp sức, mình cũng khá tự hào khi đã làm hết sức, cống hiến được chút gì đó”, Thủy Tiên nói với Zing.
Đầu tháng 6, khi Bắc Ninh trở thành ổ dịch lớn của cả nước, Thủy Tiên và một số người bạn kêu gọi quyên góp một số vật tư y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ, cồn sát khuẩn và thực phẩm gửi tặng các nhân viên y tế nơi này.
Tuy nhiên, nhận thấy tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, nữ sinh viên Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam tìm cách đăng ký trở thành tình nguyện viên, trực tiếp đến hỗ trợ.
“Trước khi đi, mình cũng khá lo, sợ sức khỏe không đảm bảo vì mình nhỏ con, nặng khoảng 39 kg thôi. Nhưng rồi mình nghĩ ‘không thử sao biết’, ai cũng sợ thì áp lực trên vai các nhân viên y tế tuyến đầu càng đè nặng”.
Ban đầu, nghe tin con gái muốn vào tâm dịch, gia đình Thủy Tiên cũng phản đối, sợ con gặp nguy hiểm. Dần dần, sau nhiều lần nói chuyện, thuyết phục, cô gái sinh năm 1999 cũng nhận được sự cho phép.
Cứ như vậy, Tiên bắt đầu chuỗi ngày vừa tham gia tình nguyện, vừa tranh thủ học online. Mỗi khi có tiết, cô xin phép đơn vị tham gia muộn để lên lớp.
Trong đội tình nguyện viên, Tiên chủ yếu đảm nhiệm việc điều phối thu mẫu xét nghiệm Covid-19 và hỗ trợ người dân khai báo. Lần đầu mặc bộ đồ bảo hộ, Tiên bị ngợp, nhiều lần choáng váng khi làm việc dưới cái nắng giữa hè.
Sau khoảng nửa tháng, Tiên tiếp tục tình nguyện tới Bắc Giang hỗ trợ. Tại đây, ngoài công việc tương tự ở Bắc Ninh, cô gái nặng 39 kg còn tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh”, hỗ trợ bà con nông dân ở Lục Ngạn thu hoạch vải thiều.
“Lúc đó, mình không biết bản thân lấy đâu ra sức lực để ‘lăng xăng’ như vậy nữa”.
Ngày 3/7, Tiên trở lại Hà Nội. Kết thúc 14 ngày cách ly, nữ sinh viên tiếp tục đi theo đoàn hỗ trợ chống dịch của một công ty công nghệ sinh học, nơi cô được cử đến tham gia đào tạo về xét nghiệm Covid-19, vào ổ dịch Bình Dương.
“Tình hình dịch tễ ở đây diễn biến phức tạp, số mẫu xét nghiệm bọn mình phải đi lấy nhiều hơn. Thời tiết cũng khắc nghiệt, nhiều hôm mưa tầm tã từ chiều đến tối, công việc của mình cũng bị ảnh hưởng khá nhiều”.
Gần 4 tháng làm tình nguyện viên chống dịch, mỗi nơi Thủy Tiên đặt chân đến, mỗi người cô từng gặp đều để lại nhiều kỷ niệm.
Đó là những lần gặp người dân địa phương không chịu hợp tác, thậm chí nặng lời, Tiên và đồng đội phải liên tục kiên nhẫn giải thích, thuyết phục.
Thủy Tiên tạm dừng hành trình hỗ trợ chống dịch sau gần 4 tháng.
Đó cũng là những khi đang đi làm nhiệm vụ giữa trưa nắng, các tình nguyện viên nhận được lời cảm ơn, chai nước, cái bánh tiếp sức từ người dân.
Với Tiên, những món quà nhỏ ấy dù có tiền cũng không mua được, bởi nó còn chứa cả niềm tin, tình cảm của người tặng.
Những ngày qua, đều đặn bắt đầu công việc từ sớm, đến khi nào xong việc, có lúc là 23h mới được nghỉ ngơi, Tiên nói vẫn cảm thấy hào hứng, hạnh phúc, bởi cô biết mình đang được trực tiếp góp sức vào công cuộc chống dịch.
“Đeo khẩu trang nhiều quá, mặt mình cũng ‘banh chành’ luôn, tay thường xuyên nhăn nheo vì xỏ găng y tế. Nhưng may mắn mình không bị sút cân hay ảnh hưởng sức khỏe quá nhiều”.
Đối với cô gái 22 tuổi, những tháng ngày vừa qua là trải nghiệm hiếm có trong đời.
“Mình cảm giác như bản thân trưởng thành hơn, có thêm chút tự hào về những gì làm được. Trở về Hà Nội nhưng hành trình tình nguyện của mình sẽ chưa kết thúc đâu”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự