Từ nữ sinh bị bắt nạt đến người truyền cảm hứng sống tích cực

Thứ năm - 07/10/2021 03:20
Bạn trẻ ấy chính là Nguyễn Thị Nga (23 tuổi, ở Vĩnh Phúc), thường được biết đến với tên Tuệ Nga qua các video review sách trên Facebook, YouTube và TikTok. Ít ai biết, cô bé Tuệ Nga đã từng bị bạn bè kỳ thị, bắt nạt và gọi là “sứt”.
Tuệ Nga và sự bình an trong tâm hồn sau những nỗi buồn quá khứ - Báo Giác Ngộ số 1120-1121
Tuệ Nga và sự bình an trong tâm hồn sau những nỗi buồn quá khứ - Báo Giác Ngộ số 1120-1121

Tuy nhiên, không bị những điều đó đè bẹp, xuất hiện trong một chương trình phẫu thuật thẩm mỹ dành cho những người gặp khiếm khuyết về ngoại hình vào năm 2020, Nga khiến nhiều người ấn tượng bởi sự vui vẻ, hoạt bát, yêu đời. Thi thoảng lại thấy Tuệ Nga cùng bạn bè đi phóng sanh với nụ cười rạng rỡ.

Tuệ Nga chia sẻ về hành trình bước ra ánh sáng, vượt lên chính mình, kiến tạo bình an đó của mình với Giác Ngộ:

- Tôi trải qua cũng khá nhiều khó khăn, từng nghĩ tương lai Tuệ Nga sẽ gặp nhiều khó khăn nữa. Như Đức Phật từng nói, cuộc đời này là bể khổ, nên tôi nghĩ khó khăn là điều sẽ phải xảy ra trong cuộc sống.

Hồi nhỏ tôi hay được bạn bè đặc biệt danh là sứt, móm và không có môi cơ. Trời, nhớ lại hồi đấy, mấy bạn bằng tuổi mình mà trí tưởng tượng phong phú ghê. Những lời nói ấy khiến tôi tự ti lắm, có lần tôi đã nghĩ bản thân mình là đứa bé không được yêu thương. Nhiều lần tôi tự hỏi: “Mình sinh ra trên đời này nhằm mục đích gì? Có ý nghĩa nào không giữa kiếp sống này?”.

Chán ghét bản thân là thế. Một ngày nọ, tôi đọc được cuốn sách Nhà giả kim, và tôi đã được tiếp thêm một động lực mạnh mẽ để tiến bước về phía trước, chẳng cần biết có điều gì sẽ đợi, tôi nghĩ mình cứ đi, cứ bình an là được.

Từ nữ sinh bị bắt nạt đến người truyền cảm hứng sống tích cực ảnh 1

Nghĩ vậy, tôi cứ đi tiếp, tất nhiên cũng không phải thuận lợi, có lúc sự nghi ngờ bản thân nổi lên, nghĩ rằng bản thân không đủ giỏi để làm điều này hoặc điều kia, nghĩ rằng sẽ không ai yêu thích Tuệ Nga đâu… nên tôi cũng không dám làm nhiều điều. Ví dụ như thích ai tôi không dám tỏ tình, sợ người phán xét nên không dám nói ra quan điểm của bản thân.

Thế rồi, một hôm có một người thầy nói với tôi rằng: “Khi sợ điều gì mình phải đối diện với điều ấy”. Nghe được câu nói ấy tôi như tỉnh ngộ. Tôi chọn cách đối diện với nỗi sợ lớn nhất của bản thân - ấy là nỗi sợ người khác nhìn vào vết sẹo trên miệng - bằng cách quay YouTube. Và thật bất ngờ, những điều tôi đã tưởng như mọi người cười chê mình, phán xét mình nó không xảy ra trong thực tế. Ngược lại, mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ, kênh YouTube của tôi đã có nhiều người biết, cái tên Tuệ Nga cũng nhiều người biết hơn.

Tôi thấy những nỗi sợ của mình đều là ảo giác, nó không diễn ra trong thực tế nên từ đó, tôi cứ áp dụng lời thầy vào cuộc sống nhiều hơn. Sợ là phải đối diện, khi đó tôi thấy mọi thứ thật bình thản và nhẹ nhàng.

* Có vị thiền sư đã nói rằng “Không khổ đau lấy chi làm chất liệu/ Không buồn thương sao biết chuyện con người”. Với những nốt trầm của mình, đến giờ ngồi chiêm nghiệm lại, bạn thấy nó có giá trị ra sao?

- Thực tế thì tôi cảm nhận sâu sắc những giá trị của khổ đau. Tôi có một vết thương rất lớn với ngôn từ, hồi cấp 3, có một người bạn nói với tôi: Sinh ra làm người khuyết tật thì nên chết đi cho xong!

Câu nói ấy được nói ra trong hoàn cảnh rất bình thường, tôi chỉ không cho bạn ấy chép bài tập của mình, bạn ấy tức lên và nói như vậy với mình. Dường như, khiếm khuyết luôn là cái cớ để người ta vin vào làm mình tổn thương khi mình không làm vừa lòng, không đáp ứng mong muốn của họ.

Lần tổn thương ấy khiến tôi khóc và suy nghĩ rất nhiều, có lúc tôi đã đồng ý với bạn ấy rằng: “Sinh ra làm người khuyết tật thì không nên sống thật”. Thật may mắn, tôi vẫn sống được đến tận bây giờ (cười).

Qua lần đó, ngẫm nghĩ lại tôi thấy nó cũng là một cơ duyên để mình theo nghề viết và đọc. Tôi muốn dùng chính ngôn từ để chữa lành những tổn thương cho người xung quanh, vì tôi hiểu ngôn từ khiến con người ta tổn thương thì chắc chắn cũng sẽ khiến cho ta được chữa lành.

* Vậy sách với bạn có ý nghĩa như thế nào?

- Sách với tôi như người bạn thôi, đồng hành cùng mình khi khó khăn, khi buồn hoặc khi vui. Nhiều thứ có thể học hỏi từ sách vở và mình cũng “nói” được nhiều điều qua đó.

* Tại sao bạn chọn việc review sách để tương tác với mọi người? Đến giờ, công việc của Nga đã truyền cảm hứng gì cho mọi người?

- Tôi chọn sách vì thấy nó là thứ tôi dành nhiều thời gian nhất thời điểm đó. Tôi bắt đầu công việc review sách từ tháng 4-2020. Thời điểm đó sách vở là thứ tôi dành nhiều thời gian cho nhất.

Tuệ Nga đã truyền được cảm hứng gì cho giới trẻ hả? Thực tế là tôi không có mong muốn truyền cảm hứng gì, tôi đơn thuần là muốn chia sẻ câu chuyện và cách tôi đã làm để vượt qua sự tự ti thôi. Phản hồi từ các bạn đọc, các bạn nói với tôi rằng “Cảm ơn Nga vì đã viết những bài viết đó”, hoặc “Cảm ơn Nga vì đã tạo động lực cho mình”.

Tôi cũng không rõ nữa, nhưng nhiều bạn tìm đến tôi để chia sẻ và tâm sự.

* Một ngày của Tuệ Nga như thế nào? Bạn có lời khuyên hay kinh nghiệm nào trong việc vượt qua chướng ngại, chữa lành những tổn thương và sống vui, sống có ích trong cuộc đời này?

- Một ngày của tôi thực ra không có kế hoạch gì nhiều. Tôi sống khá linh hoạt, việc gì đến thì đến, có khi sẽ có kế hoạch có khi không, có khi rất năng động có khi rất trầm tư.

Kinh nghiệm để cho những điều anh hỏi: Đó là sống, sống một cách trọn vẹn và máu lửa. Chỉ có như vậy ta mới tìm ra được chính mình.

* Sắp tới, bạn có dự án hay dự định nào?

- Tôi có dự định sẽ phát triển những lớp về Healing Pencil, một dự án mà ở đó mọi người được chữa lành thông qua chuyện viết, còn Pencil đó là bút chì, dùng bút chì viết hết tất cả mọi thứ, như vậy ta sẽ nhẹ lòng hơn khi những điều ấy thay đổi. Vạn vật vốn vô thường nên nếu ta còn chưa biết mình là ai, hãy cứ giữ tâm thái nhẹ nhàng và không ổn định để nhìn thế giới vốn không ổn định này.

* Cảm ơn bạn và chúc bạn an lành!

Theo Giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây