Tuy vậy, dù là "giáo dục đạo đức", người Nhật vẫn có những phương pháp rất tự nhiên, nhẹ nhàng để hình thành cho trẻ thói quen và suy nghĩ tiết kiệm.
Dù rằng là một người rất chú ý tới việc tiết kiệm điện nước nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cậu con trai 4 tuổi của mình còn thành thục hơn mình trong chuyện này. Cháu đã biết tự giác vặn vòi nước rất vừa phải, điều chỉnh cần gạt nước không quá nóng quá lạnh, biết tắt vòi trong các khoảng thời gian trống không sử dụng (ví dụ như trong lúc xoa xà phòng)... khi rửa tay. Đây là những bài học cơ bản các cháu đã được dạy tại trường mầm non và được thực hành mỗi ngày.
Từ một đất nước đói nghèo, thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên, đi lên phát triển từ những đổ nát của chiến tranh và những bất trắc của thiên tai, ngay cả khi đã giàu mạnh thì với người Nhật, thái độ sống khiêm nhường, phẩm cách tiết kiệm vẫn được coi là mỹ đức quan trọng bậc nhất tại đây. Sống ở Nhật bạn rất khó tìm thấy ai đó phô trương của cải. Ngay cả các bậc đại phú giàu có trong xã hội cũng rất ẩn mình khiêm nhường, và thói quen lãng phí, khoe khoang được coi là thói hành xử thiếu giáo dục.
Tại các cơ quan, trường học, tiết kiệm được coi là mục tiêu quan trọng trong các hoạt động học tập và công việc và là bài học đạo đức được giảng dạy suốt các cấp học phù hợp với mỗi giai đoạn nhận thức của trẻ.
Tại gia đình, việc xây dựng cho trẻ các bài học tiết kiệm dựa trên các từ khóa "vừa đủ", "lãng phí", "tiết kiệm" chính là cách để cha mẹ giúp trẻ có thói quen và nhận thức đúng đắn trong việc sử dụng vật chất.
Trẻ cần có nhận thức lành mạnh về tiền bạc
Trong gia đình, cha mẹ Nhật là tấm gương để con cái noi theo về việc thực hành tiết kiệm: từ việc tránh mua sắm phung phí, chỉ mua những đồ vật thực sự cần thiết trong gia đình tới việc tái chế các đồ vật khi vẫn có thể sử dụng, sử dụng đồ cũ khi còn có thể.
Việc người mẹ bố trí không gian sống hợp lý, khoa học, ngăn nắp cũng là cách vô hình tạo nếp sống vừa đủ, không thừa mứa trong gia đình. Ngay trong khẩu phần ăn hàng ngày, cách người Nhật tạo ra các món ăn cân bằng dinh dưỡng, vừa phải về số lượng là cách hiệu quả giúp trẻ nhận thức về việc sử dụng thực phẩm vừa đúng theo nhu cầu cơ thể.
Đối với đời sống hàng ngày, cha mẹ Nhật rất chú trọng nói chuyện với con cái về tiền bạc với mục đích:
- Giúp trẻ hiểu được vai trò quan trọng của tiền bạc trong cuộc sống
- Giúp trẻ học được cách thiết kế cuộc sống dựa trên các bài toán tài chính cơ bản, từ đó vững vàng hơn khi trưởng thành
Những cuộc trò chuyện này có thể diễn ra rất đơn giản và nhẹ nhàng, không nhằm làm cho trẻ thấy nặng nề về gánh nặng tiền bạc mà bắt đầu làm quen với các con số. Một ví dụ đơn giản: ngay khi bé đã bắt đầu tự đi tiểu và bỏ dần bỉm, việc khen ngợi bé bỏ bỉm giúp mẹ tiết kiệm được một khoản cũng có thể là một thông điệp giúp trẻ nhận thức rằng trẻ cũng là một thành viên đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế gia kế. Từ đó trẻ làm quen với việc sử dụng tiền bạc một cách cẩn thận và có kế hoạch.
Việc từ chối mua sắm đồ vật con muốn bằng cách nói "cha mẹ không có tiền" - không được cha mẹ Nhật coi là giải pháp hữu hiệu bởi nó vô hình chung hình thành suy nghĩ tiền của cha mẹ như từ thẻ ATM rút ra, khi có, khi không... Ngược lại trẻ cần được làm quen với quy tắc chỉ mua đồ khi cần thiết và xứng đáng.
Người Nhật cũng thường đưa con đi tới tham quan các cơ quan, công xưởng của chính cha mẹ mình hay người khác để trẻ hiểu được quá trình lao động vất vả và chăm chỉ của người trưởng thành, từ đó biết trân trọng công sức lao động của cha mẹ mình và người khác.
Hình thành thói quen tiết kiệm năng lượng
Bài học tiết kiệm cơ bản, đơn giản nhất mà người Nhật có thể áp dụng với mọi em bé đó là hướng dẫn bé tiết kiệm năng lượng khi không dùng tới
- Làm quen với những việc đơn giản hàng ngày: vặn vòi nước ngay khi không sử dụng, tắt điện khi không dùng tới, mở điều hòa chỉ thật khi cần thiết.
Đồ cũ được trẻ em Nhật đem gom tại các mottainai fair (nơi bán đồ cũ đã sử dụng) để tránh lãng phí.
- Hướng dẫn trẻ tận hưởng ánh sáng mặt trời và gió mát tự nhiên mỗi khi có thể thay vì sử dụng điện quạt.
- Luôn hướng dẫn trẻ mang bình nước theo mình để không lãng phí tiền bạc vào việc mua nước đóng chai.
Giáo dục trẻ tiết kiệm năng lượng không chỉ đơn thuần là nói với trẻ về việc con số trên tờ hóa đơn điện nước của gia đình bạn sẽ giảm được bao nhiêu, mà thông qua việc này, cha mẹ có thể dạy con các vấn đề về môi trường, về việc lãng phí năng lượng có thể gây nên các hiện tượng khan hiếm nhiên liệu, góp phần vào việc nóng lên của trái đất...
Cùng các bài học dạy trẻ về tình yêu thiên nhiên cuộc sống, một thái độ trân quý và bảo vệ các nguồn lực tự nhiên là rất quan trọng với trẻ. Để từ đó, trẻ cảm nhận được rằng một cây bút chì, một tờ giấy trắng... cũng là thứ cần tiết kiệm và sử dụng hợp lý.
Trên hết, chính là thái độ của người Nhật trong việc coi trọng giáo dục tiết kiệm cho trẻ, vì nhìn sâu rộng hơn, tiết kiệm chính là cách giúp trẻ học trau dồi tâm trí, trân trọng cuộc sống, trân trọng những gì trẻ đang có, từ đó có cảm giác biết ơn với gia đình, xã hội. Học tiết kiệm cũng giúp trẻ hình thành một nhân cách lành mạnh thông qua việc có kỷ luật và thái độ nghiêm túc với các vấn đề tài chính, nuôi dưỡng cho trẻ một tầm nhìn tương lai và tính cách độc lập, tự chủ. Xa hơn nữa, việc giáo dục về tiền bạc tạo cho trẻ ước muốn được lao động và kiến tạo vật chất một cách lương thiện, lành mạnh.
Theo afamily.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự