Tình yêu thương giống như lòng bao dung

Thứ ba - 28/07/2020 03:25
Càng ngày tôi càng nhận ra tình yêu thương chỉ đơn giản là khi không có ghét, giận thứ gì cả thì khi đó mình đã có tình yêu thương với mọi thứ rồi. Và lúc này yêu thương là một trạng thái trùm khắp chứ không dính mắc, tập trung, lên xuống thất thường với những biến đổi nhỏ nhặt trong một đối tượng.
Tình yêu thương giống như lòng bao dung

“Tình yêu thương” là một khái niệm tưởng là dễ hiểu, nhưng trên thực tế nhiều người sẽ hiểu theo nhiều kiểu khác nhau và gán cho nó những khái niệm, định nghĩa khác nhau. Có người khi yêu thì sở hữu, chiếm hữu đối tượng. Có người khi yêu thì quản lý, thâu tóm đối tượng và cũng muốn đối tượng phải theo ý mình (cũng là một loại cầu toàn). Có người thì yêu thương là để yên cho đối tượng tự phát triển đúng như sự vận hành của đối tượng”.

Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - gương mặt họa sĩ đương đại của Việt Nam - chia sẻ:

Càng ngày tôi càng nhận ra tình yêu thương chỉ đơn giản là khi không có ghét, giận thứ gì cả thì khi đó mình đã có tình yêu thương với mọi thứ rồi. Và lúc này yêu thương là một trạng thái trùm khắp chứ không dính mắc, tập trung, lên xuống thất thường với những biến đổi nhỏ nhặt trong một đối tượng.

Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng.
Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng.

PV: Nhìn lại từ tuổi thơ của anh, anh đã được sống trong tình yêu thương từ gia đình, bố mẹ ra sao?

- Tuổi thơ của tôi chắc cũng không quá khác biệt so với các bạn đâu! Cũng đầy đủ các cung bậc cảm xúc vui, khổ, hơn, thua, thành, bại, được, mất… Nhưng từ khi tôi có gia đình nhỏ của mình, có con cái, tôi nhìn lại về mối quan hệ huyết thống nhiều hơn, hiểu về tình cảm, trạng thái tâm của mọi người trong nhà hơn!

Những lúc tôi dạy giỗ, hướng dẫn hoặc chơi với con mình trong mọi sinh hoạt, cư xử… hằng ngày thì cũng ngay đó tôi thấy bố mình, ông mình hiện diện trong tôi ra sao, tôi thừa hưởng đức tính gì, tập khí nào, tốt xấu ra sao. Rồi khi các con tôi đáp lại những tình cảm và thái độ của tôi thì tôi cũng thấy những hiện diện của tôi, của ông, bà, bố, mẹ tôi ở trong chúng. Vì vậy tuổi thơ của tôi lại “luân hồi” một cách nào đó để rồi tôi nhìn thấy được trong tuổi thơ của các con.

PV: Những điều ấy đã ảnh hưởng tới anh sau này như thế nào?

- Những điều này thúc đẩy tôi tìm hiểu nhiều hơn về mình, tại sao mình sinh ra ở đây, trong gia đình này, ở xứ sở này, mang hình thù này, có khả năng làm những việc này…

Và với tất cả các công việc hằng ngày, tôi tự nhìn nhận rõ hơn về bản thân tôi và mối tương quan với mọi người xung quanh.

1

Càng ngày tôi càng nhận ra tình yêu thương chỉ đơn giản là khi không có ghét, giận thứ gì cả thì khi đó mình đã có tình yêu thương với mọi thứ rồi. Và lúc này yêu thương là một trạng thái trùm khắp chứ không dính mắc, tập trung, lên xuống thất thường với những biến đổi nhỏ nhặt trong một đối tượng.

PV: Trên thực tế để có thể yêu thương người khác, nhất là những người đã gây nỗi đau, từng tạo ra những oán hận cho mình là điều rất khó khăn?

- Đời tôi tính đến hiện tại kể ra cũng may mắn không có mối oán hận nào! Còn nếu đã từng có mâu thuẫn ở đâu, với ai trong quá khứ thì cũng đều đã giải quyết rồi!

Trong thực tế cuộc sống, những mâu thuẫn dễ xảy ra thường làm mình không ngờ, thiếu cảnh giác mà mình nổi sân, thì thực ra lúc đó tâm “sân” của đối phương cũng không thể dịu xuống được đâu, thậm chí còn tăng lên. Nếu “sân” của mình mà thắng cái “sân” của người ta thì là do họ bị chồng thêm một tâm “sợ” vào đó mà thôi. Do vậy đâu có hoá giải gì đâu?

Tuy nhiên từ khi tôi có duyên được học giáo lý Phật giáo thì tôi thấy rằng “oán hận” là một loại “năng lượng” không thể hoá giải bằng cách ngăn chặn, đè nén. Nó phải được hoá giải bằng Tâm Từ (Metta), phải được tưới mát bằng lòng bao dung, cảm thông và rồi nó sẽ tự động lắng nguội xuống một cách tự nhiên.

Vậy nên nếu ta phát huy được tâm từ của mình cho dồi dào, mạnh mẽ thì khi gặp hoàn cảnh nghịch ý sẽ không còn cư xử bằng tâm “sân” được nữa!

PV: Trong quá trình vẽ và từ đời sống cá nhân, anh đã trải qua từng bước ra sao để có thể biết cách để yêu thương từ việc cho và nhận?

- Trong thực hành nghệ thuật, vẽ tranh hay làm các tác phẩm sắp đặt thì tôi coi chúng như là phương tiện để thấy ra bản thân tôi. Tôi thường xem lại các hình ảnh tác phẩm mình đã làm từ 20 năm trước đến nay để rồi thấy rõ hơn tiến trình sáng tác của mình, mạch tư duy đằng sau các tác phẩm ở mỗi thời kỳ ra sao, khi đó mình là người thế nào…

Tôi đã “nhận” được những kinh nghiệm sống từ nơi đây, gia đình này, tổ tiên này, lịch sử này… chuyển hoá thành tác phẩm và “cho” chúng trở lại xúc chạm với công chúng, với thế giới. Do duyên tiếp xúc với những hạng người, với những xứ sở, những tư tưởng khác nhau… mà tôi cũng lại “nhận” được từ đó những trải nghiệm mới để rồi lại “cho” về đây những gì mình đã nhận.

Tựu trung, tôi thấy mình còn nhiều trăn trở với thân phận người Việt Nam, luyến ái với gia đình mình, tương giao với bạn bè đồng nghiệp! Còn những ràng buộc chằng chịt mà một đời nghệ sỹ ngắn ngủi không thể chuyển tải hết được đâu!

PV: Việc đến với Đạo Phật đã vun bồi tình yêu thương ra sao trong anh? Thầy của anh đã dậy anh về tình yêu thương cụ thể như thế nào?

- Đạo Phật mở ra cho tôi những lối thoát mà trước đây tôi không hề biết!

Thoát khỏi quan niệm sai lầm về tình yêu thương.

Trước đây tôi đã nghĩ rằng yêu thương là phải nhiệt tình với nhau, phải sở hữu nhau, phải dính líu vào nhau… và tôi đã không biết cái mặt trái của nó là: khi không được toại nguyện thì nó hiện ra những sự ghen tuông, hờn giận, đố kỵ… Đó là 2 mặt của một đồng xu, nếu giữ đồng xu là giữ luôn mặt này lẫn mặt kia của nó! Nếu bạn muốn dính mắc với ai đó là bạn chấp nhận dính mắc cả cái “như ý mình” lẫn cái “bất như ý mình” cùng lúc.

Thầy của tôi dạy rằng tình yêu thương đúng nghĩa giống như lòng bao dung, cảm thông của người mẹ với đứa con.

Dù cho đứa con (đối tượng) có cư xử đúng ý mình hay trái ý mình thì lòng bao dung đó vẫn bao trùm toàn bộ, không thay đổi, không bị kẹt vào các sự thay đổi nhỏ nhặt của đứa con (đối tượng)! Mỗi người đều có sinh mệnh riêng và nghiệp riêng của họ, mỗi người đều tự học cái bài học của đời họ, mình không thể xen vào quá trình vận hành đó được mà chỉ sáng suốt, định tĩnh, trong lành để quan sát đối tượng đó một cách trọn vẹn thôi! Vậy là tình yêu thương đã thành tựu rồi đó!

Mặc dù tôi còn rất nhiều và nhiều dính mắc, nhưng khi tôi thấy ra con đường đúng này, tôi sẽ điều chỉnh mình để không còn bị cuốn theo các đối tượng bên ngoài, tôi tập nhìn lại mình thường xuyên hơn trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc trong ngày. Tôi mới chỉ là hành giả thôi mà!

Đạo Phật mở ra cho tôi những lối thoát mà trước đây tôi không hề biết!
Đạo Phật mở ra cho tôi những lối thoát mà trước đây tôi không hề biết!

PV: Theo anh cuộc sống sẽ thế nào nếu thiếu đi tình yêu thương mà con người dành cho nhau?

- Chúng ta thường thấy nhiều tin tức về các vụ án, về sự tàn bạo… chúng ta cảm thấy rằng những con người trong các hoàn cảnh đó đang trải nghiệm cái gọi là “địa ngục trần gian”, phải rồi, vì họ bị che mờ hết nên không thể thấy được “tình yêu thương” đúng nghĩa ở đâu cả.

Thực ra “tình yêu thương” đúng nghĩa là đã có sẵn trong mỗi người rồi, nhưng do vô minh mà tuỳ từng người sẽ bị mắc kẹt trong từng hoàn cảnh trầm luân cảm xúc của riêng họ. Khi đó họ tưởng rằng mình không có “tình yêu thương” mà thôi! Nhưng ở một khoảnh khắc nào đó trong đời, nếu họ trở về được trạng thái sáng suốt, định tĩnh, trong lành thì “tình yêu thương” đúng nghĩa tự động hiện ra. Vậy hãy kéo dài khoảng khắc đó ra và nhân rộng trong cả đời bạn! Tôi cũng tự chúc cho tôi làm được như vậy!

Cảm ơn anh rất nhiều.

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây