ĐÁP: Bạn Thiện Phúc thân mến!
Căn bệnh mà bạn đang mắc phải là một loại bệnh lý thường gặp, thuộc dạng rối loạn tâm thần. Người mắc bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực thường xuyên tái diễn các trạng thái hưng phấn (với các biểu hiện như tự cao, nói nhiều, dễ kích động…) hoặc trầm cảm (với các biểu hiện như mệt mỏi, không tập trung, có ý tưởng tự sát…), xen kẽ là tâm lý bình thường. Tác động của bệnh có thể gây trở ngại tới khả năng học tập, lao động và các mối quan hệ gia đình, xã hội. Đối với người tu, mắc bệnh này là một trở ngại lớn vì tâm lý bất ổn, nhân cách bất định, nếu bệnh nặng thì được xem như một dạng “tẩu hỏa nhập ma” hay người “cõi trên”, có thể gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh người xuất gia nói chung.
Theo các nhà chuyên môn, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị bệnh này. Tuy nhiên, các triệu chứng thì có thể kiểm soát được. Phương thức điều trị bao gồm cả uống thuốc và các trị liệu tâm lý. Bệnh nhân cần duy trì uống thuốc đều đặn, đúng theo hướng dẫn, tái khám định kỳ để điều chỉnh thuốc hợp lý và kịp thời. Trị liệu tâm lý bao gồm các trị liệu cảm xúc, hành vi, nhân cách và các rối loạn tâm thần khác. Đặc điểm của bệnh này là giữa những giai đoạn hưng phấn hay trầm cảm thì bệnh nhân gần như hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường. Do vậy, điều trị dự phòng tránh tái phát là hết sức cần thiết. Cần tránh các căng thẳng, stress, giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
Bạn đã trải qua một thời gian dài để điều dưỡng mà chưa khỏi hẳn chứng tỏ bệnh của bạn cũng khá nặng. Ngoài việc uống thuốc đúng theo sự hướng dẫn của bác sĩ, thiết nghĩ, bạn nên phát nguyện lễ Phật sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng tiền khiên và tu tập thiền định hay niệm Phật nhằm tịnh hóa ba nghiệp. Thiết lập chánh niệm, rõ biết để làm chủ thân và tâm cũng là cách trị liệu tâm lý có hiệu ứng tích cực.
Vì vậy, trong khi bệnh chưa bớt thì bạn nên tiếp tục tịnh dưỡng, khi nào khỏi hẳn mới có thể tiếp tục xuất gia tu hành trở lại.