Có nên vừa quy Phật vừa tin Mẫu ?

Thứ bảy - 07/04/2012 07:54
Hỏi: Gia đình tôi đã quy y đạo Phật từ lâu. Hiện tại tôi kết duyên với pháp môn Tịnh độ, chuyên tâm niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà. Có điều, vợ tôi tuy đã quy y, thờ Phật nhưng cũng tin theo tín ngưỡng Thánh Mẫu và tín thuận theo những điều mà các Quan, Cô, Cậu phán truyền.

Tôi nghĩ rằng, người Phật tử chánh tín thì phải nương tựa Tam bảo, tin sâu nhân quả, tinh tấn thực tập giáo pháp để chuyển hóa ba nghiệp thì mới có thể gặt hái những quả lành trong đời sống.

Việc cầu xin ban phát tài lộc, sức khỏe, bình an gia đạo và thông qua nghi lễ hầu đồng để tin theo những phán truyền của chư vị thần thánh là không phù hợp với tinh thần Chánh pháp. Tôi muốn biết thêm về tín ngưỡng này và thuyết phục vợ quy thuận, thực hành đúng như lời Phật dạy để được lợi ích, an lạc thiết thực nhưng chưa biết làm sao?
Mong quý Báo trợ duyên. (THIỆN NHÀN, Phạm Thế Hiển, P.4, Q.8, TP.HCM)

Đáp: Bạn Thiện Nhàn thân mến!

Tín ngưỡng Thánh Mẫu (đạo Mẫu) là một trong những tín ngưỡng dân gian của người Việt. Tín ngưỡng này có từ rất xa xưa khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng bao hàm các nữ anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ có thật trong lịch sử với vai trò người bảo hộ, giúp đỡ, che chở hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.

Các vị thần trong tín ngưỡng Thánh Mẫu phản ánh các phẩm chất của một người Mẹ vừa thần thánh lại vừa con người. Tục thờ Mẫu và Tam tòa Thánh Mẫu có quan hệ mật thiết với tục thờ Nữ thần. Tín ngưỡng thờ Mẫu dựa trên một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, thể hiện ý thức nhân sinh, cội nguồn, dân tộc, lòng yêu nước đã được thiêng liêng hóa mà Mẫu là biểu tượng cao nhất.

Mẫu là quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất và hóa thân thành Tam vị, Tứ vị cai quản các cõi các miền khác nhau của vũ trụ như Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thoải (Thủy), Mẫu Thượng Ngàn.

Trong hệ thống thờ Mẫu, cao nhất là Mẫu Thượng Thiên (ngồi giữa, áo đỏ) sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, gió, sấm, chớp… Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào khoảng đời Hậu Lê nhưng nhanh chóng trở thành vị thần chủ và được tôn vinh với tư cách là Mẫu Thượng Thiên, được thờ ở vị trí trung tâm, trang phục màu đỏ. Mẫu Thượng Ngàn (bên trái, áo xanh) là hóa thân Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi. Mẫu Thoải (bên phải, áo trắng) là vị Thánh trị vì vùng sông nước. Mẫu Địa là vị thánh trông coi đất đai. Kế đến là năm vị Quan lớn, mười hai vị Thánh bà, mười vị Thủy tế (các ông Hoàng), các Cô, các Cậu, năm quan Ngũ hổ trấn thủ 5 phương… mỗi vị đều có vị trí, vai trò, chức phận khác nhau.

Nghi lễ phổ biến nhất trong tín ngưỡng Thánh Mẫu là hầu đồng. Trong nghi lễ này, người ta tin rằng các vị thần sẽ nhập vào người lên đồng, và nghe những lời cầu nguyện của người dự lễ. Các điệu múa linh thiêng (giá đồng) là một phần quan trọng của nghi lễ. Có giá các Quan lớn, giá Thánh bà, giá các Cậu, giá các Cô v.v... Trong buổi lễ, các giá đồng được biểu diễn cùng với hát chầu văn. Chầu văn tạo nên một khung cảnh âm nhạc và tâm linh giúp cho người ngồi đồng nhập vào vai mới để liên thông, trao truyền các thông điệp giữa các thần linh với con người.

Vài nét khái quát về tín ngưỡng Thánh Mẫu để cho thấy đây là một trong những tín ngưỡng dân gian sùng bái thần linh. Đặc trưng của tín ngưỡng này là tin tưởng, cầu nguyện và làm theo những phán truyền của thánh thần.

Đối với đạo Phật, trong quá trình du nhập và phát triển ở Việt Nam, mặc dù không loại trừ tín ngưỡng dân gian (một vài chùa còn phương tiện dung hợp các tín ngưỡng dân gian như thờ Thần, thờ Mẫu) nhưng với triết lý, phương thức tu tập, hành đạo v.v… hoàn toàn khoa học, minh triết, thực tiễn và nhân bản. Trọng tâm của đạo Phật là phát huy trí tuệ để thấu rõ nhân quả nghiệp báo, duyên sinh cùng các nguyên lý vận hành của thân, tâm và thế giới đồng thời tự thân nỗ lực chuyển hóa ba nghiệp thanh tịnh. Sự diệt khổ hay thành tựu an lạc, hạnh phúc trong đời sống của người Phật tử hoàn toàn dựa trên sự tinh tấn tu học của bản thân và không hề lệ thuộc vào sự chi phối của thánh thần hay các thế lực siêu nhiên.

Sau khi đã quy y, người Phật tử chỉ duy nhất nương tựa vào Tam bảo. Chư Phật, Chánh pháp và chư Tăng là ba đối tượng quan trọng cho Phật tử quy hướng. Nhờ ánh sáng Tam bảo mà mỗi người con Phật nhận ra phương pháp, con đường để tùy duyên thực tập, chuyển hóa thân tâm. Dù Phật giáo vận dụng nhiều pháp môn phương tiện để phù hợp với nhiều căn cơ đồng thời có kết hợp tha lực (như năng lực cứu độ của chư Phật và Bồ tát) trong tu tập nhưng nỗ lực của tự thân vẫn là quan trọng nhất. “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi/Như Lai chỉ là bậc Thầy chỉ đường” là phương châm tu học của tất cả những người con Phật.

Mặt khác, nhân quả nghiệp báo do mỗi người tạo ra quyết định đời sống hiện tại và tương lai của họ, không có bất cứ thánh thần hay thế lực siêu nhiên nào có thể can thiệp được. Tin Phật đúng nghĩa là tin tưởng vào khả năng giác ngộ và năng lực chuyển hóa của bản thân mình. Thực tập sống đạo đức, tin nhân quả nghiệp báo, mở rộng lòng từ với tha nhân, tịnh hóa thân tâm và nhất là phát huy tuệ giác của chánh kiến để loại trừ mê tín, tà kiến nhằm xây dựng đời sống văn minh, an lạc mới đích thực là người Phật tử chánh tín.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây