Tình thương yêu là gì? Ở phương Tây, chúng ta nhầm lẫn ý nghĩa của tình thương yêu; chúng ta bàn tán mọi lúc, “Tôi yêu thích kem”, rồi đến “Tôi kính yêu đức Thiên Chúa”. Nhưng chúng ta nhầm lẫn tình thương yêu với mong muốn, ham muốn, tham ái và sự bám chấp. Chúng ta nghĩ rằng thương yêu một cái gì đó hoặc ai đó có nghĩa là bám chặt và cho rằng đó là đối tượng sở hữu “của tôi”. Bởi tâm bám chấp, chúng ta khổ đau rất nhiều. Chúng ta sợ hãi mình sẽ mất đi những gì mong muốn, và phải chịu đau khổ trước những mất mát đó. Hãy quán xét kỹ càng về điều này. Chúng ta thường nhầm lẫn sự bám chấp là tình thương yêu. Nhưng sự bám chấp không phải là tình thương yêu. Sự bám chấp là tham muốn và luyến ái. Đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn tới khổ đau. Đức Phật dạy về chân lý khổ và nhân của khổ. Nhân của khổ đau là do tâm tham. Chúng ta bám chấp quá chặt mà không biết làm thế nào để xả ly.
Nhưng tất cả mọi thứ rất vô thường. Tất cả mọi thứ đều trôi chảy, không gì là tĩnh tại cả. Chúng ta không thể khư khư bám giữ bất cứ thứ gì. Ngay khi chúng ta cố gắng giữ dòng chảy của con sông, chúng ta sẽ kết thúc với bàn tay trắng, bởi không thể nắm giữ được nước trong một bàn tay nắm chặt được. Hiện thực là dòng chảy. Nếu chúng ta cứ cố gắng bám giữ chặt, chúng ta sẽ đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Và điều đó mang lại nhiều khổ đau; nó gây ra những nỗi sợ hãi trong đời sống. Đó không phải là tình thương yêu. Tình thương yêu là một trái tim bao la, rộng mở. Đó là một trái tim luôn biết suy nghĩ: “Mong nguyện mọi người được khỏe mạnh và an lạc”, chứ không phải là: “Mong nguyện mọi người có thể mang lại cho tôi sức khỏe và hạnh phúc “.
Để nuôi dưỡng một trái tim luôn mong nguyện sự an lạc tới cho mọi người, có thể bắt đầu từ gia đình của mình. Hãy mang lại cho họ hạnh phúc và cởi mở đối với họ. Nhưng không được luyến ái hay chấp thủ – hãy chỉ hiện diện ở đó và chỉ cho họ thấy tình thương yêu, tình cảm chân thành, bởi vì họ là những người đầu tiên cần tới tình thương yêu. Nhưng đó phải hoàn toàn không phải là một sự luyến ái mạnh mẽ về cảm xúc.
Khi tôi 19 tuổi, tôi quyết định đi tìm cầu bậc thầy tâm linh, và tôi đã nói với mẹ tôi rằng, “con sẽ đến Ấn Độ”. Khi đó bà trả lời, “Ồ được, nhưng khi nào con sẽ trở lại? ” Bà đã không nói “Ý con bảo đi đến Ấn Độ là sao? Làm thế nào con có thể bỏ rơi người mẹ già tội nghiệp này như vậy? “. Bà đã nói,” Được, vậy khi nào con đi? “. Không phải vì bà không thương yêu tôi, mà thực sự bà rất thương yêu tôi. Bà muốn tôi tìm ra được trọn vẹn tiềm năng của mình và có được hạnh phúc. Bà đã không than vãn”Ồ, nhưng nếu con đi, để lại ta như vậy ta sẽ cô đơn. Ta sẽ đau khổ. Làm thế nào có thể bỏ rơi ta như vậy? ” Bởi vì không bám chấp, bà đã hoan hỷ trong niềm an lạc của tôi. Ngay cả khi tôi đã đi, mặc dù tôi chắc chắn bà đã nhớ tôi rất nhiều, nhưng bà thấy niềm vui trong tất cả những điều tôi làm, những nơi tôi đã đi và những người tôi gặp gỡ. Bà đã đến Ấn Độ trong một năm và ở lại với tôi. Nhưng sau đó bà trở lại. Tất cả thời gian mà tôi ở đây, bà không bao giờ đòi hỏi: “Được rồi, bây giờ hãy trở lại. Mẹ đã già và bổn phận của con cái là phải chăm sóc cha mẹ già.” Trong các bức thư, bà đều viết: “Ừ, mẹ biết con thực sự thuộc về Ấn Độ, nhưng con đã đi được 10 năm rồi đấy. Nếu mẹ gửi cho con một vé khứ hồi, con có thể trở lại trong một tháng chứ? “
Đó là tình thương yêu. Một trái tim nồng ấm không phải là một điều gì đó không thể. Đó là thứ tất cả chúng ta có thể phát triển. Một niềm hoan hỷ khi mang lại hạnh phúc cho mọi người, trong suy nghĩ làm thế nào để có thể mang lại cho một chút an lạc, một chút niềm vui cho những người mà chúng ta gặp gỡ, thông qua một lời nói thương yêu, một nụ cười, một món quà hay bất cứ điều gì. Không bao giờ được suy nghĩ “Ồ, nhưng họ chưa bao giờ cho tôi bất cứ thứ gì, vậy tại sao tôi phải mang lại cho họ chứ ? “, hoặc “họ chẳng bao giờ mỉm cười với tôi, vậy tôi sẽ không mỉm cười với họ.” Đó là một ví dụ về tâm thức nhỏ hẹp, tràn đầy sự ích kỷ. Hãy suy nghĩ về xã hội mà tất cả mọi người tốt đẹp với nhau. Đó sẽ là thiên đường, có phải vậy không? Và mặc dù đôi khi ta sẽ không nhận ngay được phản ứng dễ chịu từ một số người nhưng hãy cứ mở rộng lòng mình, rồi mọi người sẽ phản ứng dễ chịu và thân thiện với bạn.
Bởi trên thực tế chúng ta sẽ được ân hưởng từ cuộc sống chính những gì ta đã ban tặng. Còn nếu cứ luôn có những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như sân giận, bất mãn thì người nhận được chúng đầu tiên không ai khác chính là chúng ta. Nếu cứ luôn cho rằng thế giới thật khủng khiếp và con người thật khủng khiếp thì trên thực tế, chính chúng ta mới là những người chịu khổ đau. Vâng, tất nhiên mỗi người có sự tự do của riêng mình, chúng ta có quyền lựa chọn. Nhưng nếu có thể ban trải những suy nghĩ tích cực một cách chân thành; nếu luôn mong muốn mọi người có được niềm an lạc, và chúng ta có thể đóng góp vào đó bằng cách nào đó, đôi khi chỉ là những ngôn từ tốt lành hay một nụ cười, thì sớm hay muộn, những gì chúng ta chắc chắn sẽ nhận lại được chính những gì mình đã ban tặng. Mọi người sẽ luôn thân thiện với chúng ta; sẽ trân trọng chúng ta. Nếu tình cảm chân thành thì ta cũng nhận được tình cảm chân thành. Thế giới là sự phóng chiếu tâm thức của chúng ta. Tâm thức của chúng ta giống như một máy chiếu lớn, khi để hai người cùng một vị trí có thể trải nghiệm những gì đang xảy ra theo những phiên bản hoàn toàn khác nhau. Và một khi nhận ra điều đó, chúng ta hiểu rằng mình có tự do để thay đổi. Chúng ta không phải là những chiếc máy tính được lập trình theo một cách. Chúng ta có thể thay đổi tất cả. Nhưng không ai có thể làm thay cho ta được. Tất cả phụ thuộc vào mỗi người. Chúng ta phải thay đổi chính mình. Phải tự đi tới quyết định.
Chúng ta không chỉ sống trong thế giới này để hưởng thụ hạnh phúc và niềm vui cá nhân. Động vật cũng muốn được thoải mái. Vậy các loài động vật muốn gì? Chúng muốn nơi trú ẩn, muốn thực phẩm, muốn tình cảm, sự ấm áp và thoải mái. Chúng ta cũng vậy. Nhưng nếu đây là tất cả những gì chúng ta mong muốn từ cuộc sống, thì chúng ta chẳng tốt đẹp gì hơn so với loài động vật. Nhưng chúng ta là con người và chúng ta có cơ hội để thực sự phát triển các phẩm chất nội tâm của mình, trí thông minh, các phẩm chất về tinh thần làm cho chúng ta là con người. Nếu chúng ta sống chỉ cố gắng để hưởng thụ, chỉ cố gắng có một cuộc sống bình an, và cố gắng tránh bất cứ điều gì gây đau đớn, chỉ đi tìm những gì mang lại cảm giác dễ chịu, thì chắc chắn chúng ta sẽ phải thất vọng, và hơn thế nữa, chúng ta cũng sẽ không học hỏi được bất cứ điều gì trong thế giới này.
Ai đó nói rằng đời sống này giống như phòng rèn luyện tinh thần vậy. Điều này đúng. Thế giới này là nơi chúng ta rèn luyện, đây là nơi chốn mà chúng ta học hỏi, phát triển những năng lực, phẩm chất của bản thân. Chúng ta có thể cứ cuộn tròn trên ghế bành và cơ thể sẽ yếu đuối. Điều này phụ thuộc vào mỗi người. Tất cả những điều tiêu cực, mang lại khổ đau cho bản thân và những người khác, có thể được chuyển hóa, được sử dụng, để mang lại sự giải thoát. Và tất cả những phẩm chất mà chúng ta cần phát triển đều có thể phát triển được. Lý do chúng ta không phát triển được chỉ bởi do lười biếng. Chúng ta than vãn: “Ồ không, những người khác có thể làm những việc này, nhưng tôi không thể “. Trên thực tế tất cả chúng ta đều đầy đủ năng lực.
Vì vậy, nó phụ thuộc vào mỗi người. Chúng ta tạo ra thế giới này do sự phóng chiếu của tâm. Chúng ta có thể làm cho thế giới này trở nên có ý nghĩa. Chúng ta có thể mang lại những đóng góp chân thực cho môi trường. Thậm chí chỉ trong một phạm vi nhỏ, với việc giúp đỡ mọi người xung quanh cảm thấy an bình hơn, chúng ta cũng đã có một đời sống có ý nghĩa. Khi tới cuối đời, chúng ta có thể nhìn lại và mỉm cười, “Ồ, ít nhất thì tôi đã làm điều mình có thể.” Nhưng chúng ta cũng có thể lãng phí đời sống, chúng ta luôn càu nhàu, phàn nàn và đổ lỗi cho những người khác, cho một thời tuổi thơ bất an hay cho cha mẹ, chính phủ và xã hội. Dù cho chúng ta có thành công, hay thất bại hay một đời sống bình thường, tất cả đều phụ thuộc vào mỗi người. Nếu chúng ta muốn khổ đau, chúng ta sẽ có khổ đau. Chúng ta có đầy đủ trách nhiệm. Mọi thứ có thể thay đổi. Sự vật đang thay đổi trong từng thời khắc. Chúng ta có thể thay đổi. Và khi tâm thức chúng ta được thay đổi thì thế giới bên ngoài sẽ thay đổi theo.
Ni sư Jetsunma Tenzin Palmo Jigme Kelden dịch.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự