Đầu xuân, nhiều người đi lễ chùa với những tâm trạng, mục đích khác nhau. Có người đến với sự kính ngưỡng, với tâm chân thiện, cũng có người đến với mong muốn cầu khấn để những tâm nguyện của mình sớm trở thành hiện thực; và có người đến chỉ để thăm thú, vãn cảnh, tìm phút giây thư thái, thanh thản trong những ngày đầu năm mới. Có không ít người đến chùa biện lễ, dâng sớ cầu xin thoát khỏi những vận hạn, khổ đau, thậm chí cầu ước cho những ham muốn của mình được thỏa mãn. Vậy với những mâm cao lễ đầy cùng lời khấn tụng trôi chảy, trơn mượt liệu người ta có thể có được những gì mình mong muốn hay không?
Đến chùa và buông xả Trước hết là nói về việc đến chùa, nếu tự mình phát khởi tâm nguyện thì điều đó giúp cho việc đến chùa của chúng ta có rất nhiều lợi lạc về mặt tinh thần. Ngôi chùa là nơi tôn nghiêm, là chỗ dựa tinh thần, là nơi quy hướng mang lại bình an cho mỗi người và cũng là nơi dẫn dắt mọi người đi theo con đường tốt đẹp để đến với sự an vui, hạnh phúc. Chính vì vậy nếu ta hiểu được những yếu tố tích cực trong việc đến chùa thì khi bước chân vào đó hãy buông xả, bỏ lại tất cả những lo toan phiền não của thế tục để mở rộng lòng tiếp nhận niềm vui với những cơn gió mát lành bên trong cửa từ bi. Nếu làm được điều đó, ta hẳn có được tinh thần an nhiên không vướng bận, tìm được sự tĩnh tại cùng niềm an lạc để có sự giao cảm nhiệm màu khi dâng hương lễ Phật. Mỗi người nên nhớ rằng khi đến chùa cũng như khi làm lễ phải thành tâm và có thái độ cung kính với Tam bảo, chư vị tăng ni để góp phần gìn giữ sự thanh tịnh chốn thiền môn, giúp cho đạo hạnh của chư vị tăng ni ngày càng tỏa sáng, đồng thời trau dồi, rèn giũa phẩm cách, đạo đức của mình. Cầu được, ước thấy?
Phần đông mọi người đến chùa lễ bái để khẩn cầu cho những điều tốt đẹp nhất đến với mình, suy nghĩ và những mong muốn đó có thể trở thành hiện thực không? Kinh sách và giáo lý nhà Phật cho rằng con người là cao quý nhất, mỗi người tự quyết định số phận của mình, không phải do người khác hoặc thần Phật hay một thế lực siêu nhiên nào đó ban phát cho. Vì thế việc lễ bái, tán dương ca ngợi, cầu xin cũng không thể giúp người ta có được phúc lợi và tránh được tai họa, thoát được khổ đau và đạt được an lạc. Bởi lẽ, tất cả họa phúc, lành dữ, vinh nhục đều do nhân quả của chính người ấy tạo nên, do hành vi thiện ác và do sự cố gắng của bản thân quyết định. Đức Phật là người đã đạt đến Giác ngộ chân lý, ngài nói: “Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành”. Do trong mỗi chúng sinh đều có Phật tính, Ngài đã chỉ cho chúng ta con đường “thành Phật” bằng việc tu dưỡng nhân cách, trí tuệ và mỗi người phải tự dựa vào nghị lực, trí tuệ cùng sự nhiệt tâm của mình để đi hết con đường ấy: “Công việc phải do các người tự làm bởi vì ta chỉ dạy cho các người con đường phải đi thôi”. Những việc lễ bái, cầu khấn không giúp chúng ta chạy trốn, thoát bỏ được khổ và cũng không đem lại những gì ta mong muốn mà tự bản thân mỗi người phải chuyển đổi nhân tâm, cởi bỏ những sợi dây ràng buộc của tham ái. Đức Phật dạy rằng: “Ai muốn gặt hái cái gì phải vun trồng cái ấy”, cũng như một người muốn học giỏi, đỗ đạt thì phải tự mình cố gắng ôn luyện kiến thức, một người muốn được mọi người yêu quý thì phải có lòng thương, nhân ái, thành thật và cởi mở.
Chính chúng ta quyết định những niềm vui nỗi khổ của mình, nếu chỉ cầu khấn, lễ bái mà có được hạnh phúc thì trên đời này từ lâu rồi đã chẳng còn ai phải chịu bất hạnh, khổ đau. Chúng ta đến chùa lễ Phật mà trong tâm vẫn mê lầm, chấp ngã, không biết hồi tâm chuyển hướng, không chịu học hỏi, rèn luyện bản thân mà chỉ đi cầu nguyện van xin Phật ban cho phước lành thì việc làm đó chỉ là vô ích, không đi đến đâu cả. Phải tâm niệm rằng chúng ta đến chùa để tìm sự thanh thản trong tâm hồn, bỏ lại những phiền não và nhìn nhận lại chính bản thân mình. Ta thắp hương, lễ bái để tỏ lòng kính ngưỡng Đức Phật và các vị Bồ tát, thành tâm cầu nguyện chư Bụt gia hộ cho thân tâm thanh tịnh, hồi hướng mà tu tâm dưỡng tính, làm trong sáng hơn nhân cách của bản thân khiến mình an vui, hạnh phúc. Được như vậy, ta sẽ thấy rằng những vận hạn, phiền não, khổ đau hay niềm vui, hạnh phúc không phải tự nhiên mà có. Ta cũng không thể vứt bỏ hay nhặt lấy trong cuộc sống đầy sự bon chen, ích kỷ mà chỉ có thể tìm thấy khi mỗi người quay về với bản thể chân như vốn có, quay về với thế giới nội tâm của chính mình để cảm nhận từng phút giây của đời sống, để biết rằng mình cần học hỏi, cố gắng thực hành rất nhiều điều.
Hãy coi ngôi chùa là trường học, Đức Phật và các vị Bồ tát là người thầy, tăng ni là người hướng dẫn, nâng đỡ; kinh pháp là con thuyền đưa chúng ta qua bờ giải thoát, vượt bể trầm luân. Khi mọi người hướng thiện, cảm nhận được sự bình an, vững chãi và hạnh phúc ngay trong đời sống thực tại thì cho dù còn phải đối mặt với những khó khăn, ta vẫn thấy rằng những khổ đau rồi sẽ được dứt bỏ, sự an vui hạnh phúc không phải cầu khấn ở đâu, thiên đường cực lạc không phải là một cảnh giới xa xôi nữa mà tất cả có ở rất gần và dần dần trở nên hiện thực quanh ta.
Tác giả bài viết: Nguyên Giáng
Nguồn tin: Sưu tầm
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự