Asura được biết đến nhiều nhất là trong các tác phẩm điêu khắc miêu tả cảnh khuấy biển sữa gốc từ thần thoại Ấn Độ, phổ biến ở các quốc gia chịu ảnh hưởng dòng văn hóa Ấn - đặc biệt nổi tiếng là ở di tích Angkor, Cambodia. Những Asura được thể hiện dữ tợn, lực lưỡng và vô cùng to lớn nắm kéo rắn thần… Đó chẳng phải là hình ảnh và tín niệm duy nhất về Asura mà trong mỗi chặng đường biến đổi của lịch sử văn hóa, Asura được xác tín và định hình cực kỳ đa tạp.
Asura trong tín niệm Hindu
1- Asura: “thần thánh/thiêng liêng, siêu phàm”. Trong những phần cổ xưa nhất của Rig-Veda, Asura là thuật ngữ để chỉ cho linh hồn/thần linh tối cao và nó giống như Ahura của những tín đồ Bái hỏa giáo. Là một “vị thần”, Asura gây tác động đến một vài vị thần quan trọng như Indra, Agni và Varuna. Về sau này, Asura mang ý nghĩa hoàn toàn trái ngược và trở nên có nghĩa như ngày nay: một thứ quỷ quái hay kẻ thù địch của những vị thần.
Từ ngữ mang nghĩa đó được tìm thấy trong các phần sau này của Rig-Veda, đặc biệt trong tập sách cuối cùng và cũng như trong Atharva-Veda. Những Brahmana (kệ tụng về mối quan hệ giữa kinh Veda và các nghi thức tế lễ) gán ý nghĩa tương tự cho Asura, và ghi chép những cuộc giao tranh giữa Asura và các vị thần. Theo Taittiriya Brahmana, hơi thở (asu) của Prajapati biến thành sự sống, và “với hơi thở đó anh ta tạo nên các Asura”.
Trong một phần khác của cùng tác phẩm, nó cho rằng Prajapati “trở nên có mang/chửa”. “Nó đã tạo ra các Asura từ bụng của mình”. Satapatha Brahmana thì thống nhất với những trình bày trước đó, và cho rằng “nó tạo ra những Asura từ hơi thở nhẹ”. Taittiriya Aranyaka trình bày rằng Prajapati sáng tạo nên “các vị thần, nam giới, những người cha/tổ tiên, Gandharva, Apsara” từ nước; và các Asura, Rakshasa, Pisacha xuất thân từ những giọt nước bị tràn ra.
Manu phát biểu rằng họ được tạo ra bởi Prajapatis. Theo Vishnu Purana, họ được sản sinh từ háng của thần Brahma (Prajapati). Vayu Purana miêu tả rằng: “Những Asura trước tiên được tạo ra như những đứa con trai từ háng Prajapati. Asu được công nhận bởi các Bà-la-môn có nghĩa là hơi thở.
Từ đó các sinh vật này được tạo nên; thế nên họ là những Asura”. Từ này được sử dụng kéo dài như là tên chung để chỉ kẻ thù của các vị thần, bao gồm các Daitya (con cái của Diti và hiền triết Kasyapa) và Danava (những đứa con trai của Danu và Kasyapa) và những con cháu khác của Kasyapa, ngoại trừ những Rakshasa có nguồn gốc từ Pulastya. Trong khả năng đó, có một sự khác biệt về nguồn gốc: nguồn gốc không là asu, “hơi thở”, nhưng lúc đầu a giữ vai trò như tiền tố phủ định, và a-sura biểu thị “không là một vị thần”. Do đó, theo một vài nguồn, từ sura, thường dùng để chỉ “một vị thần”. (Sura thức rượu vang, đồ uống có cồn, chúng được nhân cách hóa như Sura-devi, một nữ thần, người con gái xinh đẹp được sản sinh ra từ khuấy biển sữa)(1).
Trong các Veda ban đầu, cả Asura và Deva là những vị thần luôn cạnh tranh với nhau, và đồng thời, ở một vài phương diện, chỉ định cả thứ bậc. Vào thời kỳ Veda muộn và tiền Veda, Asura trở thành những sinh vật kém cỏi; trong khi trong Avesta, phiên bản Ba Tư tương ứng của kinh tạng Veda, các Deva lại được xem như là những sinh vật kém cỏi.
Sau này, trong các pho truyện thần kỳ Ấn Độ (Purana), Kasyapa được miêu tả sinh động như là cha của cả Deva và Asura. Trong Purana, Kasyapa được cho rằng kết hôn với 60 người con gái của Daksha Prajapati và là cha của mọi sinh vật trên trái đất bao gồm cả Deva, Asura, Manava (nhân loại) và toàn bộ thế giới động vật(2).
Theo Vishnu Purana, các Daitya (kẻ có sức mạnh/ trí tuệ/ thành tích phi thường) là hậu duệ của Diti và Kasyapa. Chúng là loài ma quái và khổng lồ, phi thường, đối chọi, luôn gây chiến với những vị thần và cản trở những cuộc lễ tế. Như kẻ thù của những cuộc tế lễ (chúng được gọi là Kratu-dwisha) có nguồn gốc từ quá trình khuấy biển sữa được biết đến như là Asura bởi họ không chấp nhận Varuni (Varuni/Varunani) là phối ngẫu nữ của Varuna, vị nữ thần này đã được Varuna chấp thuận cho bước ra khỏi đại dương, trong quá trình khuấy biển sữa để tìm thuốc trường sinh amrita. Nữ thần đại diện cho tính thanh khiết của thuốc trường sinh bất tử (amrita) và được coi là “tác nhân của sự hiểu biết/trí tuệ siêu việt”. Đồng thời, đây là vị nữ thần của sura hay rượu vang. Ngược lại các Deva thừa nhận nữ thần và trở thành các Sura(3).
Để giải thích sự biến đổi thành quỷ của các Asura, các thần thoại cho thấy mặc dù những Asura khởi nguyên thật sự giỏi giang và có đạo đức tốt, nhưng bản chất của họ đã dần dần đổi thay. Những Asura (kẻ đối nghịch với thần thánh) được miêu tả trở nên ngạo mạn và tự phụ, ngăn cản việc cử hành các cuộc tế lễ, phạm vào những phép tắc linh thiêng, không viếng thăm các vùng đất thiêng, không thanh tẩy tội lỗi của chính mình, đố kỵ với các Deva, gây đau khổ cho những sinh vật, tạo nên sự hỗn loạn trong mọi thứ và thách thức các Deva(4)(5).
Mặt khác, những Asura dần dần được đồng hóa với ma quỷ, thần linh, vong hồn được các bộ lạc nguyên thủy thờ phụng và cũng là những vị thần của phần lớn cư dân khác không tín ngưỡng Veda của Ấn Độ. Trong các sử thi sau này, thuật ngữ “asura” trở thành một cái tên phổ biến dành cho tất cả mọi địch thủ của thần linh người Arya, bao gồm tất cả quỷ thần Daitya và Danava cùng các hậu duệ của Kasyapa, mặc dù chúng không được coi là chằn La Sát (rakshasa) - con cháu của Pulastya.
Thực ra, Daitya - hậu duệ của Diti và Kasyapa, là những kẻ có sức mạnh, trí tuệ và thành tích phi thường. Chúng là loài yêu tinh khổng lồ, thường gây chiến với chư thần và cản trở việc lễ tế. Chúng hoặc chiến thắng hoặc bị chư thần đánh bại/chế ngự. Daitya có liên hệ với các Danava và hầu như hai giống loài này không thể phân biệt được. Các Danava cũng có hình tướng khổng lồ, hay gây chiến với chư thần và phá bĩnh các cuộc tế lễ. Có lẽ do các thuộc tính đó mà chúng được đồng nhất với Asura.
Một vài vị anh hùng cổ xưa, về sau được nhìn nhận như là hóa thân của thần Vishnu hay nối kết với truyền thuyết về họ, truyền lại từ nền tảng văn hóa tiền Vệ Đà và mang theo với họ những câu chuyện kể của những Asura to lớn, đầy quyền uy mà danh tánh và tính chất khôn ngoan và tài giỏi không hề bị phai mờ.
Các câu chuyện kể về xung đột giữa những dân tộc và bộ lạc nguyên thủy với những người Arya buổi đầu khi họ đến định cư vùng Bắc Ấn được tích hợp vào các thần thoại về Asura và Rakshasa. Những ám chỉ về cuộc chiến tranh thảm khốc giữa Asura và Sura được kể trong hầu hết những câu chuyện cổ tích thần kỳ Ấn Độ (Purana) và các sử thi, dường như bao gồm cả các tình tiết về cuộc đấu tranh của bộ tộc Arya chống lại những cư dân đã định cư trước đó của Ấn Độ. Các Asura thường hay được họp thành nhóm với những bộ tộc Hindu khác biệt như Kalinga, Magadha, Naga. Cho đến ngày nay vẫn còn bộ tộc Naga ở Assam và Asur, là bộ tộc nguyên thủy của những người thợ rèn vùng trung Ấn(6).
Nói chung, trong kinh sách sớm nhất, Rig-Veda, các Asura chịu trách nhiệm điều khiển mặt luân lý và hiện tượng xã hội. Trong số các Asura là Varuna, người bảo hộ của Ṛta và người Arya, thần hộ mệnh cho hôn nhân. Ngược lại, các Deva điều khiển các hiện tượng tự nhiên. Trong số các Deva, Usha, kẻ mang cái tên có ý nghĩa là “bình minh”, và thần Indra người chỉ huy các Deva. Tuy nhiên, theo thời gian, khi kinh văn Brahmana ra đời thì các đặc tính của Asura đã trở nên tiêu cực.
2- Lịch sử và từ nguyên
Trong những bản văn muộn hơn, sau này như các tập truyện cổ tích thần kỳ Ấn Độ (Purana) và truyện thơ lịch sử (Itihasa), các Deva là những sinh vật tốt đẹp và Asura là những sinh vật xấu xa. Theo Bhagavad Gita (16.6), mọi sinh vật trong vũ vụ được cho rằng hoặc có những phẩm chất thần thánh/thiêng liêng (Daivi Sampad) hoặc hữu hình/trần tục (Asuri Sampad). Chương 16 của Bhagavad Gita miêu tả các đặc tính thần thánh/thiêng liêng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn; còn đặc tính thiên về vật chất tồn tại lâu dài. Nói tóm lại, Gita (16.4) cho rằng phẩm chất của Asura là kiêu căng, ngạo mạn, tự phụ, giận dữ, thô bạo và ngu dốt.
P. L. Bhargava trong sách Tôn giáo Vệ Đà và Văn hóa (7), xác định từ asura, bao gồm những biến đổi khác như asurya và asura, xuất hiện 88 lần trong Rig-Veda, 71 lần ở dạng đơn lẻ, 4 lần xuất hiện kép, 10 lần ở dạng số nhiều và 3 lần như tiền tố của một từ ghép. Trong đó, từ giống cái, asuryaa, 2 lần. Từ asurya, được sử dụng 19 lần như là một danh từ trừu tượng, trong khi dạng trừu tượng asuratva xuất hiện 24 lần, 22 lần trong mỗi 22 lần của một bài tụng ca và 2 lần trong hai bài tụng ca khác.
Bhargava tin rằng, trong phần lớn những bài tụng ca cổ xưa, từ asura thường được dùng với nghĩa một tính từ chỉ sự hùng mạnh hay to lớn/khổng lồ. Trong Rig-Veda, hai vị vua hào phóng, rộng lượng, cũng như một vài vị tư tế, được miêu tả như là những Asura. Một bài tụng ca thỉnh cầu một người con trai là một Asura. Trong bài tụng ca thứ 9, thần Indra được mô tả như là Asura. Năm lần, thần được cho rằng sở hữu asurya, và một lần thần được cho rằng có asuratva. Thần Lửa Agni tổng cộng 12 lần có diện mạo của một Asura; Varuna có 10 lần; Mitra có 8 lần và Rudra có 6 lần. Bhargava cung cấp cho chúng ta tổng số đếm được của từ được dùng cho từng vị thần Veda.
Ngoài ra, Bhargava cho rằng một từ dần dần mang một ý nghĩa phủ định vào khoảng cuối thời kỳ Rig-Veda. Avesta, quyển sách của những tín đồ Bái hỏa giáo, mô tả vị thần tối cao của họ là Ahura Mazda (đối chiếu với Asura Medhira của Veda) - hùng mạnh và khôn ngoan. Đối với họ, từ deva (daeuua) là không tốt/tiêu cực. Asura bởi vậy được xem như một tính ngữ. Ravanasura có nghĩa là Ravana hùng mạnh. Ravana là một Brahmana - Rakshasa (con quỷ La Sát hùng mạnh trong sử thi Ramayana).
Thuật ngữ Asura liên quan đến Ahura của Bái hỏa giáo, nhưng trong tín ngưỡng, có một ý nghĩa khác biệt. Thuật ngữ được dùng cho 3 vị thần (Ahura Mazda, Mithra và Apam Napat). Hơn nữa, ở đó không hướng vào sự chống đối giữa những Ahura và Daevas: Địch thủ chủ yếu trong Bái hỏa giáo không là giữa những nhóm thần linh mà là giữa Asha (chân lý/lẽ phải) và Druj (dối trá/sai lầm). Mối quan hệ giữa các Ahura và Daeva là sự biểu hiện của điều trái ngược, sự đối lập: Một mặt, những Ahura, là người che chở, bảo vệ cho Asha. Mặt khác, các Daeva, trong các bản văn sớm nhất là những vị thần bị hắt hủi bởi họ bị sự dối trá làm cho lầm đường lạc lối.
Có ý kiến giả định về tình trạng lưỡng phân giữa những Ahura/Asura và Daeva/Deva là ở thời điểm nhóm ngôn ngữ thông dụng ở miền Bắc Ấn Độ cùng nhiều nơi ở Trung Đông, cũng thuộc ngữ hệ Ấn-Âu (8). Sự lưỡng phân hiển hiện trong các bản văn sớm nhất của nền văn hóa này, mặc dù những Asura trong Rig-Veda và Daeva của Gatha không là các ma quỷ, yêu tinh mà đôi khi các vị thần cũng cùng hợp tác. Tuy nhiên, những Asura bị biến thành quỷ trong tiền Rig-Veda Ấn Độ và các Daeva bị quỷ hóa trong Bái hỏa giáo của Iran vẫn xảy ra(9).
Một cách tổng quát (cá biệt có thể bất đồng), được giả định như sau:
- Asura thuộc nhóm ngôn ngữ thông dụng ở miền Bắc Ấn Độ cùng nhiều nơi ở Trung Đông, cũng thuộc ngữ hệ Ấn-Âu trở thành Varuna của Ấn Độ và Ahura Mazda của Iran.
- Những vị thần phần lớn có mối quan hệ gần gũi với “Asura kẻ thống lãnh các vị thần” (AV 1.10.1, cf.RV II.27.10) và thừa hưởng tính ngữ Deva Asura (V 42.11)(10)(11).
Asura trong tín niệm Phật giáo
Asura (Trung văn: Axialuo, axulun; Nhật: Ashura; Tạng: Lha-ma-yin; Mông Cổ Assuri; Việt Nam: A-tu-la). Hán dịch: Phi thiên, Phi đồng loại, Bất đoan chánh. Tức hạng chúng sanh tuy có thần lực, có cung điện, song hình thể không được đoan chánh như chư Tiên (thiên) các cõi trời.
1- Phẩm chất của A-tu-la
A-tu-la là một hạng trong mười hạng chúng sanh (thập giới, thập loại), một nẻo trong sáu nẻo (lục đạo), lại cũng là một bộ trong tám bộ chúng sanh (Thiên long bát bộ) thường hiện đến nghe kinh và tán thán công đức Phật mỗi khi Phật thuyết kinh Đại thừa(12). Kinh văn Phật giáo cũng xác định A-tu-la là một trong những vị thần xưa nhất ở Ấn Độ: loại quỷ thần hiếu chiến, thường bị coi là ác thần, và thường giao chiến với 33 vị thiên (Tam thập tam thiên), trong đó đánh nhau mãnh liệt nhất là với Đế Thích thiên/Indra là trời Đao Lợi vương, chưa khi nào ngừng nên có danh từ Tu-la trường, Tu-la chiến v.v…(13) Bên cạnh đó, A-tu-la còn là thần hộ pháp của Phật giáo. Tuy là thần hộ pháp nhưng vì thường chống lại Đế Thích thiên, lại không nghe lời Đức Thích Tôn, nên được coi là quái vật phi thần-phi quỷ, phi thần-phi nhân, mà lại rất xấu xa. Vì vậy trong kinh Phật còn gọi là “vô đoan”(14).
Về nghiệp nhân của A-tu-la, các kinh thường nêu ra 3 thứ nhân làm cho chúng sanh thọ sanh trong loại này: sân, mạn, nghi. Theo kinh Phật vị thủ ca trưởng giả thuyết nghiệp báo sai biệt thì liệt kê ra 10 thứ nhân làm cho chúng sanh sanh trong loài A-tu-la: 1/ Thân làm việc ác nhỏ, 2/ Miệng nói lời ác nhỏ, 3/ Ý nghĩ điều ác nhỏ, 4/ Khởi tâm kiêu mạn, 5/ Khởi tâm ngã mạn, 6/ Khởi tâm tăng thượng mạn, 7/ Khởi tâm đại mạn, 8/ Khởi tâm tà mạn, 9/ Khởi tâm mạn mạn, 10/ Hướng về các căn lành. Những người mộ việc tu hành, ham bố thí cúng dường, song tánh còn nóng giận, ngạo báng thì thọ sanh về hạng A-tu-la. Nếu hạng A-tu-la mà lo tu hành, lập thêm phước đức (A-tu-la thiện đạo) thì sanh làm người danh giá, sanh lên cõi trời mà hưởng sung sướng; còn nếu mê muội, hại phá (A-tu-la ác đạo) thì sẽ đọa xuống các bậc: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh(15).
A-tu-la đạo, gọi tắt: Tu-la đạo, chỉ một loài chúng sanh trong 6 đường, phần nhiều chúng sanh này do 3 nhân: sân, mạn, nghi mà thọ sanh. Họ là những vị thần có sức mạnh, thường ôm lòng sân hận và hiếu chiến. Ngoài ra, A-tu-la đạo còn chỉ cho thế giới A-tu-la, trạng thái sanh tồn của A-tu-la (một cõi thế giới trong 6 cõi)(16).
Theo Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết 2, phần 2: Theo truyền thuyết, A-tu-la vì ganh ghét với sự thuyết pháp của Phật, nên hễ Phật nói 4 niệm xứ cho chư Thiên nghe thì A-tu-la nói 5 niệm xứ; Phật nói 37 đạo phẩm thì A-tu-la nói 38 đạo phẩm được gọi A-tu-la thuyết Ngũ niệm xứ, Tam thập bát phẩm (A-tu-la nói 5 niệm xứ, 38 đạo phẩm). Họ thường bị tâm tà vạy làm chướng ngại, che lấp, nghi ngờ, sợ sệt nên luôn luôn nhiễu hại Chánh pháp. Truyền thuyết này cũng cho thấy rõ tính sân hận của A-tu-la.
A-tu-la nhờ quả báo của mình thù thắng, địa vị gần bằng chư thiên, nhưng đức hạnh không đồng với chư thiên, nên gọi là A-tu-la nghĩa là Phi thiên. Theo Kinh Lăng nghiêm 9, A-tu-la do sự dẫn dắt của nghiệp lực nên chia làm 4 loài: noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh gọi là A-tu-la tứ sanh.
a) Noãn sanh: Như ở trong loài quỷ, nhờ phước giữ gìn Chánh pháp nên có chút thần thông mà vào trong hư không. Loài A-tu-la này từ trứng sanh ra, thuộc về loài quỷ.
b) Thai sanh: Như ở trên cõi trời, do kém đức bị đọa. Chỗ các vị này ở gần mặt trời, mặt trăng. Loài A-tu-la này từ bào thai sanh ra, thuộc về loài người.
c) Thấp sanh: Có một nhóm A-tu-la kém cỏi hơn, sanh ra từ trong lòng biển cả và sống ngầm trong nước, ban ngày dạo đi trên hư không, tối về ngủ dưới nước, loài A-tu-la này do nơi ẩm ướt mà sanh ra, thuộc về loài súc sanh.
d) Hóa sanh: Có một loài A-tu-la giữ gìn thế giới, thế lực của loài này mạnh mẽ, không sợ sệt, có khả năng tranh quyền với Phạm vương, trời Đế Thích và Tứ Thiên vương, loài A-tu-la này do biến hóa sanh ra, thuộc về loài trời.
2- Trú xứ và dòng dõi, quyến thuộc
Tương truyền A-tu-la ở phía Bắc núi Tu Di, cũng có thuyết nói họ ở hai mặt Đông và Tây núi Tu Di, hoặc là loại gầy yếu ở trong động Đại Sơn ở phía Tây. Chỗ ở và sự tích về A-tu-la ghi rõ trong phẩm A-tu-luân trong kinh Trường A-hàm 20, phẩm A-tu-luân trong kinh Đại lâu thán 2, kinh Khởi thế nhân bổn 5 v.v…
A-tu-la có ba loại: A-tu-la thiên đạo ở giữa khoảng đất trống nơi thành “Bảo thành” (thành của vị Thiên vương ở núi Tu Di); A-tu-la quỷ đạo ở theo bờ biển, các hang núi; A-tu-la súc đạo ở dưới đáy biển có thứ gió che nước, không chảy vào cung điện được(17).
Các Asura xa xưa sống nơi cõi trời Đao Lợi (Trayastrimsa), trên đỉnh của ngọn núi Sumeru, cùng với các vị thần khác của vũ trụ. Khi Sakra (tên gọi khác của Đế Thiên Indra) trở thành người cai trị vạn vật, các Asura đã bày tỏ vui mừng bằng việc ăn uống, tiệc tùng và uống rất nhiều thứ rượu Gandapana, một loại rượu rất mạnh mà Sakra đã ngăn cấm các vị thần không được phép dùng chúng. Yếu sức vì say rượu, các Asura không thể kháng cự khi Sakra vứt toàn bộ chúng ra phía rìa Trayastrimsa, nơi đó trở thành thế giới riêng của các Asura tại chân núi Sumeru. Ở đó, lớn lên một cái cây gọi là Cittapatali. Khi cây trổ bông, các Asura biết rằng đó không phải là cây Paricchattaka (Phạn: Pariyatra) nơi quê nhà xa xưa và chúng biết rằng mình đã bị tước mất quyền lực.
Các Asura họp nhau suy nghĩ và trù tính về một cuộc chiến tranh. Trong áo giáp bọc sắt và vũ khí, chúng nối đuôi leo trèo trên mặt dốc nghiêng của sườn núi Sumeru “giống như những con kiến”. Biết điều đó, Sakra đã bố trí lực lượng để giáp chiến; nhưng trước lực lượng đông đảo các Asura, Sakra buộc phải rút quân. Khi đi xuyên qua khu rừng nơi các Garuda sinh sống trên chiếc xe ngựa bay, Sakra thấy rằng sự di chuyển của mình đã phá hủy những tổ chim Garuda và ra lệnh cho người đánh xe ngựa quay đầu lại. Khi đang truy kích/đuổi theo, thấy Sakra chuyển hướng, các Asura nghi rằng Sakra chắc phải trở lại với một đội quân hùng mạnh hơn, chúng tán loạn tháo chạy, để lại mọi vùng đất đã giành được.
Sự xoay chuyển bất ngờ đó là khi Sakra yêu nàng Suja, con gái vị thủ lĩnh Asura Vemacitrin. Vemacitrin đã cho Suja quyền chọn chồng khi tập hợp các Asura lại, và cô đã chọn Sakra, người đã cẩn thận cải trang thành một Asura đứng tuổi. Vemacitrin do đó trở thành cha vợ của Sakra. Mặc dù qua nhiều cuộc chiến tranh, nhưng ở đó, rốt cuộc vẫn có một sự thỏa thuận giữa các vị thần Trayastrimsa/cõi trời Đao Lợi và những Asura, tức vẫn “bảo lưu” mối liên hệ giữa các thần/Deva và Asura.
Hình tướng của A-tu-la có nhiều thuyết khác nhau. Có chỗ cho rằng: A-tu-la có 9 đầu, 1.000 mắt, miệng phun lửa, có 990 tay, 6 chân, thân to gấp 4 lần núi Tu Di. Có chỗ cho rằng A-tu-la có 1.000 đầu, 2.000 tay; 10.000 đầu, 20.000 tay; 3 đầu 6 tay. Có chỗ cho rằng A-tu-la có 3 mặt màu xanh đen, giận dữ, lõa hình và có 6 tay(18). Về kích thước hình thể, theo phẩm A-tu-luân trong kinh Tăng nhất A-hàm 3: Thân hình của A-tu-la cao 84.000 do tuần, miệng rộng mỗi bề 1.000 do tuần. Trong hạng A-tu-la, đàn ông thì hình tướng xấu, song đàn bà rất đẹp. A-tu-la ít khi được miêu tả trong nghệ thuật của bất kỳ nền văn hóa Phật giáo nào, trừ trong hình ảnh về lục đạo luân hồi, ở đó chúng được thể hiện như là những vị thần phẫn nộ với tóc dựng đứng, nhiều đầu và nhiều tay(19).
Hình tượng của A-tu-la vương là: toàn thân đỏ đen, dũng hãn hung ác không ai bằng, ba mặt, đứng trên ngọn lửa, hai tay chắp vào nhau, mỗi tay đều bưng ngọc quý. Trong một số hình tượng Nhật Bản về A-tu-la vương, hình tượng này có ba đầu, đầu giữa biểu lộ đau đớn, trong khi hai đầu kia tỏ vẻ giận dữ. A-tu-la vương có sáu tay, hai tay giữa chắp lại nguyện cầu, bốn tay kia cầm mặt trời, mặt trăng, cung tên. Ở Nhật Bản, biểu tượng về A-tu-la được tìm thấy trên tác phẩm sơn mài ở Kofuku tự (Nara, thế kỷ thứ 8), và ở Sanjusangendo (Kyoto). Ashura-o (tức A-tu-la vương) được biểu thị, đại diện cho tất cả A-tu-la (20) .
A-tu-la vương đứng đầu các nhóm A-tu-la. Trong các kinh có nêu ra nhiều tên A-tu-la vương. Phẩm Tự trong kinh Pháp hoa nêu tên 4 vị A-tu-la vương: Hồi Đức Phật giảng kinh Diệu pháp liên hoa, có bốn vị vua loài A-tu-la hiện đến cúng dường và nghe pháp, có dắt theo nhiều quyến thuộc trong loài A-tu-la. Bốn vị vua loài A-tu-la ấy là Bà Trĩ (Bali) A-tu-la vương, Khư La Khiên Đà (Suraskandha) A-tu-la vương, Tỳ Ma Chất Đa La (Vematchitra) A-tu-la vương, La Hầu (Rahu) A-tu-la vương. Trong khi đó, kinh Hoa nghiêm 1 (Tân dịch) lại nêu ra nhiều vị A-tu-la chúa: La Hầu, Tỳ Ma Chất Đa La, Xảo Huyễn Thuật, Đại Quyến Thuộc, Đại Lực, Biến Chiếu, Kiên Cố Hạnh Diệu Trang Nghiêm, Quảng Đại Nhân Huệ, Xuất Hiện Thắng Đức, Diệu Hảo Âm Thanh.
Kinh Khởi thế nhân bổn 5 cũng nêu ra 4 vị Đại A-tu-la chúa và miêu tả trú xứ của 4 vị này: 1/ Tỳ Ma La Chất Đa: Trụ dưới biển cả, chỗ sâu 1.000 do tuần về phía Đông núi Tu Di, cõi nước mỗi bề rộng 80.000 do tuần, có 7 lớp tường thành, thành của A-tu-la chúa gọi là Thiết Ma Bà Đế, chỗ nhóm họp ở chính giữa gọi Thất đầu. 2/ Dũng Dược: Trụ dưới biển cả, chỗ sâu 1.000 do tuần về phía Nam núi Tu Di, cõi nước rộng mỗi bề 80.000 do tuần. 3/ Xa Bà La: Trụ dưới biển cả, chỗ sâu 1.000 do tuần về phía Tây núi Tu Di. 4/ La Hầu: Trụ dưới biển cả, chỗ sâu 1.000 do tuần về phía Bắc núi Tu Di, cung điện trang nghiêm giống như A-tu-la chúa Tỳ Ma Chất Đa La. Mặt khác, kinh Chánh pháp niệm xứ 18 đến 21 miêu tả tỉ mỉ hơn về chỗ ở, cung điện, vườn cây, người hầu, thể nữ, nghiệp nhân và tuổi thọ của 4 vị Đại A-tu-la chúa.
Có 4 loại A-tu-la vương: Một là Bà Nhã, ý chỉ dũng cảm khỏe mạnh; Một là Khư La Khiên Đà, ý chỉ gầm to như sấm, còn gọi là Khoan Kiên; Một là Tỳ Ma Chất Đa La, nghĩa là bức tranh đẹp hoặc đồ trang sức quý; Một là La Hầu La, nghĩa là che phủ chướng ngại, có thể che lấp ánh sáng mặt trời, mặt trăng(21).
Loài A-tu-la do phước đức mà có cây đàn A-tu-la cầm(22) (cây đàn của loài A-tu-la). Khi A-tu-la muốn nghe một nhạc khúc, dù không có người đàn, nhưng cây đàn ấy cũng có khả năng phát ra âm thanh đúng theo sở thích của họ. Đây là trì vật đặc trưng của A-tu-la. Mặt khác, do đặc tính này, luận Đại trí độ dùng A-tu-la cầm dụ cho Bồ-tát đã chứng Pháp thân, tâm không phân biệt, tự nhiên ứng theo căn cơ của chúng sanh mà thuyết pháp giáo hóa.
Nói chung, theo Phật giáo, A-tu-la là một trong các loài chúng sanh, song ở đây A-tu-la dường như là một biểu tượng cho sự bất toàn, còn tồn tại một số thuộc tính xấu ác cần khắc phục mới trở nên hoàn thiện. Chính tính chất phi thiên-phi nhân đã chỉ ra cấp độ trung gian giữa phàm tục và thiêng liêng của A-tu-la, xét ở chiều kích thẳng đứng của nhân cách.
Chú thích
(1) John Dowson, Classical dictionary of Hindu mythology and religion, geography, history, and literature; M.R.A.S; Rupa.Co, 2004.
(2) Visvanatha Limaye, Historic Rama of Valmiki: Shastragrahi Rama, Gyan Ganga Prakashan, 1985, tập 2, tr.23.
(3)(4) Roshen Dalal, Hinduism: An Alphabetical Guide, Penguin Books Ấn Độ, 2011, tr.46.
(5)(6) Alain Daniélou, The Myths and Gods of India: The Classic Work on Hindu Polytheism f-rom the Princeton Bollingen Series, Inner Traditions/Bear & Co, 1991 tr.141-142.
(7) Vedic Religion and Culture.
(8) F. B. J. Kuiper, Ancient Indian Cosmogony, Bombay, 1983.
(9) Herrenschmidt, Clarisse; Kellens, Jean; “Daiva”, Encyclopaedia Iranica 6; Costa Mesa: Mazda, 1993, tr.599-602.
(10) Hale, Wash Edward; Ásura in Early Vedic Religion, Motilal Banarsidass, 1986.
(11) Insler, Stanley; Hale, Wash Edward, Review: Ásura in Early Vedic Religion by Wash Edward Hale, Journal of the American Oriental Society 113, tr.595-596, 1993.
(12)(15)(17) Đoàn Trung Còn, Phật học từ điển, NXB.Tổng hợp TP.HCM, 2011.
(13)(16)(18)(22) Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ điển Phật học Huệ Quang (Cảo bản), 1994.
(14)(21) Lao Tử, Thịnh Lê (chủ biên), Từ điển bách khoa Nho-Phật-Đạo, Nxb. Văn Học, 2001.
(19) Meher Mc Arthur, Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, Nxb. Mỹ Thuật, 2005, tr.105.
(20) Louis Frédéric, Tranh tượng & thần phổ Phật giáo, NXB. Mỹ Thuật, 2005, tr.426, 429.
Tác giả bài viết: Huỳnh Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự