Phật giáo Đại thừa thấy Phật bằng niềm tin. Niềm tin là căn lành. Kế đến thấy Phật bằng trực giác và cuối cùng thấy Phật bằng trí tuệ là thành đạo. Không có niềm tin không thấy đạo được.
Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm rằng niềm tin là mẹ sanh ra tất cả các công đức lành. Chúng ta có niềm tin vì chúng ta có căn lành; nói cách khác, đời trước chúng ta tu rồi, cho nên sanh đời này, chúng ta còn nhớ mang máng, mới thôi thúc chúng ta tìm đạo. Không có sự cảm nhận này không tu được.
Thật vậy, chúng ta sống trên cuộc đời này, nhưng thấy cuộc đời này không quan trọng và thường tự vấn lòng rằng tại sao mình lại hiện hữu ở đây và chết mình về đâu. Người có suy nghĩ thường nhớ về cội nguồn của mình và chính điều đó thúc giục chúng ta đi tìm cội nguồn, đi tìm sự sống bất tử. Đức Phật cũng vậy, chẳng lẽ Ngài cũng như tất cả mọi người sanh trong khổ đau và chết hay sao, phải có cái gì bất tử chứ:
Sáu năm tìm đạo chốn rừng già
Khổ hạnh ai bằng Đức Thích Ca
Chim hót trên vai, sương phủ áo
Hươu kề dưới gối, tuyết đơm hoa
Thử hỏi ai tìm chân lý ấy
Bên bờ sông giác Đức Thích Ca.
Chính vì có niềm tin bên trong thôi thúc mới dẫn chúng ta đi tìm đạo. Thuở nhỏ, tôi mới 12 tuổi mà đã đi từ chùa này sang chùa khác, đi không biết bao nhiêu chùa, nhưng có cảm giác không phải là chỗ mình muốn tới. Do niềm tin dẫn tôi đi và nhờ nhân duyên căn lành, tôi gặp được thiện tri thức khai ngộ. Thiện tri thức là người dẫn đường. Tôi nghe thân phụ kể rằng lúc tôi 3 tuổi, có một Hòa thượng đến đốt linh phù và đưa nước bảo tôi uống, rồi nói rằng sau này tôi sẽ đi tu.
Khi lớn lên, tôi xuất gia, gặp một Hòa thượng khác cũng rất lạ. Vị này thường xuất hiện để chỉ lối đưa đường cho tôi tìm đạo. Gặp Ngài ở Đức Hòa, nói rằng chú nên về chùa Phước Tường ở Thủ Đức và khi gặp ở Phước Tường, Ngài lại bảo tôi ra chùa Huê Nghiêm. Khi tôi ở Huê Nghiêm, Ngài lại dạy tôi nên về chùa Ấn Quang học. Đó là điều kỳ diệu trong đời tôi đã có thiện tri thức dắt dẫn. Thiết nghĩ trên bước đường tu mà không có thiện tri thức khai ngộ thì dễ bị lạc. Một số bạn tôi không được thiện tri thức chỉ dạy, nhưng lại gặp người dụ dỗ chỉ lối đi vào đường tà.
Chúng ta ít nhất cũng thấy Đức Phật có hai thiện tri thức. Vị đầu tiên là Kamala dạy Ngài đạt đến đỉnh cao của đời sống tâm linh là tứ Thiền. Vị thứ hai là Uất Đầu Lam Phất dẫn Ngài vào tứ định, tức thế giới tâm linh mở ra bao la. Và từ đây, Phật mới tự đi tìm chân lý ở cội Bồ đề.
Chúng ta đọc lịch sử dễ ngộ nhận rằng Phật học đạo với nhiều người, nhưng không đắc đạo và khi Ngài đến Bồ đề, tự Ngài đắc đạo. Tôi không nghĩ như vậy. Phải có Hộ pháp thiện thần và chư Phật phóng quang gia hộ, thôi thúc, không phải tự một mình Ngài làm được. Theo Nam tông, Phật một mình đắc đạo ở đỉnh cao; nhưng theo tinh thần Đại thừa có vô số Phật gia bị cho Phật Thích Ca. Phật Thích Ca làm duyên cho chư Phật mười phương và ngược lại, chư Phật mười phương hộ niệm cho Phật Thích Ca. Có một lực tương quan tương duyên vô hình mật thiết giữa Phật Thích Ca và chư Phật mười phương, điều này rất quan trọng. Đương nhiên nội lực của Phật Thích Ca là chính yếu, nhưng cũng cần có sự trợ duyên bên ngoài của thiện tri thức để làm cho tâm Ngài vững mạnh hơn, đi xa hơn.
Đức Phật không ngồi một mình ở Bồ đề đạo tràng, theo Đại thừa còn có Thiên long bát bộ hộ trì. Chúng ta tu như thế này mà còn có Hộ pháp thiện thần che chở, huống chi Phật Thích Ca mà lại đơn độc một mình ở Bồ đề thì vô lý quá. Bằng tâm trạng của riêng tôi, tôi nhìn về Phật, thấy rằng tôi trì kinh trong đêm thanh vắng cũng cảm nhận có ma quỷ đến nghe, có Hộ pháp và Phật hộ niệm mới thành tựu Phật sự. Nhưng khi tôi không có cảm giác có Bồ tát hợp lực, có Phật hộ niệm, tôi không làm, vì chắc chắn sẽ thất bại. Còn khi niềm tin cho tôi thấy có Phật hộ niệm, có Hộ pháp và Bồ tát gia hộ, tôi vượt qua khó khăn một cách nhẹ nhàng, không cần đối phó. Tôi còn được như vậy, chẳng lẽ Phật có một mình hay sao.
Vì thấy Phật có một mình, cho nên ma quân và ma nữ mới xuất hiện; nhưng Phật vẫn ngồi làm thinh, yên lặng, không đối phó, nhưng ma tiêu tan. Ai đối phó, ai làm ma tiêu tan? Tôi rút kinh nghiệm theo Phật, ít nghĩ mình phải đối phó. Ta theo Phật, một là ta làm không được, vì thiếu đức; hai là ta đi trước một bước, tức làm chưa đúng thời. Còn đúng thời thì được Phật bổ xứ, nhất định làm được, thanh thản vượt qua chướng ngại.
Vì vậy, tôi tin Phật một mình, nhưng chung quanh Ngài có chư Phật, chư Bồ tát và Thiên long bát bộ Hộ pháp thiện thần, thì tất cả thế lực ma chướng tự tan. Sở dĩ có hiện tượng này gợn lên trong lòng Phật, vì khi mang xác thân vào, dù là Bồ tát do nguyện sanh, nhưng mang thân tứ đại ngũ uẩn do cha mẹ ban cho và phải chịu những gì cuộc đời gán cho, nên phải bị sự chi phối. Vì vậy, ít nhiều những thứ này còn tồn đọng trong tiềm thức Ngài, cho nên trong 49 ngày ngồi ở cội Bồ đề, những tồn đọng khi ẩn thì trí tuệ sanh, lúc hiện thì trí tuệ bị che mờ. Cho đến khi nghiệp xóa sạch, mới thành đạo, Ngài mới thấy tất cả quá khứ của mình và của chúng sanh.
Đầu tiên, Phật thấy quá trình hành Bồ tát đạo từ vô số kiếp cho đến ngày nay và Ngài cũng thấy cả đối tác mà Ngài tiếp cận là những người đã từng gặp trong quá khứ, thì vở kịch này cũng diễn ra trong hiện tại, gọi là Phật chứng Túc mạng minh thì những người quá khứ và hiện tại là một. Nếu quá khứ người đã chống đối ta, hiện tại họ cũng tiếp tục chống. Biết như vậy, ta mới hóa giải nghiệp duyên quá khứ.
Theo kinh nghiệm tôi, những người tốt với ta hôm nay là họ đã tốt với ta trong quá khứ, chúng ta phải giữ gìn cái tốt này, đừng để mất. Họ tốt, vì nhân tốt của ta đã làm trong quá khứ; cho nên ta phải tốt hơn. Nói cho dễ hiểu, người thiếu nợ chúng ta trong kiếp quá khứ, nay gặp lại trong hiện tại, họ sẽ trả nợ chúng ta. Nếu chúng ta nhận là ơn đền nghĩa trả rồi thì nợ hết; nhưng nếu nhận sự trả ơn này đầy đủ, mà còn đòi thêm thì đương nhiên họ sẽ không tốt với ta nữa. Đối với tôi, nếu họ nợ thì nên giữ nguyên cái nợ này của họ, để làm duyên tốt mà tăng thêm quyến thuộc Bồ đề cho mình, chứ đừng đòi họ trả.
Đức Phật nói rằng trong vô số kiếp, Ngài đã xả thân hành Bồ tát đạo, không có một chúng sinh nào mà Ngài không cứu độ. Chúng ta cũng phải như vậy, đã có được cái nhân tốt của quá khứ thì phải nhân cái tốt này mà tạo thành cái tốt trong tương lai.
Nhờ Thiên nhãn minh, Phật thấy được việc làm trong hiện tại. Kinh Nguyên thủy chỉ nhắc đơn giản rằng Đức Phật không thất bại trong việc truyền giáo, vì ban ngày Phật thuyết pháp cho loài người, đêm đến Ngài thuyết pháp cho chư Thiên và Ngài nhập định để biết nơi nào sẽ đi giáo hóa sáng hôm sau.
Phật chứng Túc mạng minh, thấy rõ mọi việc trong quá khứ; chứng Thiên nhãn minh thấy biết việc hiện tại và chứng Lậu tận minh thấy chính xác mọi sự việc trong tương lai.
Đức Phật thành đạo và đi giáo hóa trong suốt 49 năm, Ngài gặp nhiều việc khó khăn, nhưng vượt qua một cách nhẹ nhàng. Đến khi Phật nhập Niết bàn, tất cả mọi loài, mọi người từ vua chúa cho đến thường dân đều kính trọng tiếc thương. Vua A Xà Thế làm lễ trà tỳ và phân chia xá lợi Phật cho các vua của vùng Ngũ hà.
Thi sĩ Trần Đới nghĩ về Phật, cảm tác bài thơ “Tiếng Ca Lăng” rất hay để tặng tôi từ 20 năm trước, xin chia sẻ cùng tất cả quý vị:
Tiếng Ca Lăng tưng bừng trong nắng
Hương Sa La lẳng lặng qua rừng
Người nằm tỉnh giấc phù vân
Cởi muôn ngọn lửa dương trần ra đi
Vàng cốt cách ngọc về Xá lợi
Khắp trời người quỳ dưới đài sen
Chim trời cá nước vẫn quen
Giữa lòng pháp thị tình xuyên đôi bờ
Giọt lệ trắng thành thơ bạch ngọc
Giọt nắng vàng xuống đất hồi sinh
Trùng trùng Phật bảo lung linh
Bay về thắp cõi vô minh ới người
Nắng Ấn Độ qua trời Bách Việt
Vượt qua lòng nhỏ hẹp chia ly
Đất về đất cũng đang đi
Người trên trái đất nói gì với nhau
Phật tức tâm tâm vào ngộ Phật
Cửa không cài cửa pháp vô môn
Người về quảy trái đất luôn
Bước vào tịnh thổ bình an đời đời.