Người nói như thế chỉ đúng ở một phương diện, chớ chưa đúng hẳn hoàn toàn. Nếu đứng về mặt lý tính mà nói, thì ý nghĩa giống nhau. Vì Niết bàn là một tâm thể vắng lặng an vui giải thoát.
Cực lạc hay Tịnh độ cũng là một tâm thể an thoát thuần vui cùng cực. Cả hai đều vượt ngoài phạm trù đối đãi nhị nguyên, là một thực thể bất sinh bất diệt… Ðến đó bặt dứt tất cả mọi danh ngôn sắc tướng, suy nghĩ không đến, luận bàn chẳng nhằm. Ðó là điểm giống nhau trên căn bản lý tính.
Tuy nhiên, nếu đứng về mặt sự tướng mà nói, thì giữa Niết bàn và Cực lạc cảnh giới và ý nghĩa khác nhau rất xa. Vì Niết bàn không phải là một cảnh giới có hình tướng cụ thể ngoại tại. Có người lầm tưởng cho rằng, Niết bàn như là một cảnh giới thù thắng vi diệu ở một cõi xa xăm nào đó, sau khi chết con người thác sinh về cõi đó để thụ hưởng những điều phước lạc. Hiểu nghĩa Niết bàn như thế, thì quả thật đó là một điều sai lầm rất lớn.
Niết bàn như trên đã nói, nó là một cảnh giới nội tại, do diệt trừ hết tập nhân vô minh phiền não mà đạt được. Giống như gạn lọc hết quặng nhơ thì nguyên chất vàng ròng hiện ra. Mây tan thì trăng sáng. Ðây là một quả vị cứu cánh tịch diệt giải thoát hoàn toàn.
Ngược lại, Cực lạc là một cảnh giới ngoại tại có hình tướng chánh báo và y báo cụ thể. Ðiều này, Kinh A Di Ðà đã diễn tả cho chúng ta thấy rất rõ. Ðó là một cảnh giới được xây dựng tựu thành bằng bảy thứ báu rất trang nghiêm thù thắng vi diệu. Từ cảnh vật cho đến nhân dân ở cõi đó, tất cả đều cực kỳ thắng diệu. Một thế giới hoàn toàn thuần vui không khổ. Thế nhưng, do đâu mà chúng ta biết được cảnh giới này? Ðó chính là do đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự giới thiệu. Nhờ đó mà chúng ta mới biết được.
Thế giới Cực lạc hiện nay do đức Phật A Di Ðà làm giáo chủ. Có thể nói, đây là một thế giới văn minh tột cùng qua hai lĩnh vực vật chất và tinh thần. Ðó là một xã hội cao cấp tuyệt vời với một nền giáo dục đạo đức thượng đẳng. Người dân ở cõi đó toàn là những bậc thượng thiện nhân cao đức dễ thương. Phải nói chánh báo và y báo ở cõi Cực lạc so với ở cõi Ta bà này, thì khác nhau rất xa một trời một vực. Chính vì một thế giới trang nghiêm cực kỳ thắng diệu cao đẹp như thế, nên người ở cõi này mới phát tâm dõng mãnh niệm Phật A Di Ðà để cầu sinh về cõi nước đó.
Nói tóm lại, Niết Bàn và Cực lạc, nếu xét về phương diện lý tính thì ý nghĩa thực chất của nó giống nhau. Còn xét về phần sự tướng thì rất là dị biệt. Nhưng nếu chúng ta khéo dung hợp trong sự tu hành, thì Niết bàn hay Cực lạc cũng từ tâm thể chúng ta mà ra. Tất cả không gì ngoài tâm ta cả. Kinh nói: “Nhất thiết duy tâm, vạn pháp duy thức” là thế. Khác nào như nước trăm sông đều chảy về biển cả. Biển và sông tuy khác, nhưng thể nước vẫn đồng. Cực Lạc hay Niết Bàn cũng từ tâm ta mà có. Nếu phật tử đạt được nhất tâm, thì muôn pháp đều dứt.
Kính chúc phật tử được đầy đủ phước duyên thẳng tiến mãi trên con đường tu học Phật pháp và sẽ đạt thành như ý nguyện.