Bạn Hoa Thiên thân mến!
Theo kinh Trường bộ I, ghi nhận hình ảnh Thế Tôn khi chuẩn bị nhập Niết-bàn nằm nghiêng bên phải: “Rồi Thế Tôn, cùng với đại chúng Tỳ-kheo đi đến bên kia sông Hirannavati, tại Kusinàrà Upavattana, rừng Sàlà của dòng họ Mallà, khi đi đến nơi liền nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sàlà song thọ. Này Ananda, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn, trải chỗ nằm, đầu hướng về phía Bắc giữa hai cây sàlà song thọ. Và Thế Tôn nằm xuống, về phía hông bên phải, như dáng nằm con sư tử, hai chân để lên nhau (Kinh Đại bát Niết-bàn, số 16).
Kinh Trường A-hàm cũng ghi nhận tương tự như vậy: “Bấy giờ Phật vào thành Câu-thi, Ngài đến nơi sinh quán đời trước, giữa cây song thọ, thuộc bộ tộc Mạt-la, và bảo A-nan:
- Ông hãy sửa chỗ cho Ta nằm, giữa cây song thọ, đầu quay về hướng Bắc, mặt quay về hướng Tây.
Sau khi sửa soạn xong, Đức Thế Tôn nằm nghỉ, và tự lấy y Tăng-già-lê xếp thành bốn lớp đắp lên mình. Ngài nằm nghiêng về bên phải, như sư tử chúa, hai chân chồng lên nhau” (Kinh Du hành, số 2).
Kinh điển Đại thừa, thuộc hệ Phật giáo phát triển cũng ghi nhận Đức Phật nhập Niết-bàn nằm nghiêng bên phải: “Sau khi ba lần thuận nghịch nhập các thiền định cùng phổ cáo đại chúng, Đức Thế Tôn nằm nghiêng bên hữu (phải) trên giường thất bảo: Gối đầu phương Bắc, chân chỉ thẳng phương Nam, mặt hướng về phương Tây, lưng day qua phương Đông (Kinh Đại Bát Niết-bàn, phẩm 27).
Như vậy, nằm nghiêng bên phải là một trong những đặc điểm quan trọng của tướng Niết-bàn. Do đó, tạc tượng Phật Niết-bàn nằm nghiêng về bên trái, thiết nghĩ không phù hợp với “Niết-bàn tướng” mà kinh luận Phật giáo đã đặc tả.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự