ĐÁP: Khi một hành giả đến chùa phát nguyện quy y Tam bảo, sẽ được chư Tăng hướng dẫn ý nghĩa và lợi ích của việc quy y Tam bảo. Quy y Tam bảo có nghĩa là quay đầu về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, phước trí đầy đủ; Pháp là giáo thuyết vô thượng của Phật giúp chúng ta tu tập để được giác ngộ và giải thoát như Ngài; Tăng là những vị xuất gia chân chính, luôn luôn y theo giáo pháp của Phật mà tu tập. Đồng thời, đem giáo pháp ấy truyền bá trong nhân gian, hầu mong tất cả mọi người đều được giác ngộ.
Quy y Tam bảo còn bao hàm ý nghĩa quay đầu về nương tựa với Phật trong tâm là tánh sáng suốt, với Pháp trong tâm là các đức tánh Từ bi, Trí tuệ, Bình đẳng, Nhẫn nhục, Tinh tấn...; với Tăng trong tâm là sự hòa hợp, thanh tịnh của bản thân, cũng như Tăng già là hiện thân của sự hòa hợp thanh tịnh bên ngoài. Sau đó, hành giả sẽ được chư Tăng làm lễ trao truyền ngũ giới. Khi được truyền trao ngũ giới, các giới tử sẽ được giới sư hướng dẫn:
- Quý phật tử đã quy y Phật rồi, từ nay trở đi thà bỏ thân mạng, trọn đời không quy y Thiên thần và quỷ vật. Vì Thiên thần và quỷ vật kia còn bị luân hồi sinh tử, không phải là Thánh nhân xuất thế gian.
- Quý phật tử đã quy y Pháp rồi, thà bỏ thân mạng, chứ không nghe theo những lời tà thuyết. Vì đó không phải là pháp môn vô lậu giải thoát.
- Quý phật tử đã quy y Tăng rồi, thà bỏ thân mạng, chứ suốt đời không đi theo thầy tà bạn ác. Vì những vị đó không phải là người giải thoát chứng quả Tam thừa, họ sẽ dẫn dắt quý vị vào con đường tối tăm nguy hiểm.
Do đó, theo lý người theo đạo Phật không thờ bất kì vị Thánh thần nào khác. Mục tiêu của người đệ tử Phật là quay về với Chánh pháp, nương tựa Tam bảo. Không tin, không cầu khẩn bên ngoài tự tánh Phật của mình. Những hoạt động tâm linh nặng về tín ngưỡng thờ cúng, cầu xin như thờ Thần hoàng, Thổ địa, Táo quân... được coi là ngoại đạo.
Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc trọng nghĩa ân và có truyền thống yêu nước nồng nàn. Một trong những truyền thống đạo lý tốt đẹp nhất mà mỗi người Việt Nam luôn ghi nhớ đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công ơn của những bậc tiền hiền có công lập quốc, những anh hùng vì nước quên thân. Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp v.v... là những bậc vĩ nhân của dân tộc, có nhiều công lớn mang lại hòa bình độc lập cho đất nước, được nhân dân lập đền thờ, bàn thờ để tưởng nhớ. Đây là một hoạt động văn hóa tâm linh, thiên về lòng tưởng nhớ, tri ân, mang đậm màu sắc văn hóa dân tộc được Phật giáo ủng hộ và tôn vinh.
Thượng tọa Thích Thiện Thuận