Trải tâm để vào đạo

Thứ sáu - 18/07/2014 21:24
Trong kinh A Hàm, Đức Phật dạy: "Sự thấy nghe hay biết của chúng sinh là do nhiễm trước nơi cảnh sở duyên, vì vậy mà bị các pháp sai sử".
Trải tâm để vào đạo
Như vậy, thay vì nghiễm nhiên ở vị trí chủ nhân ông, con người bị bước xuống hàng tùy tùng - hiểu theo nghĩa bị chi phối bởi cái biết sai lầm. Hệ quả là mọi mâu thuẫn và đau khổ cũng từ đó phát sinh, con người càng vùng vẫy càng bị ràng buộc bởi vô vàn mọi sự lý giải, phân tích phi lý, ngày càng xa rời với thực hữu xung quanh. Bởi "tri kiến lập trí là nguồn gốc vô minh, tri kiến vô kiến mới là Niết bàn" (Kinh Lăng Nghiêm).

Sự tiếp xúc giữa con ngưới (chủ thể) và trần cảnh (ngoại duyên) tưởng như trong suốt không chướng ngại, thực chất giữa hai đối thể vẫn có một hành lang cách biệt, đó chính là sự nhận thức đầy màu sắc cá tính hay chủ quan của con người khi tiếp cận với thế giới xung quanh. Xu thế tất yếu càng hiện rõ khi sự nhận thức ấy được hệ thống một cách quy củ và thế là chúng ta có triết học, có thẩm mỹ học, thậm chí cả chính trị học v.v... tất cả đều xuất phát từ tri kiến của con người.

Nhưng thế giới khách quan (tự nhiên và xã hội) vẫn vận động liên tục và tồn tại độc lập, không hề bị chi phối bởi ý niệm chủ quan của con người. Điều này đặt ra vấn đề là nếu muốn cảm nhận thế giới như chính bản thân nó đang là thì con người phải lần hồi gạt bỏ mọi áp đặt chủ quan. Đạo Phật gọi đó là Giải thoát tri kiến. Nếu một khi bạn còn nhìn nhận mọi vấn đề bằng kinh nghiệm, cũng có nghĩa là bạn đang sống với quá khứ, bởi kinh nghiệm là sự tích lũy mọi tri kiến đã qua, bạn dùng nó để áp đặt cho hiện tại, nhưng hiện tại bạn vẫn chưa thấu triệt, vậy tức là hiện tại đang biến tướng trong con mắt của bạn. Và thật là tai hại, sự biến tướng này dẫn bạn vào những kết luận võ đoán và hành vi sai lạc, điều chẳng nên có chút nào.

Trong kinh A Hàm, Đức Phật dạy: "Sự thấy nghe hay biết của chúng sinh là do nhiễm trước nơi cảnh sở duyên, vì vậy mà bị các pháp sai sử". Như vậy, thay vì nghiễm nhiên ở vị trí chủ nhân ông, con người bị bước xuống hàng tùy tùng - hiểu theo nghĩa bị chi phối bởi cái biết sai lầm. Hệ quả là mọi mâu thuẫn và đau khổ cũng từ đó phát sinh, con người càng vùng vẫy càng bị ràng buộc bởi vô vàn mọi sự lý giải, phân tích phi lý, ngày càng xa rời với thực hữu xung quanh. Bởi "tri kiến lập trí là nguồn gốc vô minh, tri kiến vô kiến mới là Niết bàn" (Kinh Lăng Nghiêm).

Hãy đừng cho rằng đây chỉ là lĩnh vực khu biệt cho các nhà tôn giáo hay nhà tư tưởng cao vời, bởi đây chính là cuộc sống, là thái độ sống, nó chính là hơi thở, là nhịp tim, là khả năng tồn tại của mỗi con người. Thế mới biết Phật pháp chính là cuộc đời, nếu một ai còn thấy rằng Phật giáo là xa vời, là một thế giới xa lạ với cuộc sống đời thường, tức họ vẫn còn trong vòng trói buộc của tri kiến. Một thiền sư đã tạo ra tình huống nước tràn ly để ám chỉ một vị học giả đang ngồi đối diện để hỏi đạo, rằng đầu óc ông đã đầy những kiến thức và sự ỷ lại kiến thức, đâu còn chỗ dành cho lý đạo. Vậy nên sự thanh tịnh tuyệt đối của tâm thức mới là tiền đề để khai tâm nhập Đạo, nếu không sẽ rơi vào tình huống:

Đầu thượng trước đầu

Tuyết thượng gia sương

(Tổ Vân Môn)

Có nghĩa là đã có đầu còn mọc thêm đầu khác, trên đống tuyết lại còn đổ thêm sương, hình ảnh này cho thấy cảm thức của con người nếu thiếu tỉnh giác sẽ là cánh cửa đóng kín nẻo về chánh đạo.

Có thể coi lộ trình học Phật mang tính thực hành sống động nhất là Tam học, trong đó, Giới được coi như luân lý, Định là quán tưởng và Tuệ là trực giác. Trực giác chính là chỗ kiến mà vô kiến, Phật giáo vẫn coi đó là lý tánh, bởi sự thì sai biệt và phân biệt, lý thì vô phân biệt, vô sai biệt. Một thiền sư nói: "Nhờ vào kiến trúc phi luận lý, phi tri thức, ta mới đạt được ý thức tự kỷ tâm linh - Đó chính là "Trường tịnh quang độ" nơi sở y sở cư (chỗ an trú) của chư Phật. Bởi "Thường" là Pháp thân, "Tịnh" là giải thoát các tướng, "Quang" là trí tuệ soi rõ các tướng.

Tri kiến cũng để chỉ cho sự dính mắc nhỏ nhiệm, nếu một hành giả đã đạt đến một cấp độ tu chứng nhất định, liền có ý thức về "ta đã đạt được...", cùng lúc đó sự ràng buộc hiện hữu. Trên đạo lộ mầu nhiệm của người tu Phật, tri kiến như điệp trùng cạm bẫy giăng mắc khắp nơi, chỉ cần thất niệm hiện hữu thì chướng ngại hiện tiền. Cũng có khi đó là cạm bẫy thuộc trải nghiệm, thuộc ngôn từ, thuộc thiên chấp v.v... Đó chính là Trần sa hoặc, chỉ được đoạn trừ khi đã thực sự an trú cảnh giới giải thoát tri kiến tức chứng nhập pháp không.

Lục Tổ Huệ Năng nhấn mạnh điểm này như sau: "Thiện tri thức, giáo pháp của ta từ trước đến nay dù đốn hay tiệm, lập vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm gốc. Vô tướng là gì? Là đối tượng mà lìa tướng, vô niệm là đối với niệm mà không niệm, vô tục là bản tánh của con người" (Pháp Bảo Đàn kinh).

Như vậy hành trang để đến với đạo không phải là tri thức suông, không phải là một kho tàng kinh nghiệm quá khứ, không phải là một sự thành tựu cao ở bất cứ lĩnh vực nào ngoài xã hội. Ta vẫn là con người của hôm qua, vẫn đầy ắp những tri thức trong đầu, vẫn là con người thời đại với sự thích ứng cao bởi vô số phương tiện kỹ thuật tân kỳ, những triết lý mới được tôn vinh, nhưng khi mong cầu thâm nhập lý đạo, hãy để tâm thái rỗng lặng không gợn chút cố chấp hay bị chi phối bởi những thứ đèo bòng kia, hãy đừng dùng những phép tính khi học đạo, nếu không cả nền đạo ta đang mong mỏi được thâm nhập sẽ trở nên khúc xạ thảm hại trong ta, và ánh sáng của chân lý khó có thể đến được bởi chính ta là kẻ tạo ra vô số chướng ngại vật.

Hiện thực là tất cả chúng ta đang cùng nhau đêm ngày tham cứu Phật học, làm sao để từ những học giả của nền Phật học trở thành những hành giả đang học Phật, học làm Phật. Bởi học và tu Phật không phải là lĩnh vực chỉ để thỏa mãn tri thức, vậy nên đừng bao giờ để tri thức chi phối. Bởi chính Đức Phật cũng đã từng nói, suốt 49 năm thuyết pháp Ta chẳng nói một lời nào, đó chính là "thuyết của vô thuyết, ngôn của vô ngôn", Ngài không muốn chúng ta chết ngộp trong mớ bòng bong của ngôn từ. Bởi chân lý hiện hữu chỉ khi vắng bặt mọi ý niệm, mọi tập quán tư duy, mọi kinh nghiệm già dặn, mọi tri thức hữu ngã, nếu còn dùng những sở tri, sở kiến để mong đạt được chân lý thì cái có được cũng chỉ là sản phẩm ngụy tạo, con đẻ của mọi tri kiến chủ quan. Hoặc dùng những triết thuyết, những quan điểm thế học về nhân văn, về thế giới bên ngoài để chiếu rọi, phán xét cho lộ trình học Phật của mình lại càng không thể, hãy xem đó là một sự khuấy động không cần thiết, bởi chính ta chứ không ai khác lại chính là nạn nhân của sự khuấy động ấy, để rồi đường về chân lý càng mờ mịt hơn, bởi thế giới nội tâm ta đang quay cuồng trong những thứ hỗn mang, đâu còn cái uyên nguyên tĩnh lặng vốn có của tâm mình. 

Nguồn tin: theo chuyenphapluan

 Từ khóa: chúng sinh, vậy mà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây