ĐÁP: Bạn Việt Anh thân mến!
Một số nghiên cứu khoa học gần đây đã chỉ ra, cỏ cây cũng có cảm giác sợ hãi, đau đớn, cố tìm cách tự vệ khi bị kẻ thù xâm hại. Ngược lại chúng sẽ phát triển tốt hơn khi được yêu thương, vỗ về chăm sóc, và cả khi được nghe nhạc hay. Tuy nhiên, cơ chế phản ứng của cỏ cây rất vi tế, mắt thường con người không thể nhìn thấy. Trước sự tấn công, cây cỏ không có miệng để la hét, không có chân tay để bỏ chạy hay chống lại. Vì hầu hết chúng ta đều không thấy cây cỏ phản ứng gì nên tha hồ mà nhổ cỏ, hái rau khiến chúng bị tổn hại.
Thực ra, cây cỏ cũng là một dạng sống cần được tôn trọng. Trong giới luật có quy định người xuất gia “không chặt cây, nhổ cỏ” một phần cũng mang ý nghĩa này. Tuy nhiên, đặt vấn đề “vạn vật hữu linh, cỏ cây cũng có cảm giác” rồi liên hệ đến lợi ích của việc ăn chay theo đạo Phật thì thiết nghĩ thật khiên cưỡng.
Đạo Phật chủ trương ăn chay để nuôi dưỡng tâm từ bi, tăng cường sức khỏe, tránh bớt những liên quan đến sự giết hại động vật làm thực phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Trong nhiều cách ăn, đối với những mục tiêu đã nói thì ăn chay có những tác dụng tích cực cho việc phát triển trí tuệ và từ bi hơn.
Mặt khác, chúng ta sống thì không thể không ăn. Không ăn động vật thì đã đành, chẳng lẽ thực vật cũng có sự sống rồi nhịn ăn chịu chết? Thành ra, ăn gì mà nhẹ nhàng, ít tạo nghiệp giết hại để sống có ích cho nhân loại và chúng sinh thì vẫn hơn. Nói chính xác, ăn cách gì, chay hay mặn cũng đều liên quan xa gần đến tạo nghiệp giết hại cả. Nhưng chọn cách ăn chay thì nhẹ bớt nghiệp sát và hỗ trợ cho việc tu tập tốt hơn.
Hiểu như vậy rồi, khi ăn chay rau củ quả, người Phật tử cần quán niệm về lòng biết ơn, xem xét đức hạnh, ngăn ngừa tâm tham đắm, xem ăn uống như dùng thuốc để trị bệnh thân thể gầy yếu, nguyện vì đạo nghiệp giải thoát nên mới thọ dụng các thực phẩm này.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự