Tuy nhiên, điều mà chúng tôi băn khoăn là có một số nơi Phật tử và khách thập phương dùng cơm trước lúc chư Tăng Ni cúng quá đường; thay vì ngồi chắp tay, giữ chánh niệm, chờ Tăng Ni cúng dường xong thì cùng thọ trai. Chúng tôi thấy việc này không được trang nghiêm, có cách nào để khắc phục?
Bạn Bảo Đình thân mến!
Dùng cơm thân mật với nhà chùa hay thụ lộc chính là dùng bữa thảo thơm nhằm kết duyên lành với Tam bảo. Thành ra, bữa cơm chùa tuy đơn sơ đạm bạc nhưng mang ý nghĩa cao quý là bữa cơm phước đức.
Những buổi lễ quy tụ đông đảo khách thập phương, trong đó không phải ai cũng thấm nhuần cách thức cúng Phật trước, dùng cơm sau thì ban tổ chức phải tùy duyên linh động. Một số chùa do hội trường hay phòng ăn chật hẹp, khách tham dự lại quá đông, nhà chùa phải phương tiện mời cơm nhiều đợt, vì thế khách đường xa thường được mời dùng cơm trước để kịp giờ về đồng thời nhằm giải tỏa áp lực đông đúc.
Trong hoàn cảnh này, hẳn ai cũng hoan hỷ cho ban tổ chức, chư Tăng Ni chỉ trang nghiêm cúng quá đường nơi trai đường chính, các Phật tử trong bản tự lo dâng lễ cúng dường, còn các khu vực khác thì tùy duyên. Tuy chưa được trang nghiêm như ý, nhưng vì hoàn cảnh và những nguyên nhân khách quan, trong tinh thần hoan hỷ của người con Phật thì việc khách thập phương thụ lộc trước chư Tăng Ni cũng chấp nhận được.
Với các buổi lễ nhà chùa có hội trường rộng rãi, các Phật tử phần đông đã biết nghi thức cúng Phật, tất cả Phật tử đều ngồi bên mâm cơm chắp tay im lặng để cúng quá đường cùng chư Tăng Ni, quán tưởng đầy đủ, dùng cơm trong chánh niệm. Thụ lộc như thế mới trang nghiêm, thanh tịnh và trọn phần phước đức.
Chúc bạn tinh tấn