Phương cách đối phó với bệnh tật

Thứ năm - 12/01/2023 18:01
Trước hết chúng ta phải hiểu rằng bệnh hoạn là điều không tránh được. Tất cả chúng ta đều phải bệnh. Một khi ta đã được sinh ra trong vòng luân hồi với thân chịu ảnh hưởng của những xung đột tâm lý và nghiệp, thì bệnh là điều chắc chắn phải xảy ra.
Phương cách đối phó với bệnh tật
Đó là bản chất của thân - nó già đi và bệnh. Cuối cùng nó sẽ hoàn toàn ngừng hoạt động. Nó chết và tâm thức đi tái sinh. Những phương cách để đối phó với bệnh khi nó xảy ra là gì? Phản ứng thông thường của chúng ta đối với bệnh là cảm thấy thương thân, trách người và sân hận. Các phản ứng này chỉ khiến bản thân chúng ta và người xung quanh thêm khổ sở. Chúng có chữa được bệnh không? Không, dĩ nhiên là không.

Đức Phật khuyên chúng ta nhìn bệnh từ một quan điểm rộng rãi hơn; đó là dầu ta có tìm được phương thuốc phù hợp để chữa bệnh, ta cũng cần tìm hiểu nguồn gốc của bệnh. Bệnh xảy ra khi con người phải sinh ra trong vòng luân hồi. Một khi đã được sinh ra, chúng ta sẽ phải có bệnh, trừ khi cái chết đã đến trước rồi. Nguyên nhân gì khiến ta tái sinh trong vòng luân hồi? Chính là tâm bám víu vào tham, sân, si và nghiệp (các hành động ở thân, ở miệng và ở ý). Những thứ này hợp lại để thành nguyên nhân chính: là sự bám víu vào ngã, là vô minh. Vô minh khiến ta không hiểu về bản chất của thực tại. Do đó giải thoát bản thân khỏi sự vô minh này là điều tiên quyết.

Phần đông chúng ta đồng ý, “Đúng, đúng, tôi phải loại bỏ si mê. Nhưng, tôi sẽ làm điều đó sau này. Hiện giờ tôi đang mạnh khỏe. Tôi trẻ trung và cuộc đời đang ở phía trước. Tôi có thể làm rất nhiều thứ. Tôi muốn ở bên cạnh những người tôi quan tâm. Tôi cần trải nghiệm cuộc sống. Tôi muốn có một nghề nghiệp. Tôi muốn du lịch. Tôi muốn có những dục lạc mới. Tôi muốn sáng tạo nghệ thuật, hay thể thao. Tôi muốn làm điều này và điều nọ. Tôi sẽ quan tâm về vòng luân hồi sau này”.

Qua hàng tỷ kiếp, chúng ta đã dùng dằng khi đối mặt với nguyên nhân gây ra đau khổ cho ta. Sự dùng dằng kéo dài và những lời biện hộ đã đưa chúng ta đi đâu? Chúng ta cứ tiếp tục nói như thế từ kiếp này sang kiếp khác. Tại sao chúng ta trì hoãn? Bởi vì tham ái.

Khổ bắt nguồn từ si mê và tham ái. Để loại bỏ chúng, trước tiên chúng ta phải thấy toàn cảnh luân hồi như thế nào một cách rõ ràng. Điều này liên quan đến việc phát triển lòng can đảm to lớn để quán sát nội tâm, để truy tìm nguồn gốc của luân hồi, các giải pháp khác (giải thoát), và con đường đến giải thoát. Chúng ta phải học về và dồn sức lực vào việc nhận thức bản chất tột cùng của thực tại, sự trống vắng của hiện hữu của tất cả mọi người và mọi vật. Chỉ có như thế, thì chúng ta mới có thể loại bỏ si mê là nguồn gốc tạo ra sinh, già, bệnh và chết.

Tôi sẽ nói thêm về những cách quen thuộc để đối phó với bệnh, nhưng vì theo sát giáo lý của Đức Phật, tôi muốn trước hết bàn đến đề tài này trong cái nhìn đúng đắn. Bỏ qua việc giải thích vòng luân hồi để giúp bạn được ích lợi đối với những vấn đề ngay trước mắt sẽ là dối gạt bạn. Tái sinh trong luân hồi mới đích thực là vấn đề và nhận thức được bản chất thực sự của thực tại một cách trực tiếp mới là giải pháp của vấn đề. Tuy nhiên, cho tới khi chúng ta đạt đến điểm đó, cho tới khi chúng ta nhận thức được sự trống vắng của hiện hữu, thì đây là một số cách khác để đối phó với bệnh hoạn:

1. Bấm nút dừng sợ hãi
Hãy quán sát tâm và nhìn xem chúng ta phản ứng như thế nào đối với bệnh. Tôi không biết bạn có giống như thế không, nhưng khi bệnh, tâm tôi rất sợ hãi và thường nghĩ đến “tình trạng tệ hại nhất” để kết luận. Thí dụ, tôi có cảm giác lạ ở ngực thì liền nghĩ rằng tôi sẽ bị đột quỵ. “Nếu tim có vấn đề khi tôi đang ở trong thất của mình thì sẽ như thế nào? Biết có ai tìm ra tôi kịp không? Liệu họ có đưa tôi đến bệnh viện đủ nhanh không? Ở Mỹ, chúng tôi không có chương trình bảo trợ sức khỏe rẻ tiền, nên những tổn phí về sức khỏe sẽ như thế nào?”. Chỉ là một cảm giác khác lạ nhỏ, nhưng tâm tôi đã phóng đại nó, “Liệu bệnh tim này có đe dọa cuộc sống của tôi không!”. Lại một màn khác: bụng của ta hơi khó chịu, ta liền nghĩ, “Đây chắc là ung thư bao tử rồi”. Khi đầu gối ta đau lúc ngồi thiền, ta liền nghĩ, “Tôi phải chuyển tư thế ngay lập tức, nếu không tôi sẽ bị tàn phế cả đời”. Tâm của bạn có trở nên hoang dại và tạo ra những câu chuyện khủng khiếp như thế không?

Lúc bắt đầu, chỉ là một cảm giác khó chịu ở trong thân - một cảm giác vật lý. Tùy thuộc vào việc chúng ta xem cảm giác vật lý đó như thế nào, chúng ta có thể tạo ra rất nhiều khổ tâm. Nếu chúng ta có thể bấm cái nút “Dừng lại” trên tâm sợ hãi và chỉ ý thức về cảm giác vật lý, ta sẽ không tạo ra phiền não cho tâm. Đó chỉ là một cảm giác, không có gì đáng sợ. Chúng ta không phải căng thẳng. Cảm giác chỉ là cảm giác, hãy để nó như thế.

Khi hành thiền, chúng ta trải nghiệm những cảm giác vật lý khác. Nếu ta gán cho một cảm giác là “đau”, thì mọi thứ thực sự bắt đầu đau. Tuy nhiên, nếu ta chỉ nói “cảm giác”, và không tạo ra một cái tưởng mạnh mẽ hay hình dung trong tâm về đầu gối của mình, thì nó chỉ là cảm giác. Hãy quán niệm: Đâu là cảm giác? Đâu là thân?

Hãy thử nghiệm nhiều cách với cái đau nơi thân khi hành thiền, thay vì lặp lại thói quen trở nên căng thẳng và sợ hãi khi đau.

2. Điều gì khiến cảm giác này là “của tôi”?
Có bao giờ bạn tự hỏi điều gì đã khiến bạn căng thẳng, sợ hãi khi bạn trải nghiệm một cảm giác nào đó? Nếu quán sát, ta sẽ thấy đó là vì ta gán cho nó là của tôi, “Tôi đau. Lưng tôi nhói buốt”. Ngay khi được dán nhãn “của tôi”, thì một cảm giác mạnh mẽ về “cái tôi” phát khởi, và cảm giác đau đó trở thành ghê gớm. Trong lúc hành thiền, chúng ta có thể tự hỏi mình, “Điều gì khiến cảm giác này là của tôi? Cái gì là tôi hay của tôi trong cảm giác này?”. Khi tâm quán chiếu sâu xa về điều này, là cách ta chất vấn ý thức mạnh mẽ về một “cái tôi” bền vững. “Cái tôi” và “Của tôi” có hiện hữu đúng như ta tưởng không? Từ đó ta quán về sự không có mặt của một hiện hữu độc lập hay một chủ thể thường hằng.

3. Hãy nghĩ, “Tốt! Bệnh cũng tốt!”
Một cách khác để đối phó với bệnh là hãy nghĩ, “Tôi bệnh à, tốt thôi!”. Đây là một cực đoan đối nghịch với cách chúng ta thường suy nghĩ phải không? Thuốc chữa của Pháp đối với hầu hết những khó khăn của chúng ta đều chính là sự đối nghịch lại đối với những gì tâm ta thường tự động nghĩ. Đức Phật khuyên ta làm ngược lại với những gì mà bản ngã muốn làm. Trong trường hợp này khi bệnh, ta nên nhủ, “Tốt! Có bệnh tôi cũng vui!”.
 
Có thể bạn sẽ nghĩ, “Điên à? Làm sao có thể nói, tôi vui khi bị bệnh?”. Hãy nhìn sự việc theo cách này: bệnh của ta là do nghiệp xấu mà ta đã tạo ra trong quá khứ. Giờ thì nghiệp đó đã ra quả dưới hình thức bệnh, nó không còn che mờ tâm trí ta nữa. Có thể nghiệp xấu đó có năng lực khiến ta phải tái sinh đọa vào những nơi ghê gớm (như địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh) một thời gian dài, nhưng thay vào đó giờ nó chỉ trổ quả mà nếu so sánh thì ít khổ hơn nhiều. Nếu ta quán chiếu như thế, thì căn bệnh mà ta hiện đang mang thực sự trở nên khá bình thường. Không có gì phải làm ầm ĩ. Không đến nỗi tệ; nếu so với một kiếp sống đọa đày hàng tỷ kiếp, thì việc này chỉ như cơn gió nhẹ! Thực ra, nếu có thể thanh tịnh hóa những nghiệp xấu đáng kinh của ta dễ dàng như thế, thì ta không màng nếu có phải bệnh nặng hơn chút đỉnh!

Một sư tỷ của tôi lúc đang nhập thất, bị một mụt hạch to nổi lên ở miệng. Rất đau. Khi cô đang đi bách bộ sau một thời khóa thiền, cô gặp sư phụ chúng tôi, ngài Lama Zopa Rinpoche. Ngài hỏi, “Cô khỏe không?”. Cô rên rỉ, “Con bị mụt hạch…”. Rinpoche trả lời, “Tốt! Tuyệt vời! Cô may mắn quá!”. Dĩ nhiên, cô chẳng muốn nghe những lời như thế. Cô cần những lời thương hại. Nhưng Rinpoche lại tiếp, “Tốt quá! Cô đang trả quả cho những nghiệp xấu đến nỗi có thể khiến cô phải đọa đày, chỉ bằng bị một mụt hạch. Cô thật may mắn!”.

Nếu nhìn sự việc theo cách đó, ta sẽ nhận thấy rằng căn bệnh hay cái đau mình đang mang thực sự không quá tệ. Ta có thể chịu đựng khi nghĩ rằng nó còn có thể trổ nghiệp tệ hơn. Thêm nữa, ta cảm thấy may mắn vì nghiệp này đã chín, nó không còn ám ảnh tâm trí ta nữa. Không còn bị nó che mờ tâm, thì việc thực hiện được con đường giải thoát sẽ dễ dàng hơn. Đây là một phương cách khác mà ta có thể sử dụng khi đau bệnh.

4. Hãy tử tế với người
Mấy năm trước đây, một người bạn tôi ở tuổi chớm ba mươi đi khám bệnh vì cô không thấy khỏe. Bác sĩ chẩn đoán là cô đang mắc một căn bệnh nan y, cô sẽ phải bệnh một thời gian dài và có thể phải chết.

Phản ứng tức thì của cô bạn ngay lúc đó, dĩ nhiên, là sợ hãi, phiền muộn. Cô bắt đầu rơi vào trạng thái trầm cảm, tự thương hại và cáu gắt. Rồi bất chợt, cô dừng lại và tự hỏi, “Nếu Đức Đạt-lai Lạt-ma ở trong hoàn cảnh như mình, thì ngài sẽ cảm thấy thế nào? Ngài sẽ ứng xử thế nào trong hoàn cảnh đó?”. Suy nghĩ nhiều về điều đó, cuối cùng cô nghĩ là ngài sẽ kết luận, “Hãy sống tử tế”.

Do đó, cô chấp nhận “Hãy sống tử tế” như một câu châm ngôn. Cô nghĩ, “Mình sẽ phải vào ở trong bệnh viện một thời gian và sẽ gặp đủ loại người ở đó - y tá, y sĩ, điều trị viên, bác sĩ, nhân công, các bệnh nhân khác, người thân trong gia đình và nhiều người khác nữa. Tôi sẽ tử tế với tất cả mọi người”. Cô quyết tâm sẽ tử tế với tất cả những ai cô gặp trong quá trình ở bệnh viện và ở khu điều trị.

Một khi tâm đã quyết sống tử tế, nó trở nên bình an. Cô đã chấp nhận bệnh của mình, và cô đã có phương thức hành động, đó là sống tử tế. Cô nhận ra rằng dầu khi bị bệnh, cuộc đời của cô cũng có thể mang lại lợi ích cho người. Cô có thể chia sẻ sự tử tế với người khác để cải tiến chất lượng cuộc sống của họ. Cô có thể là một bệnh nhân biết hợp tác, vui vẻ và biết ơn, người có thể mang hạnh phúc đến cho các nhân viên bệnh viện và các bệnh nhân khác.

Cuối cùng câu chuyện kết thúc là, sau khi bác sĩ của cô làm thêm các xét nghiệm, ông thông báo là sự chẩn đoán đầu tiên không chính xác: Cô không bị bệnh hiểm nghèo đến thế. Dĩ nhiên là cô thấy nhẹ nhõm khi nghe như thế, nhưng cô nói rằng việc rèn luyện tâm để đối mặt với bệnh là một kinh nghiệm quý báu đối với cô. Giờ bệnh không còn nguy hiểm đến tính mệnh thì việc tử tế với mọi người càng trở nên dễ dàng hơn.

5. Luyện tâm để sống cho xứng đáng
Trong những năm 1987 và 1988 khi sống tại Singapore, tôi được gặp một thanh niên trẻ rất dễ thương, nhưng đang đối mặt với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Anh đang ở vào những năm cuối của tuổi hai mươi mà trước khi phát bệnh, cuộc đời anh tràn đầy niềm vui. Anh vừa được nhận vào học cao học tại một trường đại học ở Mỹ, và anh đang rất háo hức được du học xa. Nhưng sau khi ngã bệnh, tất cả mọi dự tính đều ngưng giữa dòng. Một lần tôi đến thăm, anh buồn rầu nói, “Giờ con chỉ là người vô dụng. Muốn ngồi dậy đi ra khỏi phòng cũng không được”. Chúng tôi đang ngồi cạnh cửa sổ, nên tôi nói, “Hãy nhìn ra cửa sổ. Có rất nhiều người lái xe qua lại, hay di chuyển đến các nhà ga, bận rộn đi chỗ này, chỗ kia. Anh có nghĩ là cuộc sống của họ rất xứng đáng? Họ có thể bận rộn đi đây, đi đó với bao nhiêu công việc, nhưng có phải vì thế mà cuộc đời của họ đáng sống hơn không?”. Rồi tôi tiếp tục giải thích rằng một cuộc đời đáng sống không phải là nhờ luôn bận rộn. Sống xứng đáng tùy thuộc vào việc ta sử dụng tâm mình như thế nào. Ngay như thân ta có bị bại liệt, nếu ta dùng tâm trí mình để hành Pháp, thì cuộc sống của ta cũng trở nên rất hữu ích. Không cần phải đủ sức khỏe mới hành Pháp được.

Dĩ nhiên, nếu có sức khỏe thì việc tu tập sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên nếu bệnh, ta vẫn có thể sử dụng bất cứ thời gian nào, năng lực nào còn lại để tu hành. Ngay cả khi ta không thể ngồi dậy nổi, phải nằm liệt giường, ngay cả khi ta bị hôn mê nhiều giờ, ngay cả khi ta yếu sức, không còn nhìn thấy rõ, ta vẫn có thể nghĩ đến những điều thiện lành và quán tưởng đến bản chất thực sự của thực tại. Chúng ta có thể quán về nghiệp và an trú trong Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng). Có bao nhiêu pháp hành ta có thể thực hành ngay cả khi ta đang đau bệnh. Khi ta lợi dụng hoàn cảnh này để thực hành những điều Phật dạy, là ta đang khiến cuộc sống của mình tràn đầy ý nghĩa.

Đừng nghĩ rằng cuộc đời của bạn có ý nghĩa chỉ vì bạn chạy đây chạy đó làm những việc không tên. Đừng nghĩ rằng vì có tiền, vì bận rộn công việc, sở hữu bao nhiêu thứ và có biết bao bạn bè là chất lượng của một cuộc sống có ý nghĩa. Đôi khi, nhìn bề ngoài cuộc sống của chúng ta có vẻ tuyệt vời. Chúng ta có nhiều bằng khen, nhiều của cải vật chất để làm biểu tượng cho những nỗ lực của ta, nhưng trong quá trình tạo ra chúng, ta có thể đã tạo ra bao nghiệp xấu ác. Nghiệp xấu đó không phải là sản phẩm hữu ích trong các hoạt động của ta. Thí dụ, do có nhiều ham muốn hay tham vọng chấp ngã để được danh tiếng, chúng ta có thể dối trá, lường gạt người khác. Ta có thể nói xấu người khác, làm bại hoại danh tiếng của họ, phá hủy tình bằng hữu và nói xấu kẻ khác để đạt được điều mình muốn. Dù ta có thể thỏa mãn những ước vọng của mình, tất cả những dấu hiệu thành công bên ngoài rồi sẽ phai nhòa, đến khi ra đi, chỉ có nghiệp sẽ đi theo ta mà thôi.

Trái lại, chúng ta có thể bị bệnh, phải nằm một chỗ, nhưng nếu ta dùng tâm mình để tạo ra những nghiệp xây dựng tích cực, là ta đang tạo ra nhân cho sự tái sinh tốt đẹp. Nếu ta quán từ bi, hành thiền cũng như chỉ bày cho người hành thiền khi đang nằm một chỗ, tâm ta sẽ trở nên gần gũi hơn với giác ngộ, giải thoát. Về lâu về dài, điều đó làm cho cuộc sống của chúng ta vô cùng ý nghĩa.

Chớ coi thường sức mạnh của tâm. Tâm rất dũng mãnh. Ngay cả khi ta bệnh, uy lực của những tư tưởng tích cực mà ta tạo tác cũng có thể ảnh hưởng đến những người quanh ta. Những tư tưởng và tình cảm tử tế, khôn ngoan cũng có thể mang đến các sự tái sinh tốt đẹp và đưa ta đến con đường giác ngộ.
Nguồn Giác ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây