An vị tượng Phật ngọc tại chùa Vạn Niên

Thứ hai - 01/11/2010 21:52
Sáng nay, 31 tháng 10 năm 2010, tại chùa Vạn Niên – Phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội long trọng diễn ra Lễ an vị tượng Phật Ngọc và cắt băng khánh thành Điện Phật Ngọc.

Đến tham dự và chứng minh buổi lễ về phía GHPGVN có: Hòa thượng Thích Thanh Sam – Phó Pháp chủ GHPGVN; Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Đạt - Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Chính - Phó trưởng ban thường trực Thành hội Phật giáo Hà Nội; Thượng tọa Thích Thanh Nhã - Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội...

Ban tổ chức còn được đón tiếp sự hiện diện quang lâm của đông đảo chư Tăng, Ni TWGHPGVN; Ban trị sự Thành hội Phật giáo Thành phố Hà Nội và chư Tăng Ni trụ trì các tự viện trong và ngoài Thủ đô Hà Nội.

Về phía quan khách có ông Vũ Văn Hiền - Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; ông Hà Văn Núi – Phó Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội...

Chùa Vạn Niên có niên đại khởi dựng vào năm Thuận Thiên thứ 2 triều Lý (1011) tức là chỉ đúng một năm sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.

Hiện nay trên nóc Chùa chính còn 3 chữ triện đắp nổi “ Vạn – niên – tự”, ý người xưa mong muốn, ngôi chùa này được tồn tại mãi mãi cùng thời gian. Thực vậy, ý nguyện này đã trải qua gần 1000 năm lịch sử.

Năm Giáp Dần (Thuận Thiên thứ 5) 1014, Tăng thống Hữu Nhai tâu vua xin lập giới đàn tại đây cho tăng chúng thụ giới, Vua chuẩn lời tấu.

Có thể nói đây chính là ngôi chùa đầu tiên được cho phép lập giới đàn để tuyển chọn tăng tài, nhằm phát huy lực lượng để xiển xương đạo pháp của Đức Phật.

Chùa đã trải qua nhiều bậc danh tăng kế tiếp nhau đèn truyền thuyền nối qua các thời kỳ như: Quốc sư Thảo Đường, Quốc sư Tăng Thống Huệ Sinh, Thiền sư Biện Tài…

Chùa Vạn Niên là ngôi chùa mang kiến trúc đậm chất Phật giáo, trong suốt thời gian tôn tại, ngôi chùa đã gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh cộng đồng, nơi đem lại sự an lạc về tinh thần và giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho các thế hệ kế tiếp.

Chùa nằm tĩnh lặng bên đường Lạc Long Quân, nhìn ra Hồ Tây, tuy quy mô không lớn như nhiều chùa khác nhưng chùa nằm dưới những lùm cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi nên có thể coi đây là tùng lâm cảnh, tăng thêm vẻ đẹp của ngôi chùa cổ và tạo nên sự thanh u, tĩnh lặng nơi chốn Thiền môn.

Trải qua thời gian tồn tại thăng trầm cùng đất nước, với những tác động của thiên tai lũ lụt, sự phá hoại ghê gớm của thời tiết nắng mưa, có những lúc ngôi chùa không được trông nom, không có sư trụ trì làm cho ngôi chùa đã xuống cấp nghiêm trọng, tưởng chừng sắp trở thành phế tích.

Tháng 10 năm 1992, Thượng tọa Thích Viên Thành cùng đệ tử Thích Minh Tuệ được nhân dân xã Xuân La đón về trụ trì chùa và từ đó với tâm nguyện hoằng hóa độ sinh, ngôi cổ tự đã được tu bổ tôn tạo, trung tu trở thành một danh lam thắng cảnh của Thủ đô, một điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của phật tử địa phương và thập phương.

Ngôi chùa đã thực sự được hồi sinh, trở lại cảnh quan vốn có.

Và để tiếp nối theo hạnh nguyện gìn giữ và phát triển chốn Thiền Môn của sư tổ, Đại đức Thích Minh Tuệ - viện chủ chùa Vạn Niên cùng nhà nước và nhân dân đã ngày đêm trông nom và xây dựng, tôn tạo thêm vẻ đẹp cho ngôi cổ tự.

Hôm nay, chùa Vạn Niên lại chính thức làm lễ “An vị tượng Phật Ngọc, khánh thành Điện Phật Ngọc”, một công trình bổ sung vào quần thể di tích để đem lại sự hài hòa và tăng thêm sự uy nghiêm, lộng lẫy chốn Thiền môn.

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa Thượng Thích Thanh Sam, Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, việc an vị và khánh thành điện Phật ngọc chùa Vạn Niên không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh. Bên cạnh đó, đây còn là một công trình có ý nghĩa văn hóa to lớn, mang lại cho quần thể kiến trúc của chùa Vạn Niên thêm đẹp và trang nghiêm.

Trụ trì chùa Vạn Niên, Đại đức Thích Minh Tuệ cho biết, là một người xuất gia nên Thầy muốn làm thật nhiều việc tốt, có ích cho xã hội. Mọi việc Thầy làm đều xuất phát từ tâm của mình, mong sao cho cuộc sống của mọi người được nhiều niềm vui, may mắn, mạnh khỏe và hạnh phúc. Đặc biệt, Thầy mong sao ngôi chùa cổ Vạn Niên được trường tồn mãi mãi với tên gọi “Vạn Niên Tự”.

Buổi lễ thành tựu viên mãn sau khi chư tôn đức TWGHPGVN và đại diện chính quyền làm lễ cắt băng khánh thành và làm lễ dâng hương trong Điện Phật Ngọc.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây