Đến dự buổi lễ có Giáo sư, Anh hùng lao động Đặng Vũ
Khiêu; Ông Hà Văn Núi – Phó chủ tịch UBTW MTTQVN; Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó chủ
tịch UBND TP Hà Nội.
Chùa Diên Phúc là ngôi chùa cổ có tuổi đời nghìn năm nằm
bên dòng sông Thiên Đức nay là sông Đuống thơ mộng.
Trước kia chùa nằm sát sông Đuống, do biến đổi dòng chảy
tự nhiên của con sông, hàng năm chùa thường xuyên bị ngập lụt vì vậy nhân dân
đã di chuyển chùa vào trong đê như vị trí ngày nay.
Chùa được xây dựng theo phong cách thời Lý, phía trước
là cổng Tam quan, tòa nhà Tam bảo, sau là nhà Tổ và nhà thờ Thánh Mẫu.
Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ rất nhiều hiện vật vô
cùng quý giá, đặc biệt là tấm bia có ghi “Chùa là quê của bà Phạm Thị là thân
sinh ra vua Lý Công Uẩn”, đối chiếu với những di vật khảo cổ và nội dung tấm
bia “ Lý gia linh trạch” tại chùa Tiêu Sơn – Bắc Ninh, các nhà khoa học khẳng định
chùa Diên Phúc, làng Thái Đường là di tích gắn liền với sự ra đời và phát triển
vương triều Lý, một vương triều phát triển thịnh vượng trong lịch sử xã hội
phong kiến nước ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược,
Chùa Diên phúc có rất nhiều đóng góp cho công cuộc đấu tranh và xây dựng Tổ quốc.
Sư cụ Đàm Tín trụ trì chùa trong những năm kháng chiến chống Pháp đã trực tiếp
tham gia Việt minh, nuôi giấu cán bộ, là cơ sở hoạt động bí mật của Cách mạng
vùng Đông Ngàn. Nhiều lần bị kẻ thù tra khảo, nhưng sư cụ vẫn một mực trung
kiên bảo vệ các cán bộ đang ẩn nấp trong chùa.
Năm 1992 Chùa Diên Phúc đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ
Văn hóa – Thể thao – Du lịch) cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc
gia.
Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian,
chùa Diên Phúc bị xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết các kết cấu của chùa đều bị
hư hỏng. Sau khi về chùa làm trụ trì, Sư thầy Thích Minh Thịnh đã đem tất cả công
sức của mình để phụng sự đạo pháp, Thầy đã đi khắp nơi để quyên góp xây dựng
chùa.
Với phẩm hạnh của Thầy, nhà chùa được rất nhiều các
đơn vị, cá nhân, Lãnh đạo các cấp ủng hộ, Sư thầy đã tiến hành khởi công xây dựng
và trùng tu lại ngôi chùa cho khang trang, sạch đẹp hơn.
Công trình trùng tu và xây dựng được chia làm hai giai
đoạn, giai đoạn 1 được thực hiện các công trình: Xây dựng điện Tam Bảo; Nhà thơ
chư vị Tổ sư; Nhà thờ Quốc Mẫu; Gác chuông; Lầu Quan âm; Tịnh thất và toàn bộ
tượng Phật. Gia đoạn 2 gồm: Đúc Đại Hồng chung nặng hơn 2 tấn; Đúc tượng Quan
Thế Âm thiên thủ thiên nhãn nặng gần 7 tấn..
Đến nay các công trình này đều đã được thành công viên
mãn.
Đến quang lâm và chứng minh buổi lễ, Thượng tọa Thích
Bảo Nghiêm nói: "Việc chùa Diên phúc được gắn biển là công trình chào mừng
Thăng Long – Hà Nội 1000 năm tuổi là một niềm vui lớn cho Phật giáo Thủ đô có
thêm một điểm son nữa, điều đó khẳng định và chứng tỏ giá trị, vị thế của chùa trong
quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi rất mong các Thầy trụ trì làm tốt công tác
đạo pháp, xây dựng cảnh quan chùa ngày càng đẹp và là nơi cho quý khách thập
phương đến bái Phật và vãn cảnh”
Thượng tọa đã cùng Giáo sư Vũ Khiêu, Phó CT UBND TP
Nguyễn Văn Khôi và các vị quan khách làm lễ cắt băng gắn biển công trình và
khai Đại Hồng chung.
Tiếng chuông ngân trong tiết trời Thủ Đô vang vọng, trầm
bổng bay xa..
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự