Buổi sáng, Thầy Viện chủ cùng Tăng thân đã nghênh đón và tiếp chuyện với Đại sư tại Khách đường Thảnh Thơi trước khi thiền sư có thời pháp cho pháp hội với chủ đề: Thiền tông và thiền trong Kim Cang thừa
10h, hội chúng vào thời pháp thoại, Thầy Viện chủ đã có lời diễn từ chào mừng Đại sư và phái đoàn. Thầy nói: “Đạo Phật tồn tại trên đất nước ta hơn 2000 năm với ba tông phái chính là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội ... của thế giới. Trước trào lưu đó, văn hoá tâm linh hay nói cụ thể hơn là Phật giáo cũng cần có sự giao lưu giữa các tông phái, pháp môn. Pháp của Đức Phật tuy Pháp môn có sai khác song kết quả chỉ có một là giải thoát sinh tử, khổ đau…”. Sau lời diễn từ, Thầy đã có lời thỉnh mời Đại sư đăng tòa thuyết pháp.
Mở đầu bài thuyết pháp, Đại sư gửi lời chúc đến Thầy Viện chủ và hội chúng, Đại sư rất hoan hỷ khi được cùng với hội chúng chia sẻ về Pháp môn Kim Cang thừa và Thiền tông, Ngài nói rằng, "sẻ tận tình chia sẻ những gì Ngài đã tu tập được với hội chúng".
Nói về Phật giáo Tây Tạng và Kim Cang thừa, Ngài giới thiệu Phật giáo xuất hiện ở Tây Tạng vào thế kỷ thứ VII sau khi nó được truyền từ Bắc Ấn đến Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản,…Ngài chia sẻ thêm, mười năm trước khi xây dựng một thiền viện Phật giáo, Ngài đã phát hiện ra một số kinh thư thiền tông có xuất xứ từ thời đại Đôn Hoàng, điều đó chứng tỏ rằng, giáo lí thiền tông đã có mặt ở Tây Tạng trong quá khứ.
Đại sư giảng thêm, theo Phật giáo Tây Tạng, thiền có nghĩa là luân hồi và niết bàn bất khả phân li, nếu hiểu được luân hồi thì sẽ thấy được niết bàn, điều này cũng được dẫn chứng trong kinh Hoa Nghiêm.
Sau khi chia sẻ sơ lược về Phật giáo Tây Tạng và pháp môn Kim Cang thừa, Đại sư đã có đôi lời phân tích về bản tâm thanh tịnh của chư Phật có sẵn trong mỗi chúng ta. Đại sư dạy, bản tâm thanh tịnh của chúng ta vốn rỗng lặng như hư không vậy. Khi chúng ta nhìn vào hư không thì đâu biết giới hạn của hư không, bản tâm của ta cũng như vậy. Và nếu tâm của chúng ta như hư không thì vọng niệm không thể làm thương tổn chúng ta; Ví như có một con dao sắc nhọn chém vào hư không, hư không cũng không bị thương tổn; cũng vậy, vọng niệm cũng không chém được bản tâm của chúng ta. Khi chúng ta nói bản tâm như hư không thì nó đã siêu vượt mọi ngôn từ, chẵng có ngôn từ nào nói rõ được cả, ta chỉ có thể cảm nhận qua sự thực chứng của quá trình tu tập thôi.
Đại sư còn dạy, để thấy được bản tâm mình thì phải thông qua con đường thiền tập, thiền tập theo như lời của Đại sư không phải là cố làm cho được một điều gì đó mà là tập làm quen với bản tâm mình thông qua bài kinh “Quán niệm hơi thở”, từ đó, vọng niệm lắng dịu ta sẽ thấy được bản tâm. Cuối cùng, Ngài nhấn mạnh, bản tâm hay Phật tâm vốn thanh tịnh đã sẵn có trong mỗi chúng sanh.
Đại sư khép lại buổi pháp thoại sau khi Thầy Viện chủ có đôi lời tóm lượt lại bài pháp của Ngài cho hội chứng dễ nắm bắt vì trở ngại trong ngôn ngữ là thứ làm hội chúng khó tiếp nhận trọn ý của Đại sư.
Đầu giờ chiều, trước giờ làm lễ “Ban quán đảnh pháp tu Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn; lễ cầu an, cầu siêu; cầu Quốc thới dân an”, Tăng thân Tu viện đã tác pháp dâng lễ cúng dường và chụp ảnh lưu niệm cùng Đại sư tại Thất Vô Sự.
Với “phép ban quán đảnh pháp tu Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn” cho hội chúng, Đại sư đã nói về công hạnh của Đức Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn và chỉ bày phương tiện cho hội chúng tiếp xúc được với Ngài thông qua phép quán đảnh tịnh hóa thân tâm này.
Sau hơn hai giờ, khóa lễ hoàn mãn, Thầy Viện chủ đã thay mặt hội chúng, có đôi lời niệm ân Đại sư đã có mặt cho Pháp hội hôm nay thành toàn như ý, trong lời phát biểu có đoạn: “Chúng con biết rằng, hàng đệ tử Đức Phật có rất nhều Pháp môn tu, song kết quả đều chung đưa đến giải thoát. Hội chúng hôm nay rất hạnh phúc được trọn một ngày tu tập, được tắm trong giáo pháp thông qua sự giảng dạy, hành trì của Ngài…”.
Sau cùng, Thầy Viện chủ gửi lời chúc sức khỏe đến Đại sư cùng Tăng đoàn. Đáp lại, Đại sư đã có lời cảm ơn đến Thầy Viện chủ cùng tăng thân đã có sự tiếp đón nồng hậu dành cho Ngài cùng Tăng đoàn. Nhân đây, Đại sư cũng ngõ ý mời Thầy Viện chủ sang thăm tu viện của Ngài và hoằng đạo trong thời gian thích hợp. Đại sư cũng đã gửi tặng Thầy viện chủ bức tranh tượng Đức Thích Ca Mâu Ni rồi ra về trong niềm hoan hỷ.
Nguồn tin: PTVN.NET
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự