Trong dòng chảy văn hóa Việt nói chung, Phật giáo nói riêng,
Phật giáo Huế với hệ thống cảnh quan và di sản kiến trúc truyền thống gắn liền
với nghệ thuật tạo hình và diễn xướng... được nhiều chuyên gia thừa nhận mang
những nét rất đặc thù, rất riêng biệt và không nơi nào có được.
Nhưng, nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, “dòng văn
hóa Phật giáo đang chảy trong Huế vẫn chưa được du khách biết đến hay cảm nhận
được hết những gì nó vốn có”. Còn nhà nghiên cứu trẻ Trần Thanh Hoàng cho rằng:
“Các tour du lịch hiện chưa đi đúng vào tiềm năng mà Phật giáo Huế đang có!”...
Vấn đề đưa di sản văn hóa Phật giáo vào khai thác du lịch
như thế nào và cụ thể hơn, đưa khách đến chùa như thế nào, có làm khó nhà
chùa... được nhiều người đặt ra. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lấy dẫn chứng
nhiều chùa nổi tiếng ở Nhật Bản đứng ra tổ chức tour du lịch tâm linh cho du
khách rất thành công và cho rằng chùa Huế cũng nên có những hoạt động tương tự.
Ông Xuân nói: “Phật giáo Huế cũng nên đứng ra tổ chức bài bản các tour, ít nhất
là tour trước, trong và sau lễ Phật đản”.
Ở một góc nhìn khác gần gũi hơn, ông Bửu Ý khẳng định:
“Chùa chiền của Huế là điểm riêng. Điểm mạnh của Huế là món chay. Nếu biết vận
dụng điểm riêng và điểm mạnh đó thì sẽ thành công, và chính món chay rất cần
thiết cho du lịch Huế, vấn đề là đưa món chay vào du lịch như thế nào”.
Theo hòa thượng Thích Hải Ấn, phó ban trị sự Tỉnh hội Phật
giáo Thừa Thiên - Huế, ông đang suy nghĩ làm thế nào để vực dậy một số điểm đến
là chùa ở Huế. Khi đặt vấn đề du lịch và du lịch tâm linh, ông cho rằng nhà tổ
chức các tour cũng cần phải kết hợp với các chùa. “Nếu du khách có nhu cầu sinh
hoạt tâm linh tại chùa thì nên liên hệ với các chùa. Các nơi này sẽ sẵn sàng bố
trí để khách được tham gia các nghi lễ, các buổi tu tập Phật thiền...”, hòa thượng
Thích Hải Ấn nói.
Nguồn tin: Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự