Quang lâm chứng minh lễ khai pháp có HT Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS TWGHPGVN; HT Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng Pháp TWGHPGVN, Trưởng BTSPG tỉnh Hà Tĩnh, Đường chủ trường Hạ Cảm Sơn.
TT Thích Chiếu Tuệ - Phó thư ký Ban Hoằng pháp TWGHPGVN, Trưởng ban Chức sự, Chánh Duy Na Hạ trường; ĐĐ Thích Hạnh Nhẫn - phó Duy Na, cùng toàn thể chư Tăng các huyện, thị trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đã vân tập An cư.
Tham dự lễ Khai pháp có sự hiện diện của ông Đào Văn Hải - phó trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Hà Tĩnh cùng đại diện các ban ngành CA, Dân Vận, Nội Vụ, MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh và thị xã Hà Tĩnh.
Đặc biệt, hơn 2.000 nam nữ Phật tử trong và ngoài tỉnh đã câu hội tham dự đại lễ, tham gia tổ chức, phục vụ và thính pháp An cư.
Sau các nội dung hành chính và nghi lễ tác bạch cầu pháp An cư, đại chúng đã được đón nhận Pháp từ của HT Thích Thiện Nhơn. Đây là một phúc duyên to lớn, hiếm có mà PG Hà Tĩnh nhận được trong mùa Pháp này.
Hòa thượng đã tán thán và ghi nhận những thành tựu to lớn mà BTSPG tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, đó cũng là tiền đề để chào mừng Đại hội Phật giáo tỉnh nhà sẽ diễn ra vào tháng Tám tới đây.
Thuyết giảng về ý nghĩa của truyền thống An cư kiết hạ, Hòa thượng ban pháp nhũ:
“An cư, ngoài ý nghĩa thúc liễm ba môn vô lậu học Giới - Định - Huệ, để thành tựu được ba môn Vô Tham, Vô Sân, Vô Si đồng thời là cơ hội tốt để những người con Phật tại gia và xuất gia phát triển tinh thần quyến thuộc theo lời Phật dạy. Trên năm lĩnh vực gồm :
- Quyến thuộc thứ nhất là Tự tính quyến thuộc: ba tháng an cư giúp cho mọi người trở về với nguồn tâm với tự tánh thanh tịnh sáng suốt sẵn có của mỗi người con Phật, sống tương ưng với thể tánh sáng suốt, tự tâm thanh tịnh góp phần an lạc và giải thoát cho mọi người.
- Quyến thuộc thứ hai là Hành Động quyến thuộc: trong thời gian ba tháng an cư, chư Tăng đã tạo nên cái duyên tu tập tứ thời hay sáu thời tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền, nghe pháp… với nhau dưới sự hướng dẫn của quý thầy và ban giáo thọ trường Hạ cùng với hàng tại gia. Sự tu tập này sẽ giúp chư Tăng thành tựu nhiều hoạt động Phật sự trọn vẹn trên hai ý nghĩa Tu và Học tạo nên phước trí nhị nghiêm.
- Quyến thuộc thứ ba là Thệ nguyện quyến thuộc: Người con Phật dù tại gia hay xuất gia đều là đệ tử của Đức Phật, với tâm nguyện sinh ra mong gặp được ngôi Tam Bảo. Người có đầy đủ duyên lành hơn thì được xuất gia và người chưa đầy đủ duyên lành thì quy y Tam Bảo tại gia. Tất cả đều nguyện đời đời kiếp kiếp được sinh ra là bạn với nhau trong Chánh Pháp. Tất cả mọi ở đây dù ở phương nào nhưng khi đủ duyên lành nên mới gặp nhau ở đây và khi trở về ngôi nhà chung.
Mỗi người tự thân trang nghiêm, tự tâm trang nghiêm thì mới thành tựu được đạo lực. Đạo lực của Tăng Ni đã có đã mạnh thì Phật giáo Việt Nam được trang nghiêm, ngày càng hưng thịnh và phát triển và huy hoàng trong lòng dân tộc.
- Quyến thuộc thứ tư là Tập hợp quyến thuộc: trước mùa an cư mỗi chư Tăng đều có mỗi chùa, đều có nơi trú xứ hành đạo riêng, nhưng vào mùa an cư kiết hạ mọi người đều bỏ lại công việc ở chùa, tập trung về trường Hạ này cấm túc an cư trong ba tháng đó là sự tập hợp sức mạnh tổng hợp của nội tâm, sức mạnh đoàn kết và hòa hợp của chư Tăng, nam nữ Phật tử tại gia cũng vậy.
Qua đó mùa An cư có hai sự tập hợp, đó là của toàn thể chư Tăng và hàng Phật tử tại gia cùng tín chúng, như vậy sự tu học hôm nay trong đó mục tiêu và tâm nguyện hiện tại hướng đến xây dựng đạo pháp được xương minh, tăng già hòa hợp, xã hội được an vui hạnh phúc.
- Quyến thuộc thứ năm là Bồ Đề quyến thuộc: mỗi người con Phật đều có mối quan hệ với sự sáng suốt. Mỗi người đều có trí tuệ Bát Nhã, có tâm Bồ Đề, nếu không có điều kiện để khơi nguồn tuệ giác thắp sáng hiện hữu thì cũng khó mà thể hiện được tác dụng của nó. Trong ba tháng An cư, chúng ta có điều kiện tu tập tụng Kinh, niệm Phật, ngồi thiền, quán tưởng… thì mới thành tựu được Giới và cũng giữ cho tâm hồn được yên tĩnh, thành tựu được Định.
Khi Thân và Tâm được yên tĩnh như vậy thì trí Tuệ vô lậu trong mỗi người sẽ tỏa sáng, đây cũng là cái nhân và cũng là quả. Vì thế, Quyến thuộc Bồ Đề rất là quan trọng. Nhưng nếu chúng ta không tu tập trau dồi thì cũng khó mà thể hiện, dẫu rằng nó có sẵn. Vậy sự tu tập của chúng ta là gạn lọc khơi trong.”
Được biết, Hà Tĩnh là một tỉnh có truyền thống tin sâu Phật pháp từ lâu đời. Trong mấy chục năm trước, do các điều kiện nghịch duyên nên phong trào Phật giáo, các cơ sở tự viện đã bị suy vi, tàn tạ, dường như chỉ còn là cổ tích, phế tích.
Khoảng 10 năm nay, sự hồi sinh đã trở lại trên quê nhà. Nhất là từ khi HT Thích Bảo Nghiêm, được Tam Bảo và Giáo hội ủy thác, phát nguyện tận tâm tận lực, không quản gian lao vất vả, phục hưng lại phong trào. Tới nay, tổ chức, nhân sự, Phật sự của PG Hà Tĩnh đã ổn định và đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng.
Sự thành lập và hoạt động nghiêm trang của trường Hạ Cảm Sơn trong mấy năm qua là một trong những cố gắng và thành tựu lớn của chư Tăng, Phật tử tỉnh nhà.
Năm nay, đã có gần 40 hành giả (16 Tăng sĩ và 20 hình đồng Sa di tòng Tăng) cấm túc an cư tại Hạ trường. Đồng thời sẽ có hàng ngàn lượt cư sĩ Phật tử tham gia nghe giảng giáo pháp, thực tập tu hành và làm công quả, chấp tác phục vụ Hạ trường.
Phattuvietnam.net xin trân trọng giới thiệu 1 số hình ảnh ghi được tại lễ khai pháp an cư trường Hạ Cảm Sơn – Hà Tĩnh, sáng ngày 24/6/2012.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự