Nghĩ về Hòa thượng là nhớ đến một vị Cao tăng uyên thâm khả kính nhưng hết sức dung dị gần gũi. Hình ảnh chiếc quạt nan và đôi dép cao su đã trở thành không phai mờ trong ký ức của mọi người khi nhớ về Ngài, nó quen thuộc đến mức độ trong lưu phòng của Hòa thượng tại chùa Long Sơn cũng không có gì ngoài hai kỷ vật quen thuộc ấy.
Cả cuộc đời Ngài đã sống và hành động vì sự tiến bộ của Tăng Ni. Những năm tháng trước, đời sống của các học đường rất khó khăn, cứ phập phồng theo vấn đề kinh tế, nên không có điều kiện hoạch định cho những kế hoạch lâu dài, thậm chí có trường phải di chuyển địa điểm vì chuyện cơm gạo áo tiền. Hòa thượng quyết định thành lập các cơ sở kinh tế để làm nền tảng ổn định công tác giáo dục Phật giáo, dưới sự chỉ đạo của cố HT. Thích Thiện Minh. Từ cuộc sống thiền môn, vì Tăng Ni, Ngài lại phải lăn lộn vào chốn trần đời. Ngài đã thành công với sự nghiệp kinh tế tự túc trong Phật Học Đường, sau đó hai tổ hợp kinh tế rất mạnh cũng được mở rộng hình thành ở Huế và Sài Gòn. Các hệ thống kinh tài này đã có thể chu cấp kinh tế đời sống cho các Phật học đường từ miền trung đến tây nguyên, nam phần. Trong một lần được trò chuyện với Ngài, người viết đã hỏi làm thế nào mà một người chỉ biết mỗi việc kinh kệ lại có thể đứng ra làm kinh tế mà lại rất thành công, Hòa thượng bảo rất chân tình rằng “có tài ba gì đâu, vì thương anh em thôi. Thấy anh em học hành mà không yên thân, cứ cái ăn cái mặc không có thì làm sao mà học cho nổi, nên cố gắng, quyết tâm, liều mạng mà làm thôi”.
Không những đời sống vật chất, Ngài cũng rất quan tâm đến đời sống tinh thần của Tăng Ni, đặc biệt là vấn đề giới luật phạm hạnh. Trong những năm tháng làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục, Ngài thấy đời sống phạm hạnh của một bộ phận Tăng Ni bị sút kém phần lớn là do ít hiểu biết về giới luật, vì thế Ngài quyết tâm hoàng truyền giới luật. Ngài đã bỏ ra gần hết nửa cuộc đời mình để phiên dịch, chú giải... Luật tạng. Có thể kể ra những dịch phẩm luật quan trọng mà Hoà thượng đã dày công phiên dịch chú giải như luật Tứ phần, Di sa tắc bộ Hòa ê Ngũ phần, Căn bản thuyết nhất thuyết hữu bộ tỳ nại da, Căn bản thuyết nhất thuyết hữu bộ tỳ nại da bí sô ni, Trùng trị tỳ ni, Tỳ kheo giới bổn sớ nghĩa...
Trong những năm cuối đời, dù tuổi cao sức yếu, thân mang trọng bệnh nhưng mỗi mùa an cư, Ngài lại mở lớp giảng dạy về luật cho Tăng Ni tỉnh nhà, và tận tình giảng giải thêm cho bất kỳ ai tại phòng khách của Ngài. Lúc Ngài còn sinh tiền, hình ảnh một Lão tăng say sưa nói về những câu chuyện trong giới kinh giữa những vị Tăng trẻ quay quanh đã trở thành quen thuộc trong đời sống tại chùa Long Sơn mỗi khi chiều về. Ngài bảo nói về Giới Luật là một hạnh phúc cho cả người nghe và người nói, vì thêm một lần nữa như được sống trong bầu không khí phạm hạnh của chính đức Phật và chư Thánh đệ tử thưở nào. Di nguyện sau cùng của Ngài vẫn hướng về Giới Luật, rằng những tịnh tài, tịnh vật của Ngài nếu có hãy dùng nó để in những bộ luật mà Ngài đã dịch để cúng dường Tăng Ni.
Tại buổi lễ tưởng niệm, một lần nữa tiểu sử Ngài được cung tuyên, công trạng
Ngài một lần nữa được nhắc đến để hàng hậu học có thêm một nẻo về cho ý thức
dấn thân phụng đạo theo bước một vị Cao tăng tuy đã xa những vẫn rất gần trong
đời sống tu tập của mọi người.
Đặc biệt là lễ thắp nến nhiễu tháp tưởng niệm vào đêm mồng 9/5 của Tăng Ni sinh các khoá trường TCPHKH. Con đường từ chánh điện chùa Long Sơn lên đến tháp phần của Hòa Thượng được thắp sáng bằng những ngọn nến lung linh, thành kính. Đại chúng bước đi trong tiếng niệm Phật trầm hùng. Trong bóng tối mênh mông của khu rừng, những ngọn nến mong manh chợt lay chợt động như có như không theo cơn gió lao xao đầu hạ thổi về. Ngọn nến như không muốn xua đi bóng tối mà hòa điệu cùng bóng tối để vẽ nên một khung cảnh thiêng liêng, tâm linh, tịch mịch giữa rừng khuya. Tâm của mọi người như được cộng thông với nhau qua tiếng niệm Phật, đưa quá khứ và hiện tại trở về trong một phút giây trầm tưởng.
Nhằm tôn vinh công trạng của Ngài, các thế hệ học trò cố Hòa thượng Luật sư đã thành lập một Quỹ khuyến học lấy tôn hiệu Ngài – Quỹ Khuyến Học Đỗng Minh – từ đúng ngày kỷ niệm này năm ngoái (2011), để tiếp tục con đường đào tạo Tăng Ni mà Hòa thượng đã suốt đời theo đuổi. Tại buổi lễ tưởng niệm, 3 Tăng sinh đầu tiên đạt thành tích xuất sắc trong học tập và có đạo hạnh đã được tuyên dương và trao tặng học bỗng:
- Tăng sinh Thích Tường Thanh, học Tăng khóa V trường TCPHKH, đang học Học Viện PGVN tai TPHCM, khoa Dược ĐH Nguyễn Tất Thành.
- Tăng sinh Thích Nhuận Tú và Tăng sinh Thích Quảng An, đều là học Tăng xuất sắc khóa V, hiện đang học Cử nhân Phật học tại ĐH Hoàng gia Mahajulaloncon, Thái Lan.
Được biết kế hoạch sắp tới của Quỹ là hoạch định và bồi dưỡng nhân tài theo những định hướng cụ thể như báo chí, y tế, giáo dục cộng đồng… nhằm đưa đạo Phật đi vào cuộc đời như sinh tiền Hòa Thượng thường khuyến tấn.
Nước chảy đá mòn cho trăm năm rơi vào tịch mịch vô tri, nhưng con người bằng tạo tác vô biên đã để lại bóng hình trên nẻo về của lịch sử.
Thành kính tri ân và đê đầu bái tạ Giác linh Hòa Thượng.
Một số hình ảnh trong lễ Tưởng niệm:
Hòa Thượng Thích Thiện Bình trao học bổng quỹ khuyến học Đỗng Minh
Hòa Thượng Thích Minh Thông - Trưởng ban điều hành Quỹ học bổng.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự