Hội thảo khoa học về chùa Diên Phúc

Chủ nhật - 11/04/2010 17:45
Ngày 10/4/2010, tại chùa Diên Phúc, huyện Đông Anh, UBND TP Hà Nội đã phối kết hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, THPG Hà Nội, trụ trì chùa Diên Phúc long trọng tổ chức hội thảo: Chùa Diên Phúc với ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu chủ trì hội thảo.

Đến dự buổi hội thảo về phía chính quyền có ông Nguyễn Văn Khôi – Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hoà – Phó Giám đốc sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú; Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ ông Nguyễn Thanh Xuân cũng có mặt tham gia hội thảo. 

Các nhà  nghiên cứu lịch sử có Giáo sư Nguyễn Hải Kế; Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc; Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Hữu Vui 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hoà thượng Thích Đức Nghiệp  – Phó Pháp chủ, kiêm Chánh thư ký HĐCM; Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ  tịch kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TW GHPGVN, Trưởng ban Trị sự THPG Hà Nội; Thượng toạ Thích Gia Quang – Uỷ viên HĐTS kiêm Phó TTK VP1 TWGHPGVN; Thượng toạ Thích Thanh Duệ - Uỷ viên Thư ký HĐTS TW GHPGVN, Trưởng ban Trị sự tỉnh Vĩnh Phúc, Phó viện trưởng HVPG Hà Nội cùng các Tăng – Ni và Phật tử khắp mọi miền cũng đến tham dự hội thảo. 

Mở đầu cho cuộc hội thảo là bài tham luận của Giáo sư  Nguyễn Hải Kế với chủ đề : Ngàn năm không mờ phai dấu ấn thuỷ chung của nhà Lý ở Hoa Lâm, Sông Đuống. 

Điểm qua những cơ sở khoa học trên các văn bia còn lại được lưu giữ tại Chùa Diên phúc; Đình làng Thái Đường và chùa Tiêu tương ở Bắc Ninh; Hai bài thơ của Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Như Giản ở các thế kỷ trước; Kết quả khai quật của các nhà nghiên cứu khảo cổ học tại vùng đất Hoa Lâm – Thái đường cho chúng ta thấy tại vùng đất lịch sử văn hiến phủ Đông Ngàn lâu đời này, không chỉ là thôn Thái Đường, Hoa Lâm, Đông Trù, Đông Ngàn… từ điểm khởi đầu của con sông Thiên Đức và vùng đất thiêng Thiên Đức xưa kia kéo dài đến tận Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay đều mang những dấu ấn lịch, có những con người của lịch sử và những sự kiện của lịch sử. 

Theo sử  sách chép lại, mùa xuân năm 1352 Tôn thất Nhà Lý  về Thái Miếu, Thái Đường làm lễ đã bị  nhà Trần giật bẫy làm sập Thái Miếu chôn sống hơn 70 tôn thất của nhà Lý, sự kiện này được gắn liền với tên của Bãi Sập ngày nay. Hoa Lâm viên là khu rừng mà mỗi khi Vương triều Lý về Thái Miếu nghỉ ngơi trước khi về Quê Cha Đất tổ đã bị thiên tai và con người tàn phá vẫn còn lại trong sử sách và dân gian; Nơi chôn cất các vị Vương triều nhà Lý ở đâu trên vùng đất Hoa Lâm này? 

Cả một vùng Đất thiêng xưa kia và đến tận bây giờ  nó vẫn là một vùng đất đầy bí ẩn mà  chúng ta cần phải làm rõ nhiều vấn đề, trong đó chùa Diên Phúc và Đình Thái Đường là  một trong những dấu tích còn lại. 

Với tư  cách là người trụ trì chùa Diên Phúc, sư  thầy Thích Minh Thịnh được nhân dân trên địa bàn xã Mai Lâm và các Phật tử gần xa coi như  người có công sức to lớn nhất trong việc giữ  gìn, khôi phục và phát huy những giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật văn hoá, tín ngưỡng của ngôi chùa. Trong bài tham luận có tựa đề : Chùa Diên phúc Lịch sử và Hiện đại  có nêu rõ: 

Chùa Diên phúc là một trong những điểm nhấn quan trọng trong quần thể các di tích lịch sử của kinh thành Thăng Long xưa và Hà nội ngày nay, Là một trong những di tích được đồng hành cùng Thủ đô và nhân dân cả nước đón chào Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. 

Trên nền của dấu ấn lịch sử xưa kia, chùa Diên Phúc có  kiến trúc độc đáo, mang phong cách của thời Lý, một triều đại trải qua tám vị vua anh minh, triều đại có Phật giáo được phát triển hương thịnh trở thành Quốc giáo. Không thể không nhắc đến những vị cao tăng như Vạn Hạnh, Không Lộ, Mãn Giác…đều là những con người tiêu biểu cho nhân cách trong mọi thời đại. 

Ngoài các gian chính điện thờ Phật, trong nhà Mẫu cũng là nơi đặt bài vị thờ bà Phạm Thị Ngà là mẹ của vua Lý Công Uẩn, bà vốn là một người con gái của vùng đất Hoa Lâm nằm bên cạnh con sông Thiên Đức hiền hoà, người đã sinh ra một vị vua anh minh và cả một vương triều nhà Lý thịnh trị trong suốt hơn 200 năm. 

Trải qua năm tháng, ngôi chùa đã bị xuống cấp do thiên nhiên tàn phá, do chiến tranh loạn lạc và do cả  ý thức của con người, đến nay dươic bàn tay chăm sóc, phụng sự đạo pháp của Sư thầy Thích Minh Thịnh, phật tử gần xa được đến bái Phật và chiêm ngưỡng cảnh chùa trong không gian vô cùng đẹp đẽ. Hiện nay, nhà chùa đang hoàn thiện các công trình như Lầu Quan âm, nhà Tổ…Đặc biệt, được sự cho phép của TW Giáo hội, các cấp chính quyền và một điều quan trọng nữa đó là Duyên lành đã hội đủ, nhà chùa nhận được nhiều sự đóng góp công đức của tất cảc các quý Phật tử gần xa đã long trọng tổ chức lễ Đúc tượng Phật Quan âm Thiên thủ Thiên nhãn và Đại Hồng chung cầu nguyện cho Quốc thái Dân an, hoà bình thế giới, chúng sinh an lạc. 

Như lời của Giáo sư, Tiến sỹ, NGND Nguyễn Hữu Vui trong bản tham luận của mình ông viết: “ Tôi hoàn toàn tán thành với nhận định khoa học của các nhà nghiên cứu riêng về chùa Diên Phúc – một trong những ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo thời Lý, là nơi không chỉ thực hiện chức năng tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn là nơi bảo tồn, truyền bá những giá trị văn hoá lâu đời, tốt đẹp của Dân tộc, nơi giáo dục nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết, nhân ái không chỉ cộng đồng làng xã Thái Bình mà cả cộng đồng Thủ đô Hà Nội và trên khắp mọi miền Tổ quốc”.


























Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây