Phật giáo Tiền Giang bồi dưỡng trụ trì

Thứ tư - 16/06/2010 06:39
Vào lúc 8 giờ ngày 14 tháng 6 năm 2010, tại Văn phòng Ban Trị sự - chùa Vĩnh Tràng, Tp. Mỹ Tho, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang long trọng khai giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì và hành chánh Giáo hội năm 2010.

Đến chứng minh và tham dự có HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; HT. Thích Thiện Pháp – Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội; TT. Thích Huệ Minh - Ủy viên HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang, chư Tôn giáo phẩm Tăng Ni, quy Cư sĩ trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang, Ban Đại diện Phật giáo huyện, thị, thành; 480 chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì, quý Phật tử ban Hộ tự các Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường trong toàn tỉnh, gần 300 Tăng Ni và hàng trăm Phật tử tham dự.

Buổi lễ hân hạnh đón tiếp ông Tống Văn Bé Hai – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Tiền Giang; ông Trương Hoàng Trung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh Tiền Giang; quý ông, bà đại diện các Sở, Ban ngành tỉnh Tiền Giang, các huyện, thị, thành.

Được biết, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang là một trong các Tỉnh, Thành hội thường xuyên tổ chức Khóa Bồi dưỡng trụ trì và hành chánh Giáo hội cho chư Tôn đức Tăng Ni, Cư sĩ các Ban Đại diện Phật giáo huyện, thành phố; chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì và quý Cư sĩ các Ban Hộ tự. Mục đích của khóa học là nâng cao trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ của vị trụ trì trong việc hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tại trú xứ tu học đúng theo Chánh pháp, đúng theo những quy định của Hiến chương Giáo hội, Nội quy các Ban, Viện Trung ương, các Quy chế do Trung ương Giáo hội ban hành, Nghị quyết của các cấp Giáo hội; đồng thời am hiểu tường tận việc quản lý hành chánh Giáo hội. Muốn thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý, tổ chức Giáo hội tại địa phương và để cho các hoạt động của Tự, Viện ổn định, phát triển, việc tổ chức chất khóa học là điều kiện cần thiết.

TT. Thích Huệ Minh – UV. HĐTS, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang phát biểu khai mạc:  “Khóa Bồi dưỡng trụ trì và nghiệp vụ hành chánh năm 2010, Ban Trị sự tin tưởng chư Tôn đức trụ trì sẽ nắm vững hơn những vấn đề chủ yếu trong quản lý và điều hành Tự, Viện, hiểu được vị trí, vai trò của vị trụ trì trong quan hệ đối nội và đối ngoại; mặt khác thông qua khóa học sẽ nâng cao trình độ về quản lý hành chánh Giáo hội cho các Ban Đại diện Phật giáo huyện, thị, thành cũng như am hiểu thêm về những quy định của pháp luật Nhà nước có liên quan đến hoạt động tôn giáo.

Các nội dung được triển khai tại khóa học như triển khai các văn kiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hướng dẫn kiến thức quản lý hành chánh Giáo hội và soan thảo văn bản, những vấn đề liên quan đến Giới luật, chia sẻ kinh nghiệm quản lý, điều hành Tự, Viện của các bậc thạch trụ thiền gia và nhiều nội dung quan trọng khác”.

Ông Trương Hoàng Trung – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Tiền Giang phát biểu: “Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các tôn giáo hoạt động, trong đó có Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang. Trong thời gian vừa qua, Ban Trị sự đã triển khai, thực hiện nhiều công tác Phật sự quan trọng và đều đạt thành tựu tốt đẹp. Từ đó các Tự, Viện, Tăng Ni, Phật tử tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, điều hành của Ban Trị sự. Hôm nay, Ban Trị sự tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì và hành chánh Giáo hội cho các Ban Đại diện Phật giáo, trụ trì Tự, Viện và Ban Hộ tự là hết sức cần thiết. Chỉ có học tập và quán triệt lời Phật dạy, tuân thủ những quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước là tiền đề để các Phật sự được hoàn thành mỹ mãn”.

Trong lời đạo từ, HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN phát biểu: “Nhìn vào những thành quả đạt được mà các thành viên Giáo hội nỗ lực xây dựng và phát triển Giáo hội, chúng ta có thể khẳng định rằng sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam, hình hành Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một sự tất yếu khách quan. Để việc quản lý, điều hành, chấp hành được thực hiện và có hiệu quả theo quan niệm điều khiển học, sự tác động tích cực vào các quan hệ, hành vi ứng xử của các thành viên Giáo hội, Giáo hội địa phương, Tăng Ni trụ trì, Phật tử vừa am tường lời dạy của Đức Phật, vừa tuân thủ nguyên tắc quản lý của Giáo hội, vừa chấp hành tốt pháp luật trong các hoạt động Phật sự tại địa phương, tại Tự, Viện.

Theo lời HT. Thích Thiện Nhơn, Giáo hội địa phương và Tự, Viện muốn đạt đến đỉnh cao của sự phát triển cần phải thực hiện trọn ven 06 nguyên tắc trong quản lý:

1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là người lãnh đạo, quản lý duy nhất:

Các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam đã hợp nhất thành một tổ chức Giáo hội duy nhất – Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, chỉ có Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới có đầy đủ tư cách pháp nhân để thực hiện các công tác đối nội và đối ngoại.

Từ khi thành lập (1981) đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển, hoàn thiện bộ máy Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Thực tế chỉ ra rằng, sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Namlà hạt nhân thực hiện thắng lợi sự nghiệp thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Bằng những hình thức và phương pháp hoạt động của mình, Giáo hội Phật giáo Việt Nam giưc vai trò quyết định đối với việc xác định chủ trương, đường lối, phương hướng hoạt động của Giáo hội trên mọi lĩnh vực ở tầm vĩ mô lẫn vi mô.

2. Các thành viên Giáo hội tham gia vào quản lý hành chánh Giáo hội:

Với bản chất dân chủ sâu sắc, nguyên tắc quyền lực thuộc về tập thể được Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Giáo hội Phật giáo Việt Nam do các tổ chức, hệ phái Phật giáo Việt Nam tự nguyện tổ chức và thành lập để thực hiện quyền uy của mình thông qua một chủ thể duy nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam để hoằng dương Phật pháp, lợi đạo ích đời.

Nguyên tắc các thành viên Giáo hội tham gia vào việc quản lý hành chánh Giáo hội là nguyên tắc rất quan trọng và khoa học. Bởi vì nguyên tắc này khẳng định vai trò, vị trí của các thành viên Giáo hội trong quan lý hành chánh Giáo hội “thành viên Giáo hội là gốc của quyền uy Giáo hội”. Nguyên tắc này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nữa, đó là xác định những nhiệm vụ mà Giáo hội phải thực hiện trong việc đảm bảo những điều kiện cơ bản để các thành viên Giáo hội tham gia quản lý Giáo hội.

3. Nguyên tắc tập trung - dân chủ:

Nguyên tắc tập trung – dân chủ bao hàm sự kết hợp giữa hai yếu tố tập trung và dân chủ, tức là yếu tố đảm bảo mở rộng dân chủ dưới sự lãnh đạo tập trung của Giáo hội. Tập trung là thâu tóm quyền uy vào Giáo hội để điều hành, chỉ đạo việc thực hiện Hiến chương GHPGVN, Nội quy các Ban, Viện Trung ương, các Quy chế do Giáo hội ban hành, Nghị quyết các cấp Giáo hội. Dân chủ là việc mở rộng quyền cho các thành viên Giáo hội phát huy trí huệ, khả năng của các thành viên Giáo hội trong quá trình hoạt động Phật sự.

Nguyên tắc tập trung – dân chủ được biểu hiện qua một số điểm sau: Sự phục tùng của cơ quan hành chánh Giáo hội đối với cơ quan quyền lực Giáo hội, sự phục tùng của địa phương đối với Trung ương, cấp dưới đối với cấp trên và sự phân cấp quản lý.

4. Nguyên tắc đoàn kết hòa hợp:

Từ ngày thành lập cho đến nay, các tổ chức, hệ phái trong ngôi chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kế thừa những thành quả của lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là phát huy có hiệu quả nguyên tắc đoàn kết hòa hợp để cùng nhau viết nên trang sử vàng mới của Phật giáo Việt Nam.

Chính nguyên tắc đoàn kết hòa hợp tạo nên sức mạnh tổng lực trong việc hoạch định các hoạt động Phật sự ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, thực hiện có hiệu quả tiêu chí “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức”, “thống nhất trong đa dạng và đồng thuận các Phật sự”.

Có thể nói các quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm; bình đẳng trong tu học của các thành viên và cơ cấu nhân sự hợp lý vào bộ máy Giáo hội các cấp đối với các thành viên; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên phát triển đồng bộ về mọi phương diện; các truyền thống, pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chánh pháp của các tổ chức, hệ phái thành viên Giáo hội luôn được các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương tôn trọng, duy trì, quan tâm hỗ trợ về mọi mặt từ vật chất đến tinh thần. Từ đó tạo nên sự đoàn kết hòa hợp trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

5. Nguyên tắc quyền lực thuộc về tập thể:

Nguyên tắc quyền lực thuộc về tập thể của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được chứng minh qua các Hội nghị Sơ kết, Tổng kết hàng năm, Đại hội kết thúc nhiệm kỳ. Như vậy các hoạt động Phật sự của từng năm, từng nhiệm kỳ đều được các tổ chức, hệ phái thành viên Giáo hội biểu quyết thông qua và nó được triển khai bằng nghị quyết, chương trình hoạt động Phật sự. Điều này có nghĩa các hoạt động Phật sự đều mang dấu ấn của tập thể, các quyền và lợi ích hợp pháp, nguyện vọng, tâm tư v.v… của các thành viên được cân nhắc cẩn trọng, chỉ được triển khai thực hiện khi tập thể thành viên Giáo hội nhất trí thông qua.

Chính nguyên tắc quyền lực thuộc về tập thể đã tạo nên ý chí của Giáo hội, đã trao quyền lực cho từng cơ quan và cá nhân để bảo hộ các quyền và nghĩa vụ của các thành viên Giáo hội, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử thuộc các tổ chức, hệ phái thành viên Giáo hội thực hiện quyền lực của tập thể thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Do đó, các tổ chức, hệ phái thành viên Giáo hội đều phát triển đồng bộ trên mọi mặt từ vật chất đến tinh thần để cùng nhau chung lo Phật sự. Như vậy, các thành viên Giáo hội, Tăng Ni, Phật tử thuộc các tổ chức, hệ phái sử dụng chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của mình thông qua quyền uy của các cấp Giáo hội; phục tùng Giáo hội các cấp tức là phục tùng tổ chức, hệ phái của mình; chấp hành ý chí của Giáo hội tức là chấp hành ý chí của tổ chức, hệ phái mình là thành viên.

6. Tuân thủ nguyên tắc của tổ chức Giáo hội:

Trong quản lý, sử dụng quy phạm Giáo hội với tính chất là một phương tiện quan trọng để đảm bảo sự phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành các hoạt động Phật sự, các Tăng Ni, Phật tử phải phục tùng và chấp hành trong thừa hành nhiệm vụ được giao. Do vậy nguyên tắc của tổ chức Giáo hội phải được các cơ quan Giáo hội, các địa phương và cá nhân cán bộ Giáo hội tuân thủ tuyệt đối, trở thành một nguyên tắc trọng yếu trong tổ chức và hoạt động của toàn hệ thống Giáo hội".

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây