Ban Kiểm soát và Ban Pháp chế Trung ương tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022

Thứ bảy - 09/07/2022 22:56
GNO - Sáng nay, 9-7, tại Hội trường Văn phòng II Trung ương Giáo hội (Thiền viện Quảng Đức, quận 3, TP.HCM) đã diễn ra Hội nghị tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 của Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN.
Chư vị giáo phẩm chứng minh, chủ tọa hội nghị
Chư vị giáo phẩm chứng minh, chủ tọa hội nghị
Chứng minh hội nghị có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương; chư vị giáo phẩm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Hòa thượng Thích Giác Toàn, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Khế Chơn, Hòa thượng Thích Thiện Thống, Hòa thượng Thạch Sok Xane; Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương Giáo hội; Hòa thượng Thích Huệ Minh, Trưởng ban Nghi lễ Trung ương; Hòa thượng Thích Thanh Hùng, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương cùng chư tôn đức Văn phòng II Trung ương, thành viên Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát.
 
Đại diện các cơ quan, lãnh đạo TP.HCM có ông Thạch Nghi Xuân, Phó Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo thuộc Ủy ban MTTQVN TP.HCM.

Phát biểu khai mạc Hòa Thượng Thích Huệ Trí, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương cho biết Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát Trung ương phối hợp tổ chức hội nghị cuối nhiệm kỳ VIII (2017-2022), để cùng nhìn lại, và đánh giá những hoạt động Phật sự đã thực hiện, từ đó làm nền tảng căn bản cho phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ mới sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ được tổ chức vào tháng 11-2022 tại Thủ đô Hà Nội.

Với chức năng chuyên ngành, Ban Kiểm soát Trung ương có nhiệm vụ giám sát và phản biện đối với chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội, cơ chế làm việc của bộ máy Giáo hội các cấp từ Trung ương đến địa phương, các ban chuyên môn. Kiểm soát các hoạt động Phật sự một cách khách quan, trung thực, tường tận. Vì vậy, lúc nhận nhiệm vụ và ra mắt nhân sự, Ban Kiểm soát Trung ương đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trao tặng tấm biển vàng với nội dung “Kiểm soát tinh tường”.

Ban Pháp chế là bộ phận tham mưu cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Văn phòng Trung ương Giáo hội trong công tác giải quyết các vấn đề khiếu nại, khiếu tố liên quan đến Tăng Ni, tự viện. Ban tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các sự vụ liên quan tới khiếu tố khiếu nại dựa trên cơ sở Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, phối hợp với các cơ quan chức năng liên đới xem xét để cùng tháo gỡ những vướng mắc, tồn đọng liên quan tới Tăng Ni, tự viện một cách thấu tình đạt lý, nghiêm túc minh bạch theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các quy định hiện hành một cách hữu hiệu. Vì vậy, lúc nhận nhiệm vụ và ra mắt nhân sự, Ban Pháp chế Trung ương được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trao tặng tấm biển vàng với nội dung “Pháp chế nghiêm minh”.

Trên tinh thần trách nhiệm được giao, Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát Trung ương đã phối hợp nhịp nhàng với Ban Tăng sự Trung ương, Văn phòng Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố để có những giải quyết và đóng góp ý kiến một cách kịp thời trong tinh thần thống nhất ý chí và hành động, kỷ cương và dân chủ.

Báo cáo tổng kết công tác Phật sự của Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát Trung ương nhiệm kỳ 2017-2022, Thượng tọa Thích Đạt Đức, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Pháp chế Trung ương thay mặt chư tôn đức trình bày cho biết Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát Trung ương GHPGVN được thành lập tại Đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012-2017.

Theo đó, báo cáo điểm lại cơ cấu cấu và số lượng nhân sự cả ban cùng quy chế hoạt động khóa VIII được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y, đứng đầu Ban Pháp chế là Hòa thượng Thích Huệ Trí, Trưởng ban Kiểm soát Trung ương là Hòa thượng Thích Thiện Tánh.

Trong 5 năm qua, hai ban đều có tổ chức nhiều hội nghị, phiên họp chuyên ngành nhằm triển khai Phật sự được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự giao phó, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuyên môn, tham mưu cho Giáo hội các cấp trong chức năng của mình, góp phần vào việc ổn định, hội nhập và phát triển của Giáo hội, giải quyết các vấn đề phát sinh phù hợp với yêu cầu của thời đại.

Thông tin của Hòa thượng Thích Huệ Trí cho biết tại hội nghị, trong nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Pháp chế Trung ương đã giải quyết gần 700/715 hồ sơ khiếu kiện, khiếu nại, đơn xin cứu xét của Tăng Ni, Phật tử gửi về.

Bên cạnh đó, cả hai ban đều tích cực tham dự các hoạt động của Giáo hội; Tham gia các sự kiện lớn, lắng nghe và giúp các Ban Pháp chế, Kiểm soát ở các địa phương tháo gỡ những khó khăn; đóng góp tịnh tài ủng hộ cho quỹ “Vì Trường Sa thân yêu", cũng như công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 theo lời kêu gọi của Giáo hội.

Hội nghị cũng đã dành thời gian để lắng nghe các ý kiến, phản ánh trong tinh thần xây dựng của chư tôn đức, các thành viên của cả hai ban, về những bất cập trong hoạt động chuyên môn, mong muốn được tháo gỡ, giải quyết triệt để trong nhiệm kỳ tới.

Ban đạo từ và chỉ đạo tại hội nghị, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đánh giá cao việc Ban Pháp chế Trung ương đã giải quyết gần 700 hồ sơ khiếu kiện, khiếu nại gửi về Giáo hội; đồng thời tán thán sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Ban Pháp chế và Ban Kiểm soát trong các hoạt động, cùng với các ban ngành, viện khác đem lại sự ổn định cho Giáo hội trong nhiệm kỳ qua.

Về Ban Kiểm soát Trung ương, Hòa thượng Chủ tịch nhận định Ban đã có trách nhiệm trong nhiệm vụ của mình là đánh giá hoạt động của GHPGVN, hoạt động Phật sự của các tỉnh thành, đồng thời kiểm soát tài chánh thu chi các Văn phòng thuộc Trung ương Giáo hội một cách tinh tường và rõ ràng.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc hội họp khó khăn, Hòa thượng Trưởng ban Kiểm soát vì sức khỏe, thường vắng mặt trong các phiên họp gần đây của Giáo hội. Dịp này, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã chỉ đạo hướng hoạt động của cả hai ban trong nhiệm kỳ sắp tới 2022-2027.

Nhằm ghi nhận những đóng góp trong công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đã trao tặng 34 Bằng tuyên dương công đức, 57 Bằng công đức đến các thành viên Ban Pháp chế Trung ương; 29 Bằng tuyên dương công đức và 53 Bằng công đức đến các thành viên Ban Kiểm soát Trung ương.
Nguồn: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây