Tối 14/5, một ngư dân là ông Phan Văn Thái (49 tuổi, ngụ xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, Bến tre) thả lưới trên sông Cổ Chiên (thuộc xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) thì con cá lạ mắc lưới. Ông cùng nhiều người vất vả phối hợp mới kéo được cá lên và đưa con cá về nhà.
Con cá có màu đen, dài khoảng 2,2m, ước trọng lượng khoảng 150kg nhưng chẳng ai biết là cá gì. Nhiều người cho rằng đây là cá heo nước ngọt; một số người dân khác gọi là cá nược Nam Hải hay cá heo chuột.
Đến ngày 15/5 có đoàn cán bộ thuộc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp đến gặp gia đình ông Thái để xác định loại cá gì và bày tỏ mong muốn đưa cá về nghiên cứu nhưng ông Thái chưa đồng ý.
Dư luận cho rằng nếu con cá ông Thái bắt được là cá heo chuột thì là loài cực kỳ quý hiếm.
Liên quan đến sự việc, báo Thanh Niên đưa tin, thạc sĩ Vũ Long, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học và Loài nguy cấp (CBES), khẳng định đó chính là cá nược Minh Hải, loài tưởng đã tuyệt chủng ở Việt Nam.
Cá nược (Orcaella brevirostris) là một loài động vật có vú thuộc họ Cá heo biển Delphinidae, sống ven bờ biển và cửa sông trong khu vực Đông Nam Á, được tìm thấy trên sông Irrawaddy tại Myanmar, sông Mahakam ở Indonesia, và sông Mekong tại Campuchia cũng như Việt Nam. Một số tài liệu gọi theo tên dịch từ tiếng Anh là cá heo Irrawaddy. Tuy nhiên loài này có mặt ở Việt Nam và được định danh là cá nược hoặc cá nược Minh Hải. Hiện loài cá heo này đang ở mức đe dọa bị tuyệt chủng.
Thạc sĩ Long cho biết, cá lạ mà ngư dân bắt được trên sông Cổ Chiên là cá nược Minh Hải. (Ảnh: Thanh Niên)
Thạc sĩ Long cho biết: “Trong vòng 30 năm trở lại đây, giới chuyên môn trước đó không còn ghi nhận được trường hợp phát hiện cá nược ở Việt Nam. Tôi đánh giá việc tìm thấy cá nược ở sông Cổ Chiên là thông tin rất quan trọng, chấn động, cần có một đợt nghiên cứu, khảo sát sâu rộng. Loài này tưởng đã tuyệt chủng ở Việt Nam”.
Con cá nược được ngư dân tìm thấy trên sông Cổ Chiên là cá cái, đã già và răng đã rụng hết.
Đồng thời, đến khuya 15/5, ông Long đã cùng đồng nghiệp và cán bộ xã Phú Phụng đã cố gắng thuyết phục ngư dân bàn giao cá nược (đã chết), tuy nhiên, ông Thái vẫn khẳng định muốn bán cá nược.
Cá nược tìm thấy ở Cổ Chiên là cá cái, đã già, răng rụng hết. (Ảnh: Thanh Niên)
“Chúng tôi không thể bỏ tiền ra để mua cá nược được, dù là để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Hành vi đó bị cấm, bị xử lý hình sự. Chúng tôi cũng lo là bản thân ngư dân cũng chưa ý thức được điều này.
Cá nược được bảo vệ trong Công ước CITES, không được phép mua bán, trao đổi dưới bất kỳ hình thức nào. Để hỗ trợ cho ngư dân, chúng tôi chỉ có thể bù một chút gọi là tiền xăng dầu, ngư cụ mà thôi”, thạc sĩ Long chia sẻ.
Hiện, thạc sĩ Long chỉ có thể lấy 2 mẫu DNA, đồng thời báo cáo Tổng cục Thủy sản, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học về thông tin phát hiện cá nược trên sông Cổ Chiên.
Nguồn tin: Thanhnien.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự