Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, thời gian qua việc tổ chức lễ tang đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn không ít hạn chế như sử dụng nhạc tang âm thanh lớn, nhiều trường hợp rải vàng mã, rải tiền khi đưa tang, thời gian quàn ướp thi hài kéo dài, vượt xa so với quy định (không quá 48 giờ đối với người chết do nguyên nhân thông thường)…
Qua đó, các đại biểu thống nhất cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân không sử dụng nhạc tang lớn, không thực hiện các hủ tục mê tín dị đoan; hạn chế tối đa việc rải, rắc vàng mã tiến đến chấm dứt sử dụng vàng mã trong tang lễ; không rải tiền Việt Nam hay tiền nước ngoài trên đường đưa tang; vận động thân nhân người quá cố không đốt các loại vàng mã đắt tiền mà nên dùng tiền đó để làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo khổ; phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện hỏa táng vì đây là hình thức táng rất văn minh và phù hợp với thực tế.
Các đại biểu nhấn mạnh, cần vận động gia đình có người qua đời tăng cường các biện pháp bảo quản thi hài, không để phát sinh vi khuẩn truyền bệnh, hoặc gây ô nhiễm môi trường; mặt khác cần xây thêm nhà tang lễ để phục vụ nhu cầu tổ chức lễ tang của đông đảo các tầng lớp nhân dân, đồng thời gia đình cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong lễ tang…