Quang lâm chứng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Thanh Đạt - Ủy viên Thư ký HĐTS, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học Viện, Đường chủ Hạ trường Sóc Thiên Vương tự; HT.Thích Thanh Phúc - Giáo thọ sư Học viên, Giám luật Hạ trường Sóc Thiên Vương tự; TT.Thích thanh Quyết - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Giáo dục Tăn Phật Giáo TƯ, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Chánh Duy na Hạ trường Sóc Thiên Vương tự cùng quý Thầy Cô phụ trách Văn phòng Học viện; quý Tăng Ni sinh cũng đồng tham dự buổi lễ.
“Khuê Vân Các” tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, với truyền thống hiếu học của dân tộc ta, đây là một công trình nổi tiếng đề cao học vấn văn chương, thơ phú. Với ý nghĩa to lớn của Khuê Vân Các đối với dân tộc, đất nước và nhất là đối với nền giáo dục nước nhà, nên chư Tôn đức lãnh đạo Hội đồng điều hành Học viện đã quyết định xây dựng công trình “Khuê Vân Các” tại khuôn viên Học Viện, nhằm mục đích đề cao sự tu học, quá trình đào tạo Tăng tài. Qua đó cũng nhắc nhở, khuyến tấn Tăng Ni sinh đang theo học ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội phải không ngừng nỗ lực cố gắng hành trì, tu học, trau dồi “Giới Định Tuệ” để nâng cao kiến thức Phật học trên con đường tìm cầu giác ngộ, giải thoát.
Khuê Vân Các tại Học viện có kiến trúc diện tích nhỏ, dạng lầu cổ, tầng dưới được xây dựng với bốn cột vuông to để nâng đỡ gác hai, tầng gác bên trên là những kết cấu bằng gỗ, bốn góc có hàng gỗ lan can tiện, mái ngói được nâng bởi những giá gỗ đơn giản, vững chắc mà thanh thoát. Bốn mặt bịt ván gỗ và đều có một cửa tròn nên rất thông thoáng, tạo không gian thỏa mái tự nhiên và có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Khuê Vân Các là biểu tượng thể hiện tầm nhìn về giáo dục và mang đậm tinh thần khuyến học của đất nước.
Cũng nhân sự kiện này, chư Tôn đức đã làm lễ Nhập trạch tòa Giảng đường Viên Quang với 18 phòng học, nhà thiền đường, thư viện kinh sách công nghệ số, các trang thiết bị hiện đại nhất. Với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 9 năm 2019. Nguồn kinh phí xây dựng công trình là từ xã hội hóa và chủ yếu do tổ đình Phúc Khánh công đức, cùng sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cúng dàng xây dựng. Mục đích giúp cho Học viện và Giáo hội thuận tiện trong việc đào tạo Tăng tài.
Trong buổi lễ, chư Tôn đức đã nguyện cầu cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, cuộc sống ấm no hạnh phúc, Phật giáo phát triển trường tồn và luôn đồng hành cùng dân tộc. Cùng cầu nguyện tòa Giảng đường “Viên Quang” của Học viện sớm được thành tựu viên mãn, kịp đưa vào sử dụng đúng thời gian dự kiến.