Phát biểu tại lễ khai hội, ông Lê Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Thành nhấn mạnh: lễ hội đền chùa Gám là một trong những sinh hoạt văn hóa tâm linh và là lễ hội có nhiều nét độc đáo.
Màn trống tế thỉnh Phật, chư vị anh linh
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành và tấm lòng hảo tâm của du khách xa gần, quần thể di tích đền - chùa Gám ngày càng được quy hoạch cơ bản và được trùng tu, xây dựng khang trang hơn, đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân địa phương, phục vụ du khách đến hành hương, chiêm bái.
Lễ khai mạc diễn ra với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ca ngợi Đức Thế Tôn, vẻ đẹp quê hương, đất nước, mang đậm nét văn hóa truyền thống - đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách thập phương.
Ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành đánh trống khai hội
Lễ hội đền - chùa Gám năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 17-3 đến hết ngày 19-3 (12 đến 14-2-Kỷ Hợi) với nhiều hoạt động lễ hội đặc sắc: lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước thần, lễ đại tế, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, đập niêu, cờ người...), thi đấu thể thao, biểu diễn tuồng, chèo cổ...
Lễ rước kiệu ngựa từ đền - chùa Gám lên đền Rú Gám và trở về với sự tham gia của hàng nghìn du khách là điểm nhấn quan trọng của lễ hội.
Để mọi người dân, du khách về dự lễ được đảm bao an toàn, tiết kiệm, ban tổ chức đã tăng cường lực lượng an ninh trật tự, điều tiết, hướng dẫn xe ra vào đúng nơi quy định.
Chùa Gám (chùa Chí Linh) đã phối hợp cùng UBND xã Xuân Thành kiên quyết dẹp bỏ các tệ nạn cờ bạc trá hình, chèo kéo du khách, làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Dịp này nhà chùa cũng tổ chức lễ quy y cho hàng nghìn thiện nam, tín nữ, tổ chức cầu an, cầu siêu… và chuẩn bị 20.000 suất cơm chay phục vụ Phật tử, du khách.
Đây là năm đầu tiên lễ hội đền chùa Gám được tổ chức với quy mô cấp huyện, trước đó Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An đã đưa lễ hội đền chùa Gám vào lễ hội quy mô cấp tỉnh.
Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao diễn ra sôi nổi trong 3 ngày qua
Được biết, đền - chùa Gám là một quần thể cổ kính, linh thiêng, có kiến trúc đẹp, độc đáo, với những nét chạm khắc tinh xảo, thể hiện sự khéo léo, tinh tế, cùng khát vọng và lòng tôn kính của người xưa đối với Đức Phật, các vị thần và các bậc tiền nhân.
Đền Gám được xây dựng từ thời nhà Trần để thờ các vị thần có công bảo quốc hộ dân như Cao Sơn, Cao Các, Sát hải Đại vương Hoàng Tá Thốn, Uy minh vương Lý Nhật Quang, Tứ vị thánh nương và Lý Thiên Cương.
Chùa Gám là công trình kiến trúc tôn giáo, được nhân dân xây dựng để thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và chư vị Bồ-tát. Cụm di tích đền - chùa Gám đã được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2007. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, đền - chùa Gám thu hút gần 20 vạn lượt khách đến dâng hương, vãn cảnh, chiêm bái và lễ Phật.