Không phải vì cảnh sắc nơi đây đẹp như chốn “bồng lai tiên cảnh” mà vì đây là địa phương có nhiều người sống thọ hơn 100 tuổi. Có nhiều cụ già râu tóc bạc trắng, da dẻ hồng hào mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn lạ thường.
Chuyện rêu đá ở “thung lũng tiên”
Ở giữa nơi rừng núi trùng điệp, khi mà việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân quanh năm vất vả, bữa cơm hàng ngày chỉ biết đến rau rừng, ốc suối, vậy mà không ngờ lại có nhiều người sống qua ngưỡng tuổi Giời đến vậy!
Để đến được nơi được mệnh danh là “thung lũng tiên” này, phải vượt qua những con dốc dài hun hút, uốn lượn cheo leo men sườn núi, rồi lại thả mình trôi theo những dốc sâu thăm thẳm. Nơi xa xôi nhất của huyện miền núi Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ).
Theo địa lý, vùng đất này nằm giáp ranh với huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), một bên gối đầu lên huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), là nơi tận cùng của rừng quốc gia Xuân Sơn. Khí hậu nơi đây có phần khắc nghiệt hơn những địa phương trong tỉnh, mùa đông có năm xuống đến 0 độ khiến cho không một loài cỏ cây nào có thể sống nổi. Mùa Xuân chưa dứt thì những cơn gió Lào đã quăng quật làm cho cỏ cây héo úa.
Mặc dù khắc nghiệt là thế, song vẫn có một loài cây vẫn quanh năm ngâm mình dưới nước, rễ bám vào đá để sinh tồn, bất chấp những nghịch lí của tiết trời. Loài cây lạ kỳ đó có tên là rêu đá.
Một người dân bản địa cho biết: “Giữa nơi chỉ thấy bạt ngàn rừng và đồi núi này thì rêu đá được coi như một loại thực phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao tự lâu đời. Trong khắp các tỉnh miền Tây Bắc thì rêu đá ở thung lũng Đồng Sơn (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn) này là thơm ngon, nổi tiếng nhất. Muốn thấy được loại rêu đó thì phải ngược dòng suối Thân đi về phía thượng nguồn. Dòng suối Thân chảy ra từ bụng của dãy núi mẹ Lìu hùng vĩ có nước trong veo, mát rượi, chảy dài, uốn lượn dài gần 10km bao bọc quanh làng”.
Để có thể thưởng thức một món rêu ngon thì cũng cần tuân theo một số quy tắc nhất định. Điều quan trọng nhất khi lấy rêu là phải biết lựa theo chiều nước chảy để không bị nát rêu, biết lựa thứ rêu ngon, không được hái cả gốc rêu, chỉ hái phần thân non tơ sạch sẽ. Sau khi hái được một lượng rêu vừa đủ, phải đem rêu ra con suối nơi có hòn đá to, bằng phẳng, lấy dùi gỗ đập thật mạnh đến khi nào rêu mềm nhũn, rồi thả vào rổ, ngoáy tít dưới suối.
Đập rêu Công việc đập rêu phải nhẫn nại, đập và rửa rêu nhiều lần cho đến khi rêu quấn quện vào nhau như chiếc áo vắt, tiếp đó bắt đầu tỉ mẩn vạch từng sợi rêu để nhặt cỏ rác, đá sỏi lẫn trong rêu. Khi rêu đã sạch và mềm cho chút nước mắm, muối, tỏi, hạt dổi, hạt mắc khén (một loại hạt cay, thơm nức chỉ mọc trong rừng), ớt, gừng, lá chanh, một chút lá đu đủ bánh tẻ băm nhỏ rồi gói gọn trong chiếc lá chuối tươi, sau đó vần trên than nóng. Rêu vần trên than nóng càng lâu thì món rêu sẽ càng nhừ và càng ngon.
Tất cả những sơn nữ nơi đây đều biết hái và chế biến các món ăn từ rêu nếu thiếu nữ nào không biết làm những việc đó sẽ bị các anh trai bản chê, đến khi lấy chồng sẽ bị chồng chán. Câu chuyện về “loài kỳ thảo” khiến những người dân nơi đây tự hào vì mỗi khi nhắc đến thì họ lại nhớ về mối tình thủy chung, son sắt của đôi trai gái Dao – Mường.
Từ lâu lắm rồi trên dãy núi mẹ Lia, có người Mường và người Dao cùng chung sống, người Dao sống ở trên núi, còn người Mường sống ở chân núi. Trong một lần đi hái củi trên rừng chàng trai Mường gặp một cô gái Dao, da trắng, tóc dài, má hồng đi hái măng. Hai người yêu nhau tha thiết nhưng bị gia đình chia cắt, ngăn cản.
Cô gái Dao không được lấy chàng trai Mường, nên buồn tủi ngày đêm ngồi khóc đến độ nước mắt chảy dài thành dòng suối Thân. Chàng trai Mường không lấy được người yêu cũng si tình ra suối tự vẫn, chàng biến thành viên đá, còn cô gái biến thành rêu ôm ấp quanh chàng. Có lẽ vì thế mà rêu suối Thân (xã Đồng Sơn) là ngon nhất, đặc biệt nhất vùng Tây Bắc này!
Những tác dụng thần kỳ của rêu đá
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Thanh Chang, Chủ tịch xã Đồng Sơn cho biết: “Đồng Sơn là địa phương nghèo nhất tỉnh, thu nhập bình quân không quá 200 nghìn/người/tháng. Đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn là thế nhưng không hiểu sao sự trường thọ của con người nơi đây lại ấn tượng vậy. Toàn xã chỉ hơn 700 nóc nhà với 8 bản sống giữa những thung lũng nhưng đã có tới hàng chục người sống trên trăm tuổi. Nếu tính cả lứa tuổi 90 trở lên thì phải là hàng trăm. Cũng chính vì thế mà Trung Ương Hội người cao tuổi Việt Nam đã xác định rằng địa phương chúng tôi là nơi có số lượng người sống trên trăm tuổi nhiều nhất Việt Nam”.
Từ lâu lắm rồi, đồng bào người Dao và người Mường đã lấy rêu đá làm món ăn truyền thống. Theo đồng bào nơi đây, ngoài việc là món ăn ngon, rêu đá còn là phương thuốc chữa bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, bình ổn huyết áp cho cơ thể. Rêu là món ăn không thể thiếu của đồng bào vùng cao vì nó có tác dụng chống ngã nước, sốt rét, tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể chống lại sơn lam chướng khí.
Anh Hà Văn Phương (SN 1982, Phó Bí thư chi đoàn xóm Mít 1) đưa chúng tôi đến bản Xuân 2 - bản có nhiều cao niên nhất. Vừa đến đầu bản chúng tôi đã gặp cụ Hà Thị Sinh (109 tuổi) đang hái búp chè trên đồi phía sau nhà mình. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ Sinh vẫn còn đủ sức ngày vài ba lần leo ra mỏm đồi để hái chè về sắc nước uống.
Cụ Hà Thị Sinh, 109 tuổi Được biết, từ hồi còn bé, ngày nào cụ Sinh cũng hai buổi sáng trưa đi hái rêu đá về cho cả nhà. Bữa ăn chỉ có sắn lát hấp, rêu nướng, và canh rêu. Bữa nào thịnh soạn lắm thì có thêm món ốc suối. Những năm đói kém, mất mùa như năm 1945, 1978, 1985 thì rêu đá là món ăn chính của cả bản. Sau này đi lấy chồng cụ còn phải đi lấy rêu đập sạch về phơi, khi nào đói chỉ việc lấy ra ngâm vào nước suối, rồi chế biến theo cách của mình.
Cũng nhờ cái lộc giời cho cụ ăn nhiều rêu đá nên cụ mới trường thọ đến vậy. Cụ Sinh tiết lộ, một trong những món ăn tinh túy nhất của mảnh đất lạ kỳ Đồng Sơn này chính là rêu đá nướng. Nướng rêu thật lâu, khi ăn phải có hương vị dễ chịu, bùi bùi, béo béo.
Bữa đó, chúng tôi còn được gặp cụ Lý Thị Kho, cụ năm nay đã bước sang tuổi 102, cụ có tất cả 8 đứa con, 38 đứa cháu, 79 chắt, đứa chắt trưởng của cụ Kho cũng đã lên ông Ngoại từ nhiều năm nay. Dù đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng cụ kho vẫn còn vác cuốc làm đồng một cách nhanh nhẹn.
Cụ Hà Thị Sinh bên cháu, chắt, chút của mình Cụ Kho cười tủm tỉm, “khi cái chân chưa mỏi, cái tay chưa mệt thì mình cứ phải làm đi thôi". Theo ý cụ thì lao động chính là một trong những cách để con người có được sự trường thọ. Trong dòng họ nhà cụ Kho có nhiều người sống đến ngoài 100 tuổi, như cụ Lý Văn Cho, cụ Triệu Thị Nhứt. Gia đình cụ hiện tại có 4 thế hệ đang sống hòa thuận trong một mái nhà.
Không chỉ có nhiều tác dụng về sức khỏe mà rêu đá còn góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa địa phương. Khi thiếu nữ, người già, trai gái rủ nhau đi hái rêu họ thường cười nói rôm rả, vui như trẩy hội. Khi rêu chín, cả nhà sum vầy, vợ chồng con cái túm tụm thưởng thức hương vị tao nhã như đang thưởng thức hương món ăn giữa “thung lũng tiên”. Cũng vì hái rêu mà những mối tình đẹp của trai gái các thôn bản nảy sinh, tạo nên một không gian văn hóa liên kết Mường – Dao bền vững.