Chữ “đi tu” không chỉ dành cho nhà sư

Thứ ba - 11/12/2012 16:44
“Thực tế có rất nhiều người đi tu mà không cạo đầu. Với họ, có cạo đầu hay không không phải là điều quan trọng nữa..", Phật tử Minh Tâm (TP.HCM) chia sẻ.


“Đi tu” như thế này có cần thiết phải cạo đầu không?

Sau khi Kienthuc.net.vn đăng bài “Đi tu không nhất thiết phải...cạo đầu (Sư cô Thích Nữ Hương Nhũ nhận định chữ đi tu đối với người tại gia - PV) thì đã có nhiều độc giả trực tiếp hoặc gửi thư chia sẻ về vấn đề này với tòa soạn. Xin giới thiệu tới bạn đọc những dòng chia sẻ của Phật tử Minh Tâm (TP.HCM): 

Đời một con người có rất nhiều mối quan hệ mà không dễ gì dứt bỏ được một cách dễ dàng nên việc cạo đầu đi tu là sự thể hiện quyết tâm đoạn tuyệt với đời sống trần tục, nhằm mục đích để chuyên tâm tu tập theo đạo Phật. Tuy nhiên, không phải cứ cạo đầu đi tu là có thể đúng nghĩa của chữ “tu”. 

Một người muốn trở thành tu sĩ Phật giáo thì việc dứt bỏ mớ tóc là việc đầu tiên để khác biệt với diện mạo của đời sống phàm tình. Điều ấy cũng thể hiện sự quyết tâm nghiêm trì giới luật nhà Phật. Bởi hình tướng xuất gia với “đầu tròn áo vuông” là hình tướng của Như Lai làm cho trời người cung kính và cũng  nhắc nhở người tu sĩ Phật giáo phải tu tập, sống sao cho xứng đáng là sa môn thích tử. Nhưng thực tế cho thấy có nhiều người cạo đầu để đi tu nhưng tâm còn vướng bận nhiều việc trần tục, còn đầy những tham, sân, si; đường tu chẳng có chút an lạc, chẳng bao lâu họ cũng hoàn tục. 

Tôi được biết tứ chúng của đức Phật gồm có hàng ngũ xuất gia và tại gia. Đối với người xuất gia tu hành phải thoát ly gia đình, sống và tu học theo giới luật của chúng xuất gia. Nam tu sĩ gọi là Tăng, nữ tu sĩ gọi là Ni, sau khi thọ giới hoàn toàn viên mãn được gọi Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Còn đối với người tu tại gia: thờ Phật, lễ Phật tại tư gia, sống tuân theo Ngũ giới và Thập thiện được gọi Ưu bà tắc, Ưu bà di. Riêng nhóm người tại gia thì mọi hình thức tu tập đều không nhất thiết phải cạo đầu do không bị ràng buộc bởi những quy định như người xuất gia. 

Tôi có đọc nhiều bài phản hồi trong bài viết “Đi tu không nhất thiết phải...cạo đầu” của tác giả Bùi Hiền (chữ “đi tu” đối với người tại gia - PV). Có độc giả khẳng định rằng: “Nói tới từ “đi tu” thì thế gian này hiểu là bỏ Tục làm Tăng”. Tuy nhiên, theo tôi chữ “đi tu” trong thời đại này không còn chỉ riêng cho người xuất gia nữa. Vì hiện nay nhiều cư sĩ tại gia thường xuyên đi tu khóa tu Phật thất, đi tu một ngày an lạc, đi tu Bát quan trai, đi tu Thiền nhiều lần trong một năm ở nhiều ngôi chùa và thiền viện khác nhau. 

Bản thân tôi từng đi tu thiền tại Miến Điện 3 tháng, các em học sinh, sinh viên đi tu ở các khóa tu mùa hè tổ chức tại các chùa... Trong những trường hợp này đi tu không nhất thiết phải cạo đầu là quá đúng rồi còn gì! 

Hơn như thế, trong nhà Phật có đề cập đến vấn đề đi tu không chấp tướng. Điển hình là hình ảnh Ngài Duy Ma Cật trong “Duy-ma-cật sở thuyết kinh” - một tác phẩm quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Đây là bộ Kinh bất khả tư nghì, tuyệt diệu cùng tột, ý chỉ thâm huyền đề cập đến một cư sĩ giàu có, sống cuộc đời thế tục, hành Bồ tát hạnh. Tư tưởng phá chấp của bộ Kinh khẳng định cư sĩ và tăng sĩ đều có khả năng đạt đến trí tuệ giác ngộ như nhau trong lộ trình tu tập giải thoát. 

Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã ghi nhận Tuệ Trung Thượng Sĩ đời Trần là một cư sĩ nhưng được các bậc tu hành kính trọng như thầy, vua Trần Anh Tông cũng là một trường hợp điển hình của việc đi tu “không chấp tướng”.

Trong lịch sử Phật giáo nước ta hình ảnh bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là một Bồ Tát dấn thân quên mình cho đạo pháp và dân tộc. Mấy ai quên được hình ảnh Cụ trong chiếc áo dài màu đen và khăn đóng tươm tất thành kính đảnh lễ chư tăng trước khi lên pháp tòa giảng Kinh thuyết pháp cho chư tôn đức Tăng Ni...và thời đại nào cũng có những người cư sĩ mật hạnh đáng kính tuyệt vời. 

Như vậy, thực tế cho chúng ta thấy có rất nhiều người đi tu mà không cạo đầu, vì đối với họ, có cạo đầu hay không không còn là điều quan trọng nữa. Vấn đề quan trọng ở đây là: có quyết tâm đi tu và yên tâm để tu hay không. 

Những người cư sĩ tại gia như tôi rất hạnh phúc nhận ra rằng “không nhất thiết phải cạo đầu mới là đi tu”. Sống giữa dòng đời nhiều gia duyên ràng buộc, nhiều cám dỗ của danh lợi, đồng tiền và tình ái chúng tôi liệu có đứng vững được không nếu không có chữ “tu” nhắc nhở chính mình.

Trong Kinh Pháp cú Đức Phật dạy: “Tâm làm chủ các pháp”. Nếu không lấy tâm làm gốc thì lấy tiền làm gốc hay sao? Quan điểm của tôi là vậy, không phải “cạo đầu” và khoác chiếc áo là làm nên thầy tu được”.

Nguồn tin: Kienthuc.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây