Hòa thượng Thích Đạt Đạo, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, Trụ trì chùa Bát Nhã (quận Bình Thạnh) tâm sự với Kienthuc.net.vn khi mùa Vu Lan về.
Mẹ là người trợ duyên khi tu học
Vì cha mất sớm nên "trong cái đầu óc tuổi thơ nhỏ bé của thầy" không có nhiều ý niệm về người cha. Trong lòng thầy, hình bóng mẹ hiền luôn ăn sâu trong tâm khảm.
Mỗi khi mùa Vu Lan về, hòa thượng Thích Đạt Đạo lại nhớ tới những ân tình mà mẹ đã trao.
Để có tiền nuôi con, mẹ thầy thường xuyên đi buôn bán xa. Một mình ở nhà nên thầy thường qua chùa Long Huê chơi. Lâu ngày, thầy đã xin quy y và vào ở phụ việc với thầy trụ trì là Hòa thượng Thích Đức Chơn (hiện là Viện chủ Tu viện Quảng Hương Già Lam, quận Gò Vấp).
Từ đó, hằng ngày trừ lúc đi học thầy ở luôn trong chùa với Hòa thượng và học kinh sách. Thời gian trôi qua được 3 năm, thầy thấy thích hình ảnh oai nghiêm của quý thầy ở chùa Già Lam mỗi khi về chùa Long Huê làm lễ nên xin hòa thượng cho xuất gia tại chùa Già Lam.
Khi biết tin, mẹ thầy xuống chùa và khóc rất nhiều. Bà đã kể cho thầy nghe việc chú bác trách sao trong nhà chỉ có một đứa con mà không giữ được, giờ cho vào chùa là sao? Sau này ai sẽ lo cho bà…? Miệng nói còn đôi mắt của bà cứ ngấn lệ.
Thầy nói với bà “Con chỉ muốn ở trong chùa chứ không thích ở bên ngoài”. Thấy không thể thuyết phục được con trai nên mẹ thầy nói: “Nếu đã suy nghĩ như vậy thì phải thực hiện cho đến cùng, không được bỏ giữa chừng”, lúc đó thầy đồng ý ngay.
Được mẹ chấp thuận, thầy được Cố Hòa thượng Thích Trí Thủ cho xuống tóc làm chú tiểu ở tại Tu viện Quảng Hương Già Lam. Mẹ thầy thì vẫn tảo tần buôn bán nuôi con.
Thầy theo học ở Trường Bồ Đề Sài Gòn, rồi ra học Trung cấp Phật học ở Phật học viện Hải Đức Nha Trang và Phật học viện Báo Quốc Thừa Thiên Huế. Đến khi tốt nghiệp, thầy quay về lại chùa Già Lam ở Sài Gòn, thọ giới Tỳ Kheo chính thức gia nhập Tăng đoàn.
Về chùa được ít lâu, thầy lại xin sư phụ được học lên trình độ đại học Phật học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Không chỉ có thế, thầy còn theo học tại Trường Đại học Khoa Học Sài Gòn (trước đây).
Những ngày tháng nghèo khổ, vất vả đó, mẹ chính là người trợ duyên để thầy học thành tài.
Đến lúc mất vẫn muốn thấy con đang tu
Là người có trình độ nên thầy được quý thầy lớn cử làm thị giả cho cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, tham gia các hoạt động của Giáo hội…
Khi cố hòa thượng viên tịch, thầy theo học các khóa học giảng sư đầu tiên của VP2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Namtổ chức. Sau khi tốt nghiệp, thầy được cử đi hoằng pháp tại các quận, huyện và các tỉnh thành trong cả nước…
Giảng dạy được một thời gian thì Giáo hội cử thầy về làm việc tại Trường cơ bản Phật học TPHCM, sau đó được lệnh điều động chuyển lên Trường cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở 2 tại TPHCM trong 28 năm qua và hiện thầy đang đảm trách vai trò Phó viện trưởng của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM.
Thầy còn nhớ, khi về thành lập chùa Bát Nhã (quận Bình Thạnh) trong một lần, thầy đi dạy ở Tây Ninh bị tai nạn gãy tay, mẹ thầy đã khăn gói, bán tất cả nhà cửa theo về chùa Bát Nhã để chăm sóc.
Dù mẹ có mất đi nhưng hình bóng vẫn luôn bên cạnh (ảnh chụp Hòa thượng Thích Đạt Đạo với mẹ khi người còn sống)
Vì bị thương nên thầy phải nằm một chỗ, bà ngồi quạt một bên và nói một câu khiến thầy nhớ mãi: “Tui ước rằng, sau này tui trăm tuổi, trước giờ tui nhắm mắt tui được nắm tay thầy và biết thầy vẫn còn tu là tui mãn nguyện”.
Tưởng nói vậy là thôi nhưng không ngờ đến ngày 1/9/2009 (âm lịch), thầy đang nằm bên ngoài phòng khách thì cảm nhận có điều gì đó bất thường nên vào phòng thăm mẹ. Thấy sắc diện của bà, thầy biết mẹ mình sắp ra đi nên thầy mặc áo tràng vào, lấy xâu chuỗi ngồi xuống ghế sát cạnh giường, 1 tay nắm cánh tay của bà cùng tăng chúng niệm Phật tiếp dẫn…
Thầy niệm được một lúc thì thấy bà mở mắt rồi chớp mắt nhìn thầy 3 lần rồi trút hơi thở cuối cùng mà trán thì vẫn nóng hổi.
Trong cuộc đời của thầy, mẹ là người rất tận tụy với con cái. Dù thầy đi đâu, làm gì? Bà là người luôn đi theo phía sau để trợ duyên cho thầy hoàn thành trọn vẹn con đường tu “thiếu thốn có mẹ cho, buồn phiền mẹ chia sẻ…”
Bà rất hay đi cúng dường cho Chư Tôn Đức, các chùa. Không chỉ thế, bà cũng là một người có tài nấu ăn rất giỏi. Các Phật tử đến chùa vẫn thường nhờ bà chỉ dẫn cách nấu các món chay sao cho ngon...
Điều đặc biệt nhất đó là, bà không hề tỏ thái độ, lời nói nào thể hiện việc mình là mẹ của thầy trụ trì gây ảnh hưởng không tốt đến quý thầy đang tu học trong chùa. Cho nên tăng chúng và Phật tử thường hay quen gọi bà bằng 2 tiếng Bà Nội.
Nguồn tin: bee.net
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự