Buổi làm việc nhằm làm rõ những vi phạm trong việc tự ý trùng tu nhà tổ, gác khánh và bậc cấp trước sân tiền đường.
Tam bảo bằng đất nung từ thế kỷ 17 vẫn được giữ
nguyên.
Trong ảnh: một số họa tiết trong tòa tam bảo phía hậu cung chùa Trăm
Gian - Ảnh: Hà Hương
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, tại buổi làm việc thanh tra yêu cầu các bên liên quan bổ sung các thông tin còn thiếu, đối chứng một số chi tiết chưa rõ ràng. Cũng theo đánh giá của thanh tra, việc tự ý hạ giải, làm mới là sai, tuy nhiên không phải là hành động cố ý hủy hoại di tích. Các sai phạm chủ yếu tập trung vào việc nhà chùa tự ý dỡ bỏ và làm mới ba hạng mục, ban quản lý và UBND không sâu sát.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Thành (phó phòng di tích - Cục Di sản văn hóa) cho biết hiện chưa có kết luận cuối cùng về sai phạm của các bên liên quan. Cuộc làm việc sáng 6-9 chỉ để lắng nghe ý kiến các bên. Thanh tra sẽ phải họp trước khi đưa ra kết luận cuối cùng. Dù có việc gì thì sẽ phải có kết luận và phương án phục hồi nhà tổ, gác khánh chùa Trăm Gian trước ngày 15-9. Cũng theo ông Thành, Cục Di sản văn hóa đang đề xuất thành lập hội đồng tư vấn gồm một số chuyên gia như GS Trần Lâm Biền, KTS Lê Thành Vinh, PGS.TS Phạm Mai Hùng...tham gia đánh giá việc trùng tu chùa Trăm Gian. Dự kiến từ ngày 7-9, Viện Bảo tồn di tích bắt đầu các hoạt động đánh giá cấu kiện, lên phương án phục hồi nhà tổ, gác khánh.
Trước đó, Bộ VH-TT&DL cũng có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về vi phạm tại di tích chùa Trăm Gian (Hà Nội). Văn bản này nêu rõ: chùa Trăm Gian được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Ngôi chùa có lịch sử xây dựng từ thời Lý (năm 1185) nhưng trải qua thời gian, di tích không còn giữ được công trình nào của thời khởi dựng.
Chùa Trăm Gian đã được tu bổ nhiều lần, lần gần đây nhất vào năm 2004, hiện nay di tích này còn bảo lưu được chín hạng mục công trình chính gồm tam quan, tả mạc, hữu mạc, gác chuông, tam bảo, hành lang tả, hành lang hữu, gác khánh và nhà tổ. Ngoài hạng mục gác chuông với nhiều trang trí chạm khắc mang dấu ấn kiến trúc thời Lê, các hạng mục công trình còn lại đều mang dấu ấn kiến trúc cuối thời Nguyễn, ít trang trí chạm khắc nghệ thuật. Tam bảo và gác chuông là hai hạng mục quan trọng nhất của chùa Trăm Gian đã được tu bổ trước đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Gác khánh và nhà tổ là hai công trình kiến trúc gỗ có niên đại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các cấu kiện kiến trúc ít trang trí chạm khắc, nhiều cấu kiện kiến trúc gỗ làm bằng gỗ tạp đã bị mối mọt, một số cột được nối chân... Trước khi xảy ra vi phạm, hai công trình này đều trong tình trạng xuống cấp, được chống đỡ tạm để đảm bảo an toàn cho công trình và người sử dụng.
Bên cạnh đó, văn bản của Bộ VH-TT&DL cũng báo cáo về tình hình xử lý việc trùng tu sai phép như đình chỉ thi công, bảo vệ cấu kiện cũ, xây dựng phương án phục hồi, thực hiện các thủ tục tu bổ di tích theo quy định... Bộ
VH-TT&DL cũng nhìn nhận: công tác tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian (thuộc huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã để xảy ra những sai phạm, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Nguồn tin: TTO Online
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự