Coi rừng là nhà
Khi chúng tôi đang mò mẫm đi vào cánh rừng già của bản Tra (xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) để tìm “đại bản doanh” của “người rừng” Bùi Văn Bình thì giật mình bởi giọng của một người phụ nữ: “Đến tìm ông Bình giời đày hả? Ăn gan hùm à mà đến đây? Thôi lên đi, có nhà đấy, tôi vừa thấy ông ấy mang gạo đi cho sóc, chuột rừng ăn. Chúng là những người bạn thân nhất của ông Bình đấy”.
Người trong bản Tra kháo nhau, khu rừng này là nơi tụ tập của những oan hồn. Đêm nào người ta cũng nghe tiếng khóc ai oán phát ra. Ngoài ông Bình thì chỉ có những bậc cao niên, gan dạ mới dám đến đây.
Ngôi nhà nhỏ của ông Bình giữa rừng thiêng Thấy người lạ, ông Bình tỏ ra e dè và đầy cảnh giác, buông lời nặng nề: “Tìm tôi làm gì? Định vào đây hại bạn bè của tôi à? Chúng có tội tình gì? Còn nếu vào khuyên tôi xuống núi thì về luôn đi cho đỡ mất công”.
Ông Bùi Văn Bình vừa bước sang tuổi 45, đấy là người ta nói thế chứ bản thân ông cũng chả nhớ mình sinh năm nào, bao nhiêu tuổi. Bởi ông đã ở nơi rừng thiêng nước độc này mấy chục năm rồi.
“Đại bản doanh” của ông Bình chỉ là một ngôi nhà nhỏ nằm chon von giữa lưng chừng núi. Điều lạ là hơn 20 năm nay gần như ông không ăn đến hạt gạo nào, thức ăn chính là đu đủ xanh đun với nước suối, sắn và măng rừng.
Người đời cho rằng ông bị giời đày, không thì cũng bị con ma rừng bắt lên chịu tội. Thế nhưng với ông Bình, sống ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, ông không có một ngày buồn. Vì sự lập dị của ông Bình, người ta đã thêu dệt biết bao câu chuyện huyễn hoặc về cuộc sống hoang dã của “người rừng” này.
Ông Bình bên chảo đu đủ xanh mà ông ăn quanh năm Trẻ con quanh đây đêm đến tuyệt nhiên không dám ra khỏi nhà bởi đêm nào cũng có tiếng cười của ông Bình văng vẳng. Nhất là vào những đêm trăng sáng, người ta nói rằng ông cười từ tối đến sáng, đó cũng là lúc muông thú kéo về nhà ông chật cứng.
Bà Bùi Thị Hải (chị ruột ông Bình) cho biết, sau nhiều lần thuyết phục ông Bình hạ sơn bất thành thì cứ khoảng 1 tháng, con trai bà Hải lại mang gạo lên tiếp tế cho ông.
Những ngày đầu, mọi người nghĩ ông Bình ăn khỏe vì bao nhiêu gạo mang lên cũng hết. Gia đình sinh nghi, sau thời gian theo dõi mới biết ông Bình không ăn lấy một hạt, tất cả gạo được ông mang cho chim, chuột rừng, sóc ăn hết. Thương em, bà Hải vẫn thường xuyên mang gạo lên cho ông.
Căn bếp nơi ông Bình thường giao tiếp với muông thú Cuộc sống hoang dã
Dẫu biết ông Bình ở nơi thâm sơn ấy, biết bao điều nguy hiểm rình rập, rồi tuổi ngày một cao, liệu ông còn có thể trụ được bao lâu? Nhưng gia đình đành bất lực, coi đó là điều đương nhiên. Có lẽ hơn 20 năm sống một mình trong rừng đã dạy cho ông cách sinh tồn.
Bà Hải nói: “Dù sống trong rừng, quần áo chẳng có, ăn uống linh tinh nhưng chẳng khi nào thấy ông ấy ốm đau cả. Đã có lần, nhân viên của trạm y tế xã lên tận nơi khám, phát thuốc nhưng ông ấy một mực từ chối. Thôi cũng đành chịu, ông ấy có rừng che chở rồi”.
Cánh rừng già nơi ông Bình sống Đưa bàn tay sần sần như gốc cây rừng lên trước ngọn đèn dầu, ông Bình gọt quả đu đủ nhanh thoăn thoắt, rồi thả vào chảo nước đang lăn tăn sôi. Ông vừa đảo đu đủ, vừa nói: “Đu đủ xanh ở đây ngon lắm đó, không đâu sánh được. Tôi chẳng mấy khi ăn cơm, chỉ ăn đu đủ cũng sướng rồi”.
Ông kể: “Sống ở đây một mình kể cũng nguy hiểm. Tôi chỉ có vài lần trượt chân ngã, chứ tuyệt nhiên không bao giờ bị thú hoang hay rắn độc làm hại. Chẳng hiểu sao chúng nó thân tôi lắm, thấy bóng tôi chẳng bao giờ chạy, cứ quấn lại gần”.
Ám ảnh cuộc sống văn minh
Gia đình ông Bình rất đông anh em. Ông là người thông minh, khéo tay lại tài hoa nhất nhà. Vì gia đình quá nghèo, ông phải bỏ học giữa chừng để đi làm, giảm gánh nặng cơm áo cho bố mẹ.
Chưa đầy 20 tuổi, ông được đánh giá là một thợ mộc có nghề nhất bản. Do có tay nghề giỏi, ông được rất nhiều nơi mời về dựng nhà, làm cửa. Công việc bận rộn, ông Bình có thể đi biền biệt cả tháng.
Năm ấy, ông đi cả mấy tháng mới trở về nhà, chị gái thấy ông không ăn uống gì, vào nhà nằm li bì. Sáng hôm sau, ông bật dậy lấy hương trên bàn thờ đốt rồi cắm khắp nơi, miệng lẩm nhẩm điều gì đó.
Ông Bình sống một mình nhưng chẳng mấy khi thấy ông ốm đau Rồi ông Bình lang thang khắp nơi, chẳng nói chẳng rằng, gặp gì ăn nấy. Mỗi lần như vậy, người nhà lại chia nhau đi tìm, đưa ông về nhà. Nhưng được vài giờ, ông lại lẩn mất. Rồi ông lặn một hơi vào rừng của bản Tra sinh sống từ đó đến nay.
Đã có lần vì nể người thân, ông Bình trở về cuộc sống văn minh. Lần ấy là bà Hải lên khuyên ông về bản ở sẽ được sung sướng, có nhà ở, có cơm ăn, lại được xem ti vi, nếu ổn còn được lấy vợ sinh con. Không phải vì ham cuộc sống như vậy mà ông Bình xuống. Ông xuống vì thương chị gái nhiều lần vất vả lên núi tìm em trai.
Quá lâu không được tiếp xúc với thế giới văn minh, mọi thứ trước mắt ông Bình đều lạ lẫm. Đang ngồi uống nước trong nhà, ông Bình thấy chồng bà Hải vừa đi xe máy về. Ông này vội đi vệ sinh nên không tắt máy, ông Bình ngạc nhiên nhảy lên xe ngắm nghía.
Vì không biết đây là “con vật gì”, trong lúc tò mò tay ông Bình vít vào ga xe máy. Chiếc xe máy bốc đầu lao thẳng về phía chuồng lợn. “Người rừng” văng về một phía, chiếc xe vỡ sạch cả đèn nằm gọn lỏn trong chuồng lợn. Hôm đó ông bị sưng vù đầu, chân thì rách 1 đoạn to tướng.
Chị gái hoảng sợ, mang băng bông, thuốc sát trùng để băng bó. Ông Bình gạt phắt đi chạy thẳng ra đồng lấy đất đắp vào chỗ đang chảy máu. Ông giải thích với chị: “Mọi khi bị chảy máu em toàn lấy bùn đất đắp vào, khỏi nhanh lắm. Thần rừng mách em như vậy”.
Trong bữa ăn, mọi người rót rượu ra uống, ông Bình tưởng nước suối cầm cả bát tô đánh một hơi hết sạch. Cả nhà ai nấy cũng mắt tròn mắt dẹt, nghĩ đây là cao thủ rượu. Nào ngờ, chỉ vài phút sau, ông Bình đổ gục ngay tại mâm.
Tiệc tàn, ai về nhà nấy, ông Bình như người mất hồn nằm bẹp trên giường chẳng nói với ai lời nào. Nửa đêm khát nước, ông mò dậy thì không may quờ quạng đúng cái phích điện nơi đầu giường.
Ông Bình bị điện giật bay từ trên giường ra đến tận cửa giữa. Đến lúc này thì “người rừng” thực sự hoảng sợ thế giới văn minh. Ngay đêm bị điện giật, ông Bình chẳng nói chẳng rằng, chờ mọi người ngủ say, ông vội vã bỏ về rừng mà không kịp mang theo đôi dép đứt.