Ngôi chùa gần 100 tuổi
Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tên cũ khác là Dưỡng trí viện Biên Hòa, Nhà thương điên Biên Hòa hay Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa), đươc người Pháp xây dựng từ những năm 1915. Bệnh viện tọa lạc trên đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), đây là nơi điều trị cho người mắc các chứng bệnh lý về thần kinh lớn nhất nhì cả nước.
Theo bác sĩ Lợi, tạm gọi là “chùa” vì tổng thể lối kiến trúc tòa nhà chưa hẳn là một ngôi chùa truyền thống. Vì hiện tại, bệnh viện vẫn chưa có đủ tư liệu để xác định thời gian xây dựng và ai là người khởi xướng “gieo duyên” xây ngôi chùa hết sức đặc biệt này. Tuy vậy, bác sĩ Lợi nhận định có thể chùa được xây dựng tầm khoảng sau 4 - 5 năm, khi tất cả các dãy nhà bệnh viện được người Pháp xây dựng hoàn chỉnh.
Dù kiến trúc chùa xây dựng theo kiểu Pháp nhưng vẫn giữ nét hoa văn hài hòa truyền thống Việt Nam như hình cách điệu của búp sen, trúc, mai, quyển thư… thể hiện trên các cửa ra vào. Nhìn thẳng từ ngoài cổng chính vào bên trong chánh điện là bệ tượng Đức Quan Thế Âm cao 1 mét, phía trên có gắn thêm vòng ánh điện hào quang chiếu rọi nhiều màu sắc lung linh.
Nơi chốn bình yên…
Chúng tôi quan sát nhận thấy bên trong chánh điện, cách phối thờ được bài trí rất đơn giản nhưng không giảm phần tôn nghiêm và thiêng liêng ở chốn tâm linh này. Còn trên vách tường treo rất nhiều hình ảnh tư liệu liên quan đến lịch sử 100 năm hình thành và phát triển của Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa.
Chùa là nơi lui tới thường xuyên của các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên, y bác sĩ của bệnh viện sau những giờ phút căng thẳng trong việc chữa trị bệnh tâm thần. Họ đến đây để tìm những giây phút bình yên, lắng lòng hướng về Đức Quán Thế Âm và hòa mình trong không gian tâm linh để an tịnh lòng mình. Ai cũng biết rằng, để chữa trị thành công một ca bệnh tâm thần thì đòi hỏi nhiều công sức và sự kiên trì, bền bỉ của những người thầy thuốc, bệnh nhân và cả người nhà của họ.
Điều đặc biệt hơn hẳn là bên trong chánh điện, ngoài bàn thờ chư Phật, Bồ-tát còn có bàn thờ tượng bán thân của cố bác sĩ Nguyễn Văn Hoài (1898- 1955), vị giám đốc người Việt đầu tiên của Bệnh viện Tâm thần Biên Hòa (giai đoạn năm 1947-1955).
Cố Giám đốc - bác sĩ Nguyễn Văn Hoài là một người thầy thuốc hết lòng cống hiến trọn đời mình cho sứ mệnh chữa trị những người mắc chứng bệnh tâm thần và luôn được thân nhân bệnh nhân và y bác sĩ thế hệ sau kính trọng. Tên ông cũng được UBND tỉnh Đồng Nai đặt cho con đường nhỏ đi ngang qua cổng sau Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 hiện giờ.
Hiện tại, ở ngôi chùa này còn lưu giữ một cái cối đá có niên đại gần 100 năm, mang nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa lịch sử. Chùa còn có những cặp nghê đá quý được các nghệ nhân của Trường Mỹ thuật Biên Hòa chế tác bằng chất liệu gốm sứ, phủ một lớp men xanh đặc trưng của gốm Biên Hòa xưa.
Từ lâu, ngôi chùa thuộc sự quản lý của Bệnh viên Tâm thần Trung ương 2 nên không có sư trụ trì. Hàng tháng vào ngày rằm, SC.Thích nữ Viên Liên cùng các Phật tử tu ở tịnh xá Ngọc Khánh (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) tình nguyện đến chùa để tụng kinh cầu an cho những người hiện còn, cầu siêu cho những bệnh nhân tâm thần không may qua đời. Điều này, làm cho ngôi chùa nhỏ, nằm bình yên bên dòng suối trở nên ấm áp hơn trong lời kinh tiếng kệ.
Tác giả bài viết: Trường Trí
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự