Không cam chịu số phận
Ông Nguyễn Tiến Thiểu, 73 tuổi, trú tại thôn Hoàng Lý, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam sinh ra trong gia đình có đông anh em nhưng ông và người em trai thứ 3 lại kém may mắn hơn cả, khi mới lọt lòng cả hai người đều đã bị dị tật bẩm sinh. Ngày ấy khi nhìn thấy ông trong thân hình dị dạng, bố ông đã từng có ý định bỏ đói ông, không nuôi. Mẹ ông lúc đó phải khóc cạn nước mắt để khuyên ngăn, cuối cùng mới thuyết phục được.
Thuở nhỏ, cậu bé Thiểu chịu biết bao nhiêu tủi cực. Với đôi bàn tay 1 ngón, bàn chân 2 ngón “quái đản”, ông bị người đời khinh thường, dị nghị. Nhiều kẻ còn độc miệng mỉa mai cho rằng là gia đình ông bị quỷ ám. Chính vì vậy, bố ông quay ra chán nản với cuộc sống và trở nên trầm cảm, ít nói, ngại tiếp xúc.
Bỏ mặc sự dèm pha của mọi người, ngay từ khi còn nhỏ, ông Thiểu tự nhủ với lòng mình sẽ tàn nhưng không phế. Ông bắt đầu rèn luyện cho mình từ những công việc nhỏ nhất. Ông Thiểu tâm sự: “Ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn để tập cầm nắm những vật dụng như cốc, ca, hay chiếc chổi, cầm lên rồi lại rơi xuống. Mãi sau cùng, nhờ kiên trì tập luyện, tôi cũng đã quen dần và làm được như mọi người”.
Nhờ có sự bền bỉ và lòng kiên trì, ông Thiểu cũng đã quen dần với các công việc hàng ngày như rửa chén, rửa bát, nấu cơm, chăn trâu, cắt cỏ… Nhiều người xung quanh nể phục, đám bạn trong làng lúc đó không còn trêu trọc ông nữa, mà lấy ông làm tấm gương sáng để nhìn vào.
Khi trưởng thành, ông tốt nghiệp khoa Trung văn của trường Ngoại Ngữ Hà Nội. Từng làm phiên dịch viên tiếng Trung trong khoảng thời gian dài cho đoàn công tác. Đến năm 1964 thì ông về giảng dạy cho trường Nguyễn Huệ (Hà Nội).
Ông Thiểu: Không thể cam chịu số phận.
"Thời gian khi làm thầy giáo, tôi được học sinh, đồng nghiệp rất quý mến nhờ chút tài lẻ như vẽ tranh và đàn hát. Nhiều hôm tan học sớm, các em luôn nán lại để được nghe thầy hát, xem thầy vẽ. Đó là những kỉ niệm có lẽ suốt đời này tôi không bao giờ quên được”- Ông Thiểu chia sẻ. Rời công việc "gõ đầu trẻ” ông tiếp tục theo học ở ngân hàng và chuyển về làm cho một ngân hàng tỉnh Hà Nam, đến năm 1992 ông về hưu.
Năm 1997, người vợ cả của ông Thiểu lâm bệnh mất, thời gian sau ông đi bước nữa. Trong số 7 người con, có 2 người cùng mắc chứng bệnh giống như ông. Chị Nguyễn Thị Hương chân tay cũng đều cụt ngón. Em Nguyễn Hữu Đạt sinh năm 2000 cũng bị thiếu 6 ngón chân và 8 ngón tay.
Ông Thiểu cho biết: “Tôi không ngờ bệnh của tôi lại di truyền sang các cháu. Đã nhiều lần hai vợ chồng tôi đưa con đi khám. Muốn tìm ra phương pháp chữa trị hoặc lắp ngón tay giả cho bọn trẻ nhưng không được. Mặc dù, có rất nhiều đoàn khoa học về nghiên cứu và có kết luận không phải do di chứng chất độc màu da cam nhưng căn nguyên của chứng “một ngón” vẫn chưa được ai phát hiện ra cả”.
Tài hoa như... ông Thiểu!
Mất thứ này, ông trời sẽ trao cho thứ khác, câu nói quả không sai. Ông không chỉ giỏi về học vấn mà đối với ông các nghề thủ công cũng đan nát rất khéo. Từ khâu vá cho đến cắt tỉa hoa lá, rồi đi trang trí phông nền cho đám cưới hay viết chữ nho, chữ hán, làm câu đối cho mọi nhà, ông đều làm một cách thuần thục, đẹp đến lạ thường.
Có tận mắt chứng kiến các nét bút vẽ bằng chính đôi bàn tay dị tật, bàn chân chim ấy chúng tôi mới càng khâm phục sức sống, nghị lực phi thường của ông. Dẫn chúng tôi đi xem một loạt những tác phẩm tranh vẽ, trong đó có một bức tranh sơn dầu được ông dành nhiều thời gian kì công vẽ để dành tặng người vợ thân yêu của mình nhân ngày kỉ niệm cưới.
Dù một ngón, nhưng bàn tay của ông Thiểu vẫn đầy tài hoa.
Hiện tại, dù ở tuổi xế chiều nhưng ông Thiểu vẫn tràn trề sức sống là nhờ câu nói tâm đắc của nhà thơ Nguyễn Khải Trên đời này không có con đường cùng, chỉ có ranh giới, chỉ cần có sức mạnh thì sẽ vượt qua được ranh giới ấy”.
Ông luôn cảm thấy tự hào khi con cái đều đã trưởng thành. Riêng em Nguyễn Hữu Đạt thừa hưởng gen của bố, luôn có được sự khéo léo, tinh thần hiếu học. Mặc dù bị khuyết tật, nhưng trong suốt các năm học vừa qua, em vẫn luôn là học sinh giỏi của trường, em cũng sớm bộc lộ rõ năng khiếu vẽ và viết chữ rất đẹp.
Thời gian rảnh rỗi ông còn mở lớp dạy tiếng Trung tại nhà cho người dân quanh xóm hoặc tham gia câu lạc bộ yêu thơ, chơi đàn piano và vẽ lại các bức tranh về truyền thống cách mạng, quê hương. Điều đó đã giúp ông phần nào cảm thấy yêu đời hơn tự tin vào chính mình, vui khỏe sống một cuộc đời có ích. Người dân làng ông nói: Tài hoa như ông Thiểu mới là tài hoa!
Nguồn tin: ĐVO
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự