Những người thợ Việt
Sau gần 100 ngày, kể từ ngày diễn ra lễ khởi công tôn tác tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông (5-7) tại tổ đình Vĩnh Nghiêm TP.HCM, công việc tạo hình tượng Phật hoàng qua bàn tay khéo léo tài năng của nhóm thợ Việt không ngừng nghỉ.
Chư tôn đức chứng minh đặt nhát búa đầu tiên lên khối ngọc - Ảnh: V.G
Gặp Đinh Danh Tư tại xưởng đá Bình Minh nằm trên Quốc lộ 13, ngã tư cầu vượt Bình Phước khi công đoạn hoàn thành tượng Phật hoàng đã đạt hơn 90% và đang bước vào đánh bóng tượng ở giai đoạn cuối, những người thợ đang miệt mài làm việc. Anh chia sẻ: “Mình rất tự hào là một trong những người thợ đầu tiên được tin tưởng giao công việc quan trọng tạc tượng Phật ngọc Phật hoàng Trần Nhân Tông, thêm vào đó càng ý nghĩa hơn khi đó là bức tượng bằng chất liệu ngọc bích quý được xem là kỷ lục tại VN vào thời điểm bây giờ”.
Nhìn kết quả của công trình vĩ đại này, ai cũng ngạc nhiên và vui đến bất ngờ. Khi được hỏi công đoạn nào trong quá trình tạc tượng là khó nhất, anh Danh Tư chia sẻ: “Công đoạn quan trọng nhất là đắp mẫu, tôi mất khá nhiều thời gian vào việc tìm các tư liệu cũng như hình ảnh, bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị Phật có thật, chứ không phải có trong trí tưởng tượng, cho nên việc tìm hiểu thân thế, sự nghiệp, tinh thần của Phật hoàng Trần Nhân Tông đòi hỏi khá công phu và nghiêm túc”.
Thổi hồn vào đá
Với tâm nguyện mong sao cho bức tượng có được cái thần của một vị Phật hoàng Trần Nhân
Tông - một nhân vật lịch sử của dân tộc, anh Tư cùng anh em trong nhóm thợ tự nguyện ăn chay từ trước khi làm lễ khởi công cho tới khi hoàn thiện để hun đúc thêm niềm tin và tạo cảm hứng khi truyền thần. “Tôi không thể làm một mạch để hoàn thành tác phẩm. Tôi chỉ thực hiện điêu khắc khi thật sự định tâm và có cảm hứng. Khi chưa thật sự tập trung, tôi lại cầu nguyện Phật hoàng để ngài phù hộ, tôi tĩnh tâm hoàn thành tốt công việc”, anh Tư tâm sự.
Nghệ nhân Đinh Danh Tư - Ảnh: V.G
Trao đổi với anh Tư về các hoạt động chế tác tượng từ khi khởi công cho tới bây giờ mới hiểu được quá trình chế tác tượng từ ngọc quý vất vả ra sao. Bức tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông được chế tác từ khối ngọc 4,5 tấn, được mua từ cùng mỏ ngọc đã chế tác ra pho tượng Phật ngọc vì Hòa bình Thế giới. Với ưu thế về độ cứng xong lại rất dẻo, muôn sắc màu đẹp rực rỡ và tinh khiết, khối ngọc quý qua bàn tay khéo léo của những người thợ cứ vậy dần dần hình thành.
Tâm sự về những ngày đầu khởi công, có thể nói khó định hình nhất là công đoạn xẻ đá, vậy mà với 4 anh em thợ, các anh chỉ mất hơn một tuần vất vả mà khối ngọc đã được xẻ thành công, vóc dáng của Phật ngọc đã định hình. “Ngọc xanh biếc, trong vắt và bóng như soi gương làm cho chúng tôi vô cùng phấn khởi, khiến nhiều người ghé thăm có được niềm vui và hạnh phúc khó tả”, anh cho biết.
Những người thợ đang miệt mài đánh bóng tượng Phật ở giai đoạn cuối đều có ý nghĩ: “Ở giai đoạn này cần sự tỉ mỉ và công phu. Bởi đây là công đoạn quan trọng nhất quyết định vẻ đẹp của tượng”, bởi từ khối ngọc 4.5 tấn, giờ đây Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã thành hình, được đặt trên đế sen với tổng trọng lượng gần 4 tấn sẽ uy nghi biết chừng nào khi công trình điêu khắc tượng kịp hoàn thành chào mừng Đại hội Phật giáo VN diễn ra từ 21 đến 24-11 tại thủ đô Hà Nội.
Theo đánh giá của của nhiều chuyên gia thì đây là một bức tượng đẹp, thể hiện được cái thần của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Được biết, khối ngọc bích quý đã được chư tôn đức Giáo hội Phật giáo VN cũng như Pháp vương Gyalwang Drukpa và 108 vị Lạt-ma chú nguyện cuối tháng 10-2011 vừa qua.
Sau khi hoàn thành tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (hiện đặt tại cơ sở điêu khắc Q.Thủ Đức), ngày 15-11 sẽ được cung thỉnh đến Hà Nội, tôn trí tại Đại hội Phật giáo toàn quốc. Sau đó, tôn tượng sẽ được tôn trí tại các chùa trên toàn quốc cho Phật tử chiêm bái. Ngoài tượng Phật hoàng, nhóm làm tượng sẽ lựa chọn những phần của khối ngọc có chất liệu đẹp nhất, để phục chế 2 chiếc ấn tổ của nhà Trần theo nguyên bản cổ. Một số phần đá nhỏ trong khối ngọc tạc tôn tượng cũng sẽ được chọn để thực hiện 100 bộ ấn, mỗi bộ gồm 9 ấn mô phỏng theo 9 ấn của nhà Trần. Những chiếc ấn này sẽ được tặng cho UBMTTQVN để bán đấu giá gây quỹ “Vì người nghèo”.
Nguồn tin: Vũ Giang
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự