Từ xuất thế đến nhập thế
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang Phó tổng thư ký HĐTS, Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, từ những ngày đầu được truyền bá vào Việt Nam, Phật giáo đã nhanh chóng hòa nhập vào đời sống bản địa, gắn bó với dân tộc về mặt tinh thần, đạo đức. Vì bản chất của Phật giáo là từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, yêu hòa bình, tôn trọng sự sống nên đã hòa nhập với văn hóa, đời sống con người Việt Nam - vốn có truyền thống hiếu nghĩa, vị tha, độ lượng, bình đẳng, bác ái.
Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc
Trong chiều dài lịch sử dân tộc, trong nhiều giai đoạn đất nước luôn bị ngoại bang xâm lược với ý đồ đồng hóa, xâm chiếm lãnh thổ, Phật giáo đã hòa cùng dòng chảy của vận mệnh dân tộc, kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, gìn giữ và xây dựng đất nước. Thực tế đã chứng minh sự đồng hành của Phật giáo Việt Nam cùng lịch sử dân tộc trong suốt hơn 2000 năm qua.
Từ những kỷ nguyên đầu tiên, khi dân tộc Việt Nam còn chịu sự thống trị của các thế lực phong kiến phương Bắc, triết lý sống của nhà Phật đã củng cố thêm tinh thần dân tộc, ý thức độc lập dân tộc của người Việt.
Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, các vị cao tăng có học thức, có giới hạnh đều được mời tham gia triều chính hoặc làm cố vấn trong những công việc quan trọng của quốc gia. có vai trò trong công cuộc hộ quốc, an dân như Thiền sư Ngô Chân Lưu (Khuông Việt Đại sư), thiền sư Vạn Hạnh, đức Vua Trần Nhân Tông - sư Tổ Thiền phái Trúc Lâm… Phật giáo góp phần xây dựng triều đại nhà Lý - triều đại thuần từ, thịnh trị nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
“Khi vào Việt Nam, Phật giáo đã được người Việt “thổi” vào trong nó tinh thần yêu nước cao độ, từ một tôn giáo xuất thế trở thành một tôn giáo nhập thế tích cực. Phật giáo đã đã góp phần quan trọng củng cố nhân tâm, đoàn kết cộng đồng.” - Hòa thượng Thích Gia Quang phân tích.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phật giáo Việt Nam tiếp tục nêu cao ngọn cờ yêu nước, kề vai sát cánh cùng nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc. Các phật tử giác ngộ đã vận dụng tích cực giáo lý nhà Phật vào công cuộc kháng chiến bảo vệ dân tộc, giữ gìn đạo pháp. Nhiều nhà sư cởi áo cà sa khoác áo lính. Các chùa vận động tín đồ Phật tử hết mình tòng quân cứu nước, trở thành cơ sở cách mạng, dự trữ quân lương, nuôi giấu cán bộ.
Đỉnh cao của tinh thần yêu nước, vì dân tộc của Phật giáo trong thời gian chống Mỹ cứu nước là sự kiện Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ. Phong trào cách mạng của đồng bào Phật giáo thời kỳ này đã góp phần quan trọng làm sụp đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Đồng hành cùng dân tộc
HT.Thích Gia Quang đánh giá: Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Trong giai đoạn đầu khi mới du nhập vào Việt Nam, khi người Việt cần sức mạnh tín ngưỡng và niềm tin để khai sơn, lập địa, Phật giáo đã cùng người Việt chinh phục tự nhiên “cầu mưa thuận, gió hòa”; xây dựng kiến tạo cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Trong giai đoạn Tổ quốc lâm nguy bởi ngoại xâm, để thoát ách đô hộ, Phật giáo phát huy tinh thần yêu nước, quyết bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn đạo Pháp, quyết giành lại hòa bình, độc lập tự chủ, đem lại an lạc, hạnh phúc cho nhân dân.
Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời
Sau giải phóng miền Nam, đất nước hòa bình, non sông thu về một mối, các hệ phái Phật giáo Việt Nam được sinh hoạt trong một ngôi nhà chung là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam lại tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh. Phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”, chính là càng thể hiện tính chất gắn bó giữa Phật giáo và dân tộc.
Phật giáo Việt Nam hôm nay đã làm được nhiều việc lợi đạo, ích đời, thực hiện cứu khổ độ sinh, thông qua hoằng dương Phật pháp vận động Tăng ni, Phật tử cả nước sống trong chánh tín, sống tốt đạo đẹp đời đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhân đạo, từ thiện, thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ…
HT.Thích Gia Quang kết lại: “Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người. Từ đó đến nay và mãi mãi về sau, theo giáo lý của đạo Phật và truyền thống của các bậc tiền bối, Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy sự trong sáng, tích cực của Phật giáo, đồng hành cùng dân tộc, cùng đất nước!”
Nguồn tin: VNN
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự