Cô giáo Lê Thị Hòa mở đầu câu chuyện như thế về một lớp học tình thương miễn phí ở thủ đô mà cô là người khơi nguồn và tiếp lửa hơn 5 năm nay.
Từ phải sang: Học sinh Trần Thị Khuê (20 tuổi) và Trần Thị Phượng (26 tuổi) đang tập viết chữ. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Sinh ra bị khuyết tật ở hai bàn tay, giọng nói không tròn âm vực, gia cảnh lại nghèo khó nên Trần Thị Khuê (Chương Mỹ, Hà Nội) chưa bao giờ được đến lớp.
Cho đến năm Khuê 15 tuổi, một lớp học tình thương tại chùa Hương Lan (Chương Mỹ) trở thành nơi gieo mầm chữ không chỉ cho Khuê mà còn cho hơn năm chục trẻ khuyết tật trong vùng.
“Em không ở nhà đâu”
Đến chùa Hương Lan (thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) vào đúng ngày bão số 8, cơn bão kỳ dị và mạnh nhất năm nay, ảnh hưởng tới miền Bắc. Mưa gió, trời lạnh nhưng lớp học tình thương vẫn diễn ra bình thường. Hơn 20 học sinh vẫn đến lớp.
Trần Thị Khuê có mặt từ rất sớm. “Mưa lạnh nhưng Khuê vẫn bắt đưa đến lớp. Không đưa đi là Khuê dỗi, khóc cả ngày” - anh trai Khuê kể.
Năm nay 20 tuổi, Khuê cao hơn hẳn những học sinh khác của lớp nhưng gương mặt vẫn ánh lên nét trẻ thơ. Em tham gia lớp học tình thương này đã được năm năm và hiện đang là học sinh lớp 5.
Khuê bị tật nguyền từ nhỏ ở đôi tay và đôi chân. Năm phút em mới viết được tên mình trên giấy. Tuy thế, chữ Khuê đẹp. Làm tính cũng rất nhanh. Khuê phát âm khó khăn: “Bây giờ em biết đọc, biết viết rồi. Đến lớp chơi với các bạn vui lắm”.
Cô Lê Thị Hòa, giáo viên chủ nhiệm cho biết, nếu được đi học từ nhỏ, có khi Khuê tiếp thu bài còn nhanh hơn. Nhà nghèo, bố lâm trọng bệnh rồi qua đời, mẹ làm nông, nên Khuê không được đến trường từ bé.
Khuê chưa phải là học sinh nhiều tuổi nhất trong lớp học tình thương. Trần Thị Phượng 26 tuổi. Khi được hỏi, Phượng vất vả lắm mới nói được từ “Em hai mươi tuổi”. Phượng bị thiểu năng trí tuệ ngay từ khi lọt lòng và chưa từng được đến lớp, tiếp thu bài cũng không nhanh nhưng đặc biệt chăm chỉ.
Nhà Phượng ở xã Thanh Bình, cách lớp học tình thương ba cây số. Cuối tuần nào, Phượng cũng đi bộ đến lớp học, kể cả những hôm mưa gió như hôm nay. Mỗi khi nhà chùa có khóa lễ phải nghỉ thì Phượng lại rơm rớm: “Em không ở nhà đâu”.
Học sinh Hoàng Thị Hà của lớp học tình thương, năm nay đã 24 tuổi. Ảnh: Trường Phong.
Lớp học tình thương ở chùa Hương Lan hiện có 58 học sinh, phần lớn bị khuyết tật. Em thì bị ảnh hưởng từ bố mẹ nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Có em câm điếc bẩm sinh. Có em thiểu năng trí tuệ. Hầu hết các em ở độ tuổi từ 6 đến 12, chưa từng đến lớp hoặc có đến trường mà không theo học được.
Nguyễn Duy Khoa ở xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) năm nay 10 tuổi. Bị thiểu năng trí tuệ, Khoa ba năm vẫn không qua lớp một. Khoa ngờ nghệch nhưng khá gần gũi với người lạ.
“Bố em làm nghề nấu cơm. Mẹ em cũng nấu cơm”, Khoa kể với giọng tự hào. Bố Khoa cho biết: “Từ ngày tham gia lớp học này, cháu nhanh nhẹn hơn, hay nói cười hơn trước”.
Trong lớp học tình thương còn có một số em không bị khuyết tật hay thiểu năng. Cô Trần Thị Khoa – một giáo viên cũng dạy tình nguyện cho lớp, cho hay các em này vẫn đi học phổ thông bình thường nhưng vì nhà nghèo quá, các em không có điều kiện học thêm, gia đình cũng không kèm cặp được, thế là gửi chùa để các cô dạy dỗ.
Năm năm nặng chữ tình
Năm 2006, cô Lê Thị Hòa mở lớp dạy học tình thương ở nhà. Thiếu thốn nhiều nên chỉ nhận được bốn em. Rằm tháng bảy năm 2007, tình cờ đi lễ chùa Hương Lan, thấy có phòng khách rộng, cô Hòa đặt vấn đề với sư thầy Thích Đàm Tiền và bất ngờ được đồng ý. Lớp học tình thương trong chùa được mở.
“Mình mừng quá. Ngay trong buổi chiều 15 - 7 đã viết đơn xin phép nhà trường, ủy ban xã. Rồi xin bàn ghế cũ. Đến 14 - 9, lớp học chính thức bắt đầu” - cô Hòa nhớ lại.
Mọi người đều cảm tạ tấm lòng của các cô, nhà chùa ở đây. Sắp tới, để tiện cho việc học của các em, nhà chùa đã vận động các phật tử và nhà hảo tâm quyên góp xây dựng hai phòng học mới. Tháng 11 sẽ chuyển chỗ học.
Trong một năm đầu tiên, cô trò phải học trên những chiếc bàn cũ, hỏng xin được. Rất nhiều lần, bàn ghế đổ làm sưng chân, chảy máu cả cô lẫn trò. Các sư thầy, sư bác trong chùa cũng phải đứng lớp. Các sư thầy dặn khi về thì đừng xóa bảng. Cứ để đó, mai các thầy dựa vào đó lại dạy các cháu tập đọc, tập viết, làm bài tập.
Lớp học hoàn toàn miễn phí. Tiếng lành đồn xa, những gia đình có con khuyết tật không thể đến trường lần lượt mang con đến xin học. Thời điểm cao nhất có hơn 60 học sinh từ nhiều xã trong huyện theo học.
Cô Hòa nhận cả các cháu học chậm, nhà nghèo, học sinh ngồi nhầm lớp…theo học. Sau hai năm, khi những học sinh này có thể hòa nhập được với bạn bè bình thường, cô gửi lại trường nhà nước.
Phòng khách của chùa Hương Lan chỉ vỏn vẹn 18 mét vuông, kê vừa đủ 10 chiếc bàn đôi. Số học sinh đông dần, lớp học ngày một chật chội. Các cô giáo chia số học sinh ra làm năm lớp, từ một đến năm. Mỗi lớp học một góc, quay về một hướng để tiện học bài.
“Nhiều khi học sinh đông quá, phải kê thêm bàn cho các em ra ngoài sân chùa để học”, cô giáo Hòa chia sẻ.
Giáo viên cũng đông dần. Ban đầu chỉ cô Hòa, cô Khoa. Giờ có thêm cô Âu, cô Nhàn, cô Hạnh… Tổng cộng chín giáo viên.
“Thương các con thì đến dạy chứ không có đồng công nào cả. Nhiều lúc cô giáo còn đưa các con đi về”, cô Hòa chia sẻ. Người xe đạp, người xe máy, cứ cuối tuần lại vượt đường xa để đến với các cháu thiệt thòi.
Do hầu hết học sinh đều bị khuyết tật, mỗi em lại một dạng khuyết tật khác nhau mà việc dạy trở nên nhọc nhằn. “Phải kiên trì”, cô Khoa nói, “Có em dạy viết tên hôm trước thì hôm sau lại phải dạy lại. Nóng ruột thì khó lòng dạy được. Cũng có em năm năm rồi vẫn học lớp một bởi bàn tay em yếu quá, không viết được chữ. Có em chậm tiếp thu, khó làm toán”. Nhưng nhiều cô vẫn kiên trì với các em qua năm tháng.
Phần lớn phụ huynh học sinh các em đều nghèo. Có nhà làm nông. Có gia đình làm ở khu công nghiệp. Nhưng mọi người đều cảm tạ tấm lòng của các cô, nhà chùa ở đây.
Sắp tới, để tiện cho việc học của các em, nhà chùa đã vận động các phật tử và nhà hảo tâm quyên góp xây dựng hai phòng học mới.
Tháng 11 sẽ chuyển chỗ học. “Từ tháng sau, các con không phải học chật chội. Cũng không phải rơm rớm nước mắt mỗi khi bị thông báo nghỉ học do nhà chùa bận khóa lễ nữa”, cô Hòa kể.
Cô Hòa đang mang thai tháng thứ tám, nhưng không nghỉ ngơi, cứ cuối tuần là “bỏ quên” gia đình, chồng con để xuống chùa dạy chữ cho các em.
Cô bảo, cuối tuần, không đến chùa cứ thấy thiếu thiếu điều gì đó. Sáng đi, trưa về, chiều đi, tối về. Nhiều người trông thấy bụng cô ngày một to, không khỏi ái ngại, nhưng cô bảo, cố được ngày nào hay ngày đó.
“Sinh xong, mình dự kiến nghỉ ít thôi, còn đi dạy ở trường và đến với các em trong chùa” - cô Hòa nói.
Trưa. Trời vẫn rả rích mưa do ảnh hưởng bão. Cô Hòa cho học sinh về sớm. Nhà chùa thừa lộc phát bánh kẹo cho các em. Cẩn thận, cô đi chia, bỏ vào cặp, túi cho từng học sinh. Có quà, nét mặt các em rạng rỡ hơn hẳn.
Một vài học sinh chưa có người đón, cô cẩn thận ngồi chờ để quản lý. Khi học sinh về hết, cô mới mặc áo mưa, đi xe ra về. Chiều nay, cô cho lớp nghỉ. Ngày mai, nếu không mưa, lớp học sẽ lại tiếp tục, cô giáo với chiếc bụng bầu tám tháng sẽ lại say sưa giảng bài trong lớp học tình thương rộng chưa đầy 20 mét vuông trong chùa Hương Lan…
Nguồn tin: TPO
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự