Huyền thoại kho báu mất dấu dưới chân chùa Ón (kỳ 1)

Thứ hai - 05/11/2012 19:33
Về thăm Mông Phụ lần này, chúng tôi được nghe một cụ già ngót tuổi 90 kể về ngôi chùa độc nhất vô nhị cõi trời nam: ngôi chùa không sư, không tượng, có tiếng linh thiêng và dưới móng chùa là cả một kho báu mang đầy màu sắc huyền bí.

Kỳ 1: Bí ẩn chùa không sư, không tượng

Từ thị xã Sơn Tây, theo hướng Trung Hà đi khoảng 4 cây số sẽ gặp lối rẽ vào làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội), khu vực trung tâm của làng Việt cổ. Thêm vài trăm mét nữa, chếch ánh nhìn sang phía tay trái, chúng tôi bắt gặp một ngôi nhà 3 gian ngói cũ rêu phong, tường đá ong vây hai đầu hồi và phía tường hậu. Sự trống trải của mấy gian nhà làm những người trong đoàn không thể đoán định về kiến trúc kỳ lạ đó.

Tọa lạc 1046 năm tuổi

Ông Phan Văn Lợi, Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm đi cùng hích nhẹ thì thầm: “Chùa Ón đấy. Đằng sau ngôi chùa này là một  huyền thoại và sự bí ẩn”. Ngôi chùa được xây dựng giữa một cánh đồng bằng phẳng, nằm cạnh con đường dẫn vào làng Mông Phụ. Chùa xây theo kiểu chữ Nhị (=) chuôi vồ, phía trước là 3 gian nhà tiền tế, hai bên gian cạnh có 2 bệ ngồi, bên trên tường hậu có xây 2 bệ thờ.

Theo như lời các cụ già trong làng có mặt tại đó cho biết: “Không gian chùa một bên thờ Quan Chúa Ôn (lễ vào ngày mùng 1/4 âm lịch); một bên thờ các quan Đương Niên hành khiển cai quản trần gian. Gian trong nhỏ hơn xây bệ tam cấp là nơi thờ Thổ thần Thổ địa, trước kia trên đó có một bộ hoành phi mang dòng chữ “Ôn Hoà Tự”, ngăn cách giữa gian trong và nhà ngoài có mái ngói riêng biệt gọi là (đấu suối), khi nước mưa chảy vào khoảng sân trống và thoát nước ra ngoài, khai thông tạo khí liên hoàn kết hợp âm dương giao hoà”.

Chùa Ón ngự trên một cánh đồng.

Cụ Hà Văn Soạn, nhà ở dốc vào làng Mông Phụ, cách chùa Ón khoảng 500 mét là một trong các bậc cao niên của làng biết khá rõ về lịch sử ngôi chùa. Cụ cho chúng tôi biết: “Câu đầu chùa Ón còn ghi những dòng chữ Hán: Khởi tạo Bính Dần niên, quý Xuân, Nhâm tý nhật, Mão khắc động thổ; Bình cơ, Ất Mão nhật Dậu thời thụ trụ thượng lương cát. Và cụ tạm dịch như sau: Động thổ vào ngày Nhâm Tý, giờ Mão, tháng 3 năm Bính Dần; Chùa được xây dựng trên một mảnh đất bằng phẳng cao ráo, cất nóc vào giờ Dậu ngày Ất Mão, tốt”.Hướng lên câu đầu bên trái, có bốn chữ kiểu Triện thư: Phú Quý Thọ Khang, cụ nói rằng tạm dịch là: Giàu, Sang, Sống lâu, Mạnh khỏe. 

Tra sách lịch, năm Bính Dần xây dựng chùa ứng với Thập nhị Sứ quân năm 966 thì đến năm 2012 này, thời gian đã là 1046 năm trời. Ngôi chùa vẫn đứng sừng sững bền vững với thời gian, tọa lạc thâm nghiêm trên nền ruộng chùa một mẫu hai sào Bắc Bộ, chứng kiến bao thăng trầm biến đổi của làng quê.

Ly kỳ chùa Ón

Chùa Ón không có tượng và không có sư chăm coi. Đa phần khách thập phương có thể tự ý vào dâng hương cầu lộc tài sức khỏe. Cụ già trong làng cho biết thêm: “Đây là ngôi chùa hết sức linh thiêng, người vô tình xâm phạm hay trai gái quanh quẩn tự tình sẽ gặp những chuyện không may, khó lý giải. Muốn tai qua nạn khỏi phải biết dâng hương sám hối trước bệ thờ”. 

Trong những người cao tuổi đi cùng chúng tôi, cụ Nguyễn Văn Thêm, tuổi hạc gần 90 xuân, kể về truyền thuyết ngôi chùa không tượng khá ly kỳ. Chùa Ón đã có từ rất lâu rồi, hiện nay không còn sử sách chép lại mà chỉ được các cụ xưa truyền lại. Chùa Ón có tên là Chùa Ôn Hoà Tự, Ôn Hoà Tự là tên của một vị tướng người nước Tàu đã từng phò tá Vua Lý Thường Kiệt dẹp tan giặc ngoại xâm ở vùng Hà Bắc, sau đó cụ không nhận chức quan mà đi về miền xuôi. 

Khi đến Đường Lâm một vùng đất cổ mà thấy khí lành, phong cảnh tuyệt đẹp, đất đai, con người thân thiện, cụ chọn làm điểm đến và ở lại khai phá ruộng nương, trồng lúa vun khoai. Với sức khoẻ và bản chất con nhà võ cụ làm ruộng rất giỏi, thóc lúa lương thực nhiều, cụ dành cho những người nghèo. Song với tài thuật phong thuỷ, cụ muốn đặt một ngôi chùa để trấn yểm long mạch trừ tà giúp cho dân làng được thịnh vượng và cụ đã xây một ngôi chùa đó chính là ngôi Chùa Ón ngày nay.


Chùa Ón mặc dù là chùa nhưng không tượng, không sư. Ảnh: Sa Hà.

Sau khi xây chùa xong, cụ xin dân làng hiến 3 mẫu ruộng (1 ha) và đúc một chiếc chuông đồng nặng 145 kg để cung tiến vào đình làng Mông Phụ, chiếc chuông có 4 chữ “Chung Hồng Hoà Tự”; nghĩa là chuông bằng đồng, màu sáng hồng rực rỡ, tiếng chuông ngân sâu, đem điều may cho mọi người, Hoà Tự là tên huý của chủ nhân cung tiến. 

Sau đó cụ xin phép dân làng được ra đầu làng nơi có ngôi Chùa Ón để lập cơ ngơi sinh sống làm ăn và mục đích chính là cụ muốn bảo vệ đánh chặn bọn cướp giữ cho làng xóm được bình yên, vì mỗi khi bọn cướp đến làng chỉ cần nghe đến tên cụ là chúng đã hồn vía lên mây rồi mà không dám đến quấy quả nhân dân nữa. 

Ngày ngày cụ chăm chỉ lao động, tính tình thương người, phóng khoáng, yêu mến trẻ con, thời bấy giờ lũ trẻ trong làng đi chăn trâu cắt cỏ đều muốn đi sớm về muộn để được vào chùa chơi đùa, được cụ thường cho ăn lộc chỉ là những phẩm oản xôi nếp, củ khoai luộc, bắp ngô, con cá, con cua nướng... 

Khi rảnh rỗi cụ dạy cho cách cày cấy, trồng cây, chăm bón, dạy làm diều giấy…, đặc biệt lại nhớ lại nghiệp xưa cụ thể hiện múa những đường quyền cước cho lũ trẻ xem và học tập, mục đích nhằm rèn luyện sức khoẻ, tài đức và trí tuệ con người. 

Cụ dậy võ, dạy vật. Các phương pháp dạy của cụ thật đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc nhưng lại có pháp thuật cao siêu. Dần dần tiếng lành đồn xa, các thanh thiếu niên trong làng ngoài xã biết tiếng đến theo đòi học luyện võ học vật. 

Cụ đề nghị dân làng cho mở hội vật đua tranh tìm ra những người hiền tài giúp dân giúp nước, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch là ngày Tết Hàn Thực, Chùa Ón chính là nơi các cụ bô lão trong làng và cụ Ôn Hoà Tự đứng ra tổ chức hội vật, trước khi tổ chức hội vật làng tổ chức tế lễ tại đình làng, cầu đức Thành Thành Hoàng phù hộ độ trì cho bá tánh muôn dân. 

Các thanh niên trai làng được tiến cử làm đô vật khiêng chiếc chuông đồng từ đình làng ra Chùa Ón, ông chủ lễ hội đánh đủ 3 hồi 9 tiếng (tổng cộng 99 tiếng) chuông sau đó làm lễ tế thổ thần tại Chùa Ón. Tiếng trống cái dồn dập hoà theo nhịp tế lễ tại nời Chùa Ón, các thể lệ, lễ nghi được công bố rõ ràng, các đô vật lần lượt vào làm lễ tế Thần và làm lễ “xe đài” trước khi vào thi đấu. 

Cuộc đấu vật được diễn ra trong một buổi chiều cùng ngày. Từng cặp lần lượt vào thi đấu, sau 3 hiệp nếu bên nào được 2 lần thì sẽ thắng cuộc, cả người thắng, người thua đều có thưởng; tuy nhiên bên thắng sẽ được thưởng cao hơn, cứ vậy cho đến phần kết hội vật là lễ “vuốt giải”. 

Tham gia Vuốt giải để tranh Nhất - Nhì cho cặp xuất sắc nhất trong hội vật. Lúc đầu chỉ là Hội của làng rồi Hội vật Chùa Ón được mở rộng lan truyền đến các tổng lân cận, có rất nhiều đô vật từ các tỉnh xa cũng cơm nắm muối vừng, cà muối về tham gia lễ hội.  Nếu đô vật nào tham gia vuốt giải mà thắng cuộc đạt giải Nhất thì được coi đó là người Hùng và năm đó sẽ được nhiều điều may mắn. Nhưng có điều rất kỳ lạ năm sau không tham gia thi đấu trong hội vật thì quả là súi quẩy. 

Những chuyện về Chùa Ón có lẽ còn nhiều, đến nỗi người làng ít kể vì sợ câu chuyện mình nói ra bất cập. Nhưng thiết nghĩ chuyện kho báu bị mất dấu dưới thềm chùa cần được ghi nhớ kẻo khi người cao niên theo bóng hạc mây trắng, ta lại thầm tiếc những điều kỳ thú trên quê hương rơi vào quên lãng.

(Còn nữa)

Nguồn tin: ĐVO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây