Lau dọn sân chùa cũng là tích đức, tích phúc

Thứ tư - 11/09/2013 14:48
"Lau dọn sân chùa như này cũng là đang tích đức, tích phúc rồi đấy!", Thầy chỉ dạy.
Sân chùa gạch đỏ, lá vàng rơi, cảm giác thật bình yên...
Sân chùa gạch đỏ, lá vàng rơi, cảm giác thật bình yên...
Mưa càng rơi, mấy Thầy trò càng "hăng say" lau dọn sân chùa trong niềm vui và sự an lạc. Thầy cười và bảo: "Lau dọn sân chùa cũng là đang tích đức, tích phúc rồi con ạ".
 
Sau khi ăn cơm xong, tôi thị giả Thầy lên phòng, trước khi nghỉ trưa, Thầy bảo:
 
- Chiều nay, 3h cả nhà mình lau dọn sân chùa trước cửa chùa cho sạch nhé
 
Tôi gật đầu và thưa:
 
- Adidaphat! Vâng, con thưa Thầy
 
Tôi chào Thầy và lên phòng của mình nghỉ trưa. Nơi tôi nằm ngủ, cạnh cửa sổ gần sân chùa, trời mưa rả rích kèm theo là những cơn gió lạnh thổi vào khiến tôi ngủ không được trọn giấc. Mặc dù, Thầy nói 3h mới phải đi lau dọn sân nhưng 2h25 phút tôi đã dậy, xuống dưới trai đường lấy chiếc áo mưa, cái nón, bàn chải sân và đôi ủng cao su, chuẩn bị "quân tư trang" đầy đủ để...ra sân.
 
Lúc này, mọi người vẫn còn ở trong phòng, còn tôi ở sân và bắt đầu công việc của mình. Tôi bước xuống sân phía trước ngôi Tam bảo. Mưa nhiều, rêu phủ kín bề mặt sân, khiến sân ngày một trơn hơn, đi lại ít nhiều gặp khó khăn. Hôm nay, là ngày mùng Một đầu tháng, người đến lễ Phật đông hơn ngày thường, người nào đi ngang qua chỗ tôi làm cũng nhìn, cũng mỉm cười nhưng dường như tôi không để ý tới những hành động đó của họ.
 
Tôi mải miết kỳ cọ sân, mỗi một cái đẩy bàn trải lên, hạ bàn trải xuống, tôi lại niệm bốn chữ " A Di Đà Phật". Cứ như vậy, tôi làm trong sự thanh thản, không bận lòng đến việc mình đang bị ướt quần, ướt áo hay xung quanh có những ai đến lễ. Cho tới hơn 3h chiều, Thầy và mấy sư bác, cùng một số phật tử ra sân làm việc cùng. Mọi người ngạc nhiên khi tôi đang có mặt ở đó, có sư bác cất giọng và cười:
 
- Đệ tử này ngoan ghê. Đã "thiền trà" rồi đấy....
 
Lúc này tôi chỉ biết nhoẻn miệng cười ngượng ngùng mà thôi. Bây giờ, người làm việc đã đông, phân công mỗi người một việc. Người cọ sân, người quét sân, bơm nước, hớt rác,...Để tránh bị ướt, mỗi người khoác trên người một chiếc áo mưa rồi xắn ống quần, tay áo lên, ngay cả Thầy cũng như vậy. Nhìn ai cũng khí thế lắm. Mỗi lúc trời càng mưa to, mấy Thầy trò càng "hăng say" làm việc hơn. Thầy chỉ dạy:
 
- Lau dọn sân chùa như này cũng là đang tích đức, tích phúc rồi đấy!
 
Mọi người nghe xong cười hoan hỷ và tiếp tục làm phần của mình. Lúc này, tôi không niệm Phật nữa mà làm việc trong sự im lặng, thi thoảng cất giọng bông đùa với ai đó cho vui rồi nhìn mọi người đến chùa lễ Phật. Người đến lễ chủ yếu là các bạn trẻ, hoặc dân văn phòng. Sau khi đi học, đi làm về, họ trở về chùa để lễ Phật, cầu bình an cho bản thân và gia đình tháng mới. Nhìn thấy vậy tôi cũng vui, bởi ngày nay người trẻ biết đến chùa, biết đến đạo Phật là một điều đáng mừng cho nền Phật giáo nói chung.
 
Trở lại công viêc lau dọn sân chùa, gần 5h30 chiều, công việc vẫn chưa xong, thực sự lúc này ai cũng mệt và đói bụng rồi nhưng Thầy vẫn đang làm việc tỏ ra không mệt mỏi chút nào nên không ai ngừng lại. Nhìn Thầy, mọi người lại tiếp tục làm việc. Cho đến lúc hơn 18h, trời đã tối hẳn, Thầy bảo mọi người vào rửa chân tay rồi ăn tối còn lên chùa tụng kinh.
 
Lúc này, tôi đã bị ướt hết quần áo, người lạnh lạnh và bụng đói cồn cào, chỉ kịp rửa tay rồi vào trai đường lấy một nắm xôi trên bàn ăn "ngấu nghiến" cứ như mình đang bị đói lắm ấy. Ăn xong nắm xôi, nhìn ra ngoài sân vẫn thấy Thầy đang quét sân. Tôi lại chạy đi lấy cái chổi và làm việc cùng Thầy. Hai Thầy trò vừa làm việc, vừa nói chuyện, cảm giác thấy vui vui...Mỗi lần làm việc cùng Thầy, tôi lại tranh thủ xin Thầy chỉ dạy những điều gì tôi còn vướng mắc. Cứ như vậy tôi thấy mình đỡ vấp ngã hơn trước những chướng duyên của cuộc đời này.
 
Cho tới gần 19h, công việc lau dọn sân mới kết thúc thực sự. Tôi đi bật điện quanh sân chùa cho mọi người đến lễ Phật được thuận tiện và dễ dàng hơn, sau đó đi tắm giặt rồi ăn cơm thị giả Thầy.
 
Buổi tối đó, tôi cứ nghĩ mãi lời Thầy chỉ dạy, "Lau dọn sân chùa cũng là tích đức, tích phúc", chiêm nghiệm mới thấy nó đúng nhường nào. Nhiều khi con người ta cứ mải mê theo kiểu phô trương, cứ nghĩ mình làm việc lớn lao hay cúng dường thật nhiều vào chùa mới là tích đức, tích phúc. Nhưng không hẳn vậy, phúc đức tại tâm, mọi việc ta làm xuất phát từ tâm thì chính là ta đang tạo phúc đức rồi. Chứ không nhất thiết phải "mâm cao cỗ đầy" mới là tích phúc, tích đức...

Nguồn tin: PGVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây