Hết đi đường bộ, rồi lại qua phà, tôi mới tới cù lao giữa sông Tiền. Cù lao rộng mênh mang, gồm 3 xã Tân Quới, Tân Huề, Tân Bình (thuộc huyện Thanh Bình, Đồng Tháp).
Từ trung tâm xã Tân Quới, phải thuê xe ôm đi lòng vòng mấy cây số trên con đường nhỏ cát bụi mù trời, tôi mới tìm thấy con rạch Mã Trường hiền hòa, nơi từng diễn ra một vụ giết người hàng loạt của tên thầy bùa để luyện thiên linh cái gây rúng động cả vùng miền Tây rộng lớn.
Anh xe ôm hay chuyện, tỏ ra rành mọi thứ ở cù lao giữa sông Tiền này, nhưng khi hỏi về vụ giết người của tên thầy bùa trên cù lao, thì anh kể chuyện rất mơ hồ, không nắm được thông tin gì.
Rạch Mã Trường, nơi gắn với câu chuyện kinh hoàng về gã thầy bùa Hai Tân. Vượt qua cây cầu treo bắc ngang rạch Mã Trường, sang đất Tân Huề, hỏi đường mấy lần, thì anh xe ôm dừng lại trước 2 ngôi nhà nằm chơ vơ bên triền đê, giữa cánh đồng bát ngát, dưới tán mấy cây bạch đàn. Ngôi mộ xây nổi trên mặt đất, nằm chềnh ềnh trước nhà. Một số vùng miền Tây Nam Bộ có tục chôn người chết ngay trước cửa nhà, để người sống được gần gũi người chết.
Từ hàng trăm năm nay, vẫn có lời đồn các đạo sĩ vùng Thất Sơn (Bảy Núi) thuộc tỉnh An Giang và vùng núi Tà Lơn (Campuchia) ẩn cư cả đời trong rừng để luyện bùa phép, trong đó có phép biến hình.
Người ta đồn rằng, các đạo sĩ phải dùng 9 sọ của những cô gái đồng trinh để luyện phép. Khi luyện phép thành công, thầy bùa hay đạo sĩ có thể làm những việc thần thông quảng đại, chữa bệnh cứu người. Những người này có mình đồng da thép, súng bắn không chết, đặc biệt là có khả năng biến hình, độn thổ.
PV VTC News đã trở lại vùng Thất Sơn huyền bí giải mã thứ tà thuật vô cùng kinh dị này.
Thấy khách lạ, mấy đứa trẻ tíu tít đến xem mặt. Bà Võ Thị Bẳng dò dẫm ra ngoài, bám bên bậu cửa ngôi nhà sàn, ngó xuống hỏi: “Mấy chú kiếm ai?”.
Thấy tôi ngó nghiêng xem ngôi mộ trước nhà, bà Bẳng kêu đó là mộ chồng bà. “Số tui vất vả lắm các chú hè. Tui sinh ra ở Tân Quới. Ba má đẻ tới mười mấy con lận. Tui là thứ tám, nên gọi là Tám Bẳng.
40 năm trước, lấy chồng, hổng có miếng đất cắm dùi, nên vợ chồng tui rủ nhau ra chỗ đất sình lầy này sanh cơ lạp nghiệp à. Nhưng số tui đen lắm. Ổng nhà tui mắc bạo bệnh, chảy máu bao tử hổng có tiền chữa, nên chết thảm lắm. Ổng chết năm 39 tuổi. Một mình tui nuôi 4 đứa con sao nổi, may mà có một ổng trong cù lao thương xót, rước về làm vợ, nên tui có chỗ dựa.
Tui sinh với ổng 2 đứa nữa. Nhưng ổng cũng bỏ tui về với tổ tiên mất à. Ổng chết vì tai biến hồi 57 tuổi. Tui sống một mình lủi thủi giữa cánh đồng này từ bấy, nhưng bệnh tật riết chú ơi. Tui vừa đi nằm viện chích thuốc một tháng mới về, còn mệt lắm.
Cái mộ trước nhà là chồng lớn của tui đó. Tui đưa ổng về đây ở cùng con cháu cho đỡ tủi. Sau tui cũng sẽ rước ông chồng hai về đây để tiện hương khói”.
Chúng tôi nhắc đến cô gái út của chồng lớn, tên là Trần Thị Phượng, bà Tám Bẳng, người phụ nữ lớn tuổi hay chuyện bỗng im bặt. Bà quay mặt nhìn ra con rạch Mã Trường dài hun hút. Mãi sau thì bà khóc.
Bà bảo: “Cái Tư Phượng là đứa thứ 4, nhưng là đứa út của chồng lớn. Nó ngoan lắm, nó xinh nhứt nhà luôn hè. Nhắc đến nó tui đau lòng lắm. Tui thương nó quá, nên mới đổ bệnh thế này. Nhiều năm trôi qua rùi, mà tui vẫn chưa nguôi được. Nó chết thảm lắm”.
Sau khi lấy lại bình tĩnh, gạt những giọt nước mắt thấm ướt làn da nhăn nheo dưới đôi mắt, bà Tám Bẳng mới bắt đầu câu chuyện về cô con gái đã chết thảm dưới tay gã thầy bùa.
Bà Tám Bẳng. Theo lời bà, năm 22 tuổi, Tư Phượng lấy chồng, là chàng trai cùng ấp. Tư Phượng trắng trẻo, xinh đẹp nhất ấp. Chồng cũng khỏe mạnh, cường tráng, nhưng không hiểu sao, hai năm đầu ấp tay gối, mà chưa có được mụn con.
Cuộc sống ở cù lao lam lũ quá, nên Phượng theo bạn bè lên Sài Gòn làm công nhân may. Thế nhưng, đi chưa được bao lâu, người chồng ở nhà sinh ra buồn rầu, nhớ nhung vợ. Anh thường xuyên gọi điện kêu vợ về, nghèo khó cũng được, miễn ở bên nhau.
Tuy nhiên, công việc đang ổn định, thu nhập khá, nên Phượng không muốn về. Người chồng buồn chán, uống rượu nhiều, nên mắc bệnh. Trong tình cảnh ấy, Phượng buộc phải nghỉ việc về nhà chăm chồng.
Nghe mọi người trong ấp mách có ông thầy Hai Tân, ở bên kia rạch Mã Trường, thuộc ấp Hạ, xã Tân Quới rất rành bốc thuốc cứu người, lại giỏi bùa phép, Phượng rất tò mò muốn gặp. Nếu được thầy bốc thuốc giúp trị khỏi bệnh cho chồng thì tốt quá. Tiện thể, Phượng cũng nhờ luôn ông thầy bí ẩn này cho một lá bùa, khiến người chồng yêu mình ít đi, không còn nhớ nhung rồi dằn vặt vợ nữa, để Phượng chí thú làm ăn, kiếm tiền lo cho tương lai sau này.
Mộ chị Phương. Mấy năm trước, vùng đất giáp ranh Tân Huề và Tân Quới đồng không mông quạnh, mùa nước ngập trắng băng, chỉ có lau lác. Đường sá chưa có nên phương tiện đi lại duy nhất là ghe, thuyền. Phượng rủ cô em họ cùng chèo thuyền đến ấp Hạ của xã Tân Quới gặp ông thầy bí ẩn, sống trong ngôi nhà lẻ loi giữa đồng rộng mênh mông.
Theo lời mách của mấy bà chị trong ấp, thầy Hai Tân chỉ tiếp khách, trị bệnh, bốc bùa vào đêm tối, nên sau khi cơm nước xong, 8 giờ đêm, Đồng Tháp Mười chìm trong bóng đêm mênh mang, hai chị em Phượng mới tìm đến nhà thầy.
Nghe tiếng gõ cửa, ông thầy này ló đầu ra, chiếu đèn pin vào mặt hai cô gái, nhìn từ đầu đến chân, rồi nói như cáu: “Các cưng không hiểu quy cách làm việc của tui à. Bùa của tui chỉ hiệu nghiệm khi luyện vào lúc nửa đêm và chỉ giúp từng người một thui. Hai cưng về đi”. Nói xong, ông thầy bùa bí ẩn đóng sầm cửa.
Tư Phượng đem chuyện này hỏi mấy bà, mấy chị trong ấp, thì mấy bà cũng công nhận rằng ông thầy bùa bí ẩn này chỉ làm bùa vào lúc nửa đêm và làm cho từng người.
Nghe nói, lúc đó trời đất giao hòa, thời khắc chuyển sang ngày mới, nên bùa mới mạnh. Mặc dù sợ tối, thân gái một mình tìm đến nhà ông thầy bùa này lúc nửa đêm chỉ nghĩ thôi đã lạnh cả người, nhưng vì nghĩ đến bệnh tật của chồng và tương lai của mình, nên Phượng đã mạnh dạn chèo thuyền một mình dọc con rạch Mã Trường đến nhà thầy bùa Hai Tân lúc nửa đêm.
Gõ cửa, thầy bùa không mở cửa mà kêu chui xuống gậm nhà, ngoi lên cái lỗ, để chui vào nhà. Theo ông thầy bùa này, nếu vào lối cửa chính thì bùa mất thiêng.
Còn tiếp…