Ðạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương tu dưỡng các đức tính tốt, mà còn là gương ứng xử theo truyền thống văn hóa Việt Nam. Ðây là chuẩn mực đạo đức, mà những người con Phật giáo luôn noi theo và lấy đó làm kim chỉ nam cho mình trong cuộc sống - đó là tâm sự của sư cô Thích Ðàm Ngọc, ở chùa Ninh Xá Hạ (xã Yên Minh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Ðịnh).
Chúng tôi đến chùa Ninh Xá Hạ khi chiều tắt nắng. Tiếng chuông chùa thánh thót ngân nga, gợi khung cảnh yên bình của miền quê Yên Minh, Ý Yên nổi tiếng với nghề đúc đồng. Mảnh mai và hiền dịu, sư cô Thích Ðàm Ngọc tỉ mỉ pha trà mời khách. Nghe chúng tôi hỏi về giải ba toàn quốc và giải nhì cấp tỉnh trong cuộc thi kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sư cô khiêm tốn trả lời: Ðây là giải "áo nâu", có gì đáng nói đâu!
Sư cô Thích Ðàm Ngọc kể rằng, đã đọc rất nhiều mẩu chuyện về cuộc đời và thân thế sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhưng ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện: "Phải biết quan tâm đến mọi người hơn".
Chuyện kể rằng, hồi Trường Ðảng Nguyễn Ái Quốc còn ở căn cứ kháng chiến Việt Bắc, một lần Bác Hồ đến dự lễ bế giảng của trường. Khi xuống thăm nhà bếp, thấy làm cỗ có vẻ linh đình, Bác nói với đồng chí phụ trách trường: "Này, bế giảng chứ không phải "bế bụng" đâu nhé! Kháng chiến còn khó khăn lắm đấy, các chú ạ". Ðến bữa ăn, thấy mâm cơm chỉ có một cái bát, một đôi đũa, Bác hỏi: "Thế Bác ăn với ai?". Ðồng chí phụ trách trường gãi đầu, gãi tai: "Dạ , xin để Bác ăn riêng cho tiện...". Bác ngắt lời: "Không tiện gì cả. Thế các chú muốn Bác ăn trên ngồi trốc à?". Và Bác bảo kê thêm bàn ghế cho mọi người cùng ăn với Bác và gọi: "Ngồi cả vào đây, ăn chung với Bác, ăn một mình Bác ăn sao được?". Buổi tối, Bác ở lại trường làm việc. Các đồng chí mang đến một chiếc đèn tọa đăng rất sáng. Bác cầm cây đèn đó xuống văn phòng nhà trường bảo: Ðèn này to tốn dầu lắm! Bác còn làm việc khuya, một chiếc đèn con thôi cũng đủ. Các đồng chí đổi cho Bác cây đèn khác". Hôm sau, trước lúc chia tay trường, đồng chí phụ trách lễ phép hỏi Bác, có điều gì căn dặn thêm về công việc của trường. Người ân cần nói: "Tôi chỉ mong các đồng chí đừng quan tâm đến tôi quá, mà phải quan tâm đến mọi người hơn".
Kể đến đây, sư cô Thích Ðàm Ngọc chậm rãi nói tiếp: Câu chuyện ngắn gọn, nhưng hàm súc ý nghĩa to lớn về hình ảnh một vị Chủ tịch nước giản dị, tiết kiệm. Người không bao giờ cho phép mình lãng phí dù chỉ một bữa ăn, hay một cây đèn dầu, tự hạn chế mình không ham mê vật chất, nhưng lại luôn quan tâm lo lắng cho dân, cho nước từ những điều nhỏ nhất như bát cơm, manh áo... suốt đời tâm niệm là công bộc của dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, luôn hòa mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, mà không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình. Hình ảnh Người vui vẻ cùng cán bộ, nhân viên nhà trường bên bàn ăn, cho ta thấy một nhân cách hòa đồng, gần gũi, một trái tim nhân hậu, một tình thương vô bờ bến chỉ có ở người lãnh tụ cách mạng, một vĩ nhân. Sự bao dung bình dị, tình cảm yêu thương chân thành của Bác đã xóa đi khoảng cách giữa người lãnh tụ và quần chúng nhân dân. Bác không đặt mình vào địa vị Chủ tịch nước hay một vị lãnh tụ cấp cao, không "quan liêu, hách dịch" như chúng ta thường gặp đâu đó trong xã hội, mà với mọi người, Bác thật gần gũi, thân thương nhường nào. Ðúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Người là Cha, là Bác, là Anh; Quả tim lớn, lọc trăm dòng máu đỏ". Câu chuyện kết thúc bằng một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng thật thấm thía, xúc động: "Tôi chỉ mong các đồng chí đừng quan tâm đến tôi quá, mà phải quan tâm đến mọi người hơn".
Chúng tôi ngồi nghe, lặng đi vì xúc động và bị cuốn hút vào câu chuyện của sư cô Thích Ðàm Ngọc kể về Bác Hồ kính yêu. Những cảm xúc về vị cha già của toàn dân tộc Việt Nam bỗng ùa về thật sâu lắng qua giọng kể truyền cảm của sư cô. Lặng đi hồi lâu, tôi mới hỏi: Vậy câu chuyện này có tác động gì đến đời sống của một người đi theo và phụng sự phật pháp như sư cô ?- Có chứ!- Sư cô trả lời và khẳng định: Câu chuyện luôn theo tôi hằng ngày trong cuộc sống. Bởi những triết lý này không phải là điều gì lớn lao, khó làm trong cuộc sống hằng ngày. Những lời dạy của Bác không cao xa mà vô cùng giản dị - giản dị như chính cuộc đời của Người vậy. Và chính nhân cách của Người, đạo đức của Người, cuộc đời của Người đã khắc sâu vào tiềm thức người dân Việt Namnói chung, người con Phật giáo chúng tôi nói riêng những tình cảm không thể phai mờ. Ðạo Phật có một câu kinh: "Hương của các loài hoa không bay ngược chiều gió. Hương của người đức hạnh bay ngược khắp muôn phương". Chủ tịch Hồ Chí Minh là người như vậy. Với tôi, học Bác cũng là học Phật và học Phật cũng là học Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói về Phật giáo: Tôn chỉ mục đích của Ðức phật, nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm. Nếu cốt lõi của Ðạo phật là: Từ, bi, hỷ, xả, vô ngã, vị tha, cứu khổ, cứu nạn; thì nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cũng là cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, cứu nước, cứu dân. Ðó chính là hai điểm tương đồng của hai nền đạo đức, hai tư tưởng lớn hội tụ soi đường cho nhân loại hướng tới chân, thiện, mỹ. Dân tộc Việt Nam thật may mắn khi có một vị lãnh tụ như Người, đạo đức như Người. Người đã đi xa, nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức ngời sáng của Người vẫn sống mãi với thời gian.
Học theo Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, hằng ngày, sư cô Thích Ðàm Ngọc luôn phấn đấu là công dân mẫu mực, không ngừng tu dưỡng đạo đức, nêu cao tinh thần hòa hợp của Phật giáo, giữ gìn khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, đem đạo vào đời, dìu dắt tín đồ phật tử xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, xây dựng chùa tinh tiến. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Phải biết quan tâm đến mọi người hơn", bằng những hành động cụ thể, sư cô cùng tăng ni, phật tử Nam Ðịnh đóng góp tích cực vào công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện xã hội như: xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, mua sổ tiết kiệm tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng học bổng các cháu học sinh nghèo vượt khó... để xoa dịu nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh. Từng giọt công đức cứ bền bỉ góp lại, sư cô mong muốn được sẻ chia miếng cơm lúc đói, manh áo khi rét cho những người cơ hàn và mang lại sự thanh thản, an bình cho mỗi người, bớt đi cái ác cho xã hội.
Thật vậy! Ðã có không ít các phật tử khi đến với chùa thường mang theo nỗi âu lo khi con dâu không thương, hay cãi mẹ chồng. Bữa cơm dọn ra toàn những món băm to, kho mặn; các con chưa ngoan, lười học, đua đòi ăn chơi và một số ít gia đình vợ chồng thường hay xô xát, người chồng ưa dùng tay, chân hơn dùng lời nói yêu thương với vợ... Nghe được những tâm sự này, sư cô Thích Ðàm Ngọc gặp riêng từng người, lựa lời khuyên giải các phật tử có những khúc mắc trong cuộc sống gia đình. Các cháu học sinh đến với nhà chùa theo yêu cầu của gia đình được sư cô giải thích, chỉ ra những điều sai, khen ngợi những ưu điểm và cho đọc những sách người tốt, việc tốt đã trở nên dễ bảo, không cãi cha mẹ và nói trống không; với cô con dâu hay cãi mẹ chồng, sư cô khuyên bảo, các cụ già cần tình cảm kính trên, nhường dưới, không thương con cháu thì thương ai? Mỗi người nhẫn nhịn một chút tự nhiên gia đình yên ấm. Vậy là "nói phải củ cải cũng nghe", các cô dâu đã biết nói lời lễ phép: "Chào mẹ con mới đi làm về. Hôm nay mẹ muốn ăn gì để con đi chợ". Và vui hơn khi những người vợ, người chồng tưởng chừng phải chia tay nhau, không thể sống được với nhau, thì ngày rằm, mồng một, ngày Lễ Vu lan, Lễ Phật đản... đã vui vẻ cùng nhau đến chùa đi lễ và cảm ơn sư cô.
Vậy là như "mưa dầm thấm sâu", ngày ngày, sư cô Thích Ðàm Ngọc bền bỉ làm công việc của một người xuất gia, với mong muốn mang lại sự an bình cho mỗi người. Ðiều này gợi cho tôi nhớ tới tâm niệm của sư cô: "Về vật chất tôi chỉ đóng góp được một phần rất nhỏ, nhưng về tinh thần luôn cố gắng mang đến cho các tín đồ phật tử ở nơi tôi trụ trì một cuộc sống bình yên. Mỗi phật tử khi đến với ngôi chùa làng ra về, họ có những phút giây, ngày tháng an vui, hạnh phúc hơn trong cuộc sống bộn bề lo toan, tất bật hằng ngày...".
Nguồn tin: Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự