- Ba mẹ tôi đi lên từ hai bàn tay trắng, cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ vẫn sẵn sàng chia sẻ với những người khó khăn hơn. Có lẽ điều đó đã tác động lên bản thân tôi từ nhỏ, nên với khả năng của mình, nếu giúp đỡ được người khác, tôi luôn sẵn lòng chìa tay ra để người khác nắm khi họ gặp khó khăn.
Đặc biệt, tôi là người được nhận rất nhiều từ gia đình, người thân, bạn bè. Khi nhận được nhiều tôi cũng mong muốn san sẻ, cho đi như một cách để trả ơn những gì mình được nhận.
Dịch ảnh hưởng rất nhiều tới công ty của tôi. Từ cuối năm ngoái, chúng tôi đã đặt mục tiêu hoàn thành việc mở rộng 3.000 đại lý để giới thiệu sản phẩm của công ty trong quý 2 năm nay. Nhưng sau tết, dịch kéo dài, mọi việc phải tạm ngưng. Mấy tháng vừa rồi tình hình tạm ổn nên công ty cũng đã chi khoản lớn để tổ chức các sự kiện, dịch lại bùng phát nên coi như công cốc. Thậm chí, vào lúc khó khăn nhất đã làm công ty tôi cạn kiệt, tôi phải bán nhà và cầm cố tài sản làm vốn lưu động để trả lương nhân viên, nguồn thu giảm khoảng 50%, nhưng chúng tôi vẫn sống được. So với nhiều người, tôi vẫn còn may mắn hơn khi đủ khả năng trụ lại.
PV: Từ mô hình ATM gạo của mình, anh đã trao được bao nhiêu ký gạo cho người nghèo?
- Trong đợt đầu tiên, khi phải cách ly xã hội, nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là làm một việc gì đó để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình vượt qua giai đoạn này. Có ít thì làm ít, lúc đầu bản thân tôi chỉ nghĩ có thể trích ra khoảng 500 kg gạo để mỗi ngày giúp những người rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo. Nhưng may mắn sau đó, mô hình ATM gạo của tôi lại được nhiều người ủng hộ, không ít nhà hảo tâm cũng đem gạo tới góp nên từ dự định 500 kg chúng tôi đã phát được 5 tấn gạo mỗi ngày ở một điểm phát.
Từ chiếc máy đầu tiên, mô hình ATM gạo của tôi được nhân rộng trên toàn quốc với hơn 100 máy, thành ra nếu tính tổng số gạo phát đi mỗi ngày có thể dao động ở con số rất lớn, từ 50 - 500 tấn/ngày tại thời điểm đó.
PV: Khi dịch bùng phát lại vào thời điểm này, tại sao anh không tiếp tục phát gạo cho người nghèo mà chuyển sang phát khẩu trang?
- Tùy thời điểm mà tôi chọn sản phẩm phù hợp. Khi giãn cách xã hội, nhiều người mất việc làm đột ngột thì với người lao động nghèo, việc đầu tiên là phải đảm bảo được bữa ăn hằng ngày. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên tôi chọn phát gạo, hy vọng họ có thể duy trì được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.
Còn thời điểm này tôi chọn phát khẩu trang vì hiện giờ mọi người vẫn phải đi làm hằng ngày, nhưng việc trích ra một khoản mua khẩu trang với nhiều người vẫn còn rất khó khăn. Trong khi đó, thời điểm này ưu tiên hàng đầu phải là phòng bệnh, đảm bảo an toàn cho bản thân, khích lệ mọi người chung tay phòng dịch.
PV: Trong quá trình làm từ thiện, anh có gặp sự cố gì không?
Sự cố ATM gạo thì chắc mọi người ai cũng biết. Khi phát minh ra ATM gạo, mô hình này đã được nhân rộng khắp cả nước, được cộng đồng khen ngợi. Nhưng sau đó chúng tôi cũng có những thiếu sót khi nhân viên của mình bắc loa mời một người đang chờ xếp hàng để nhận gạo đi ra, vì cho rằng người này không đủ điều kiện nhận. Sau đó, có người lại mạo danh nhân viên chúng tôi để miệt thị người bị mời ra này khiến sự việc càng bị đẩy đi xa.
Sự cố khiến cả nhóm đã phải nhận hàng nghìn lời chỉ trích, xúc phạm. Còn riêng bản thân tôi nhận hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi xúc phạm, đe dọa.
Lúc đó tôi đang đi miền Tây để lắp ráp ATM gạo ở 5 tỉnh với dự kiến hoàn thành trong hai ngày. Tuy nhiên, đang làm giữa chừng, nhận được thông tin nên tôi quay về TP.HCM để xem xét, giải quyết vấn đề.
Từ trước giờ tôi chưa bao giờ trải qua những sự cố như thế này nên ngay khi nhận được thông tin vụ việc, tôi rất sốc.
PV: Phải chăng cuộc đời của anh trước đó quá bằng phẳng?
- Không! Nói bằng phẳng thì cũng không hẳn. Tôi có 13 năm du học và làm việc ở Úc, tôi từng suýt tự tử vì lâm vào cảnh phá sản. Hồi đó, khi mới 24 tuổi tôi đã mở công ty tham gia chương trình lắp tấm cách nhiệt và kiếm được 1 triệu đô la Úc chỉ trong vòng 6 tháng. Nhưng rồi, tất cả biến mất lúc 12 giờ trưa ngày 19.2.2010 khi chính phủ Úc thông báo còn 5 tiếng nữa chương trình lắp tấm cách nhiệt hết thời hạn. Chương trình dừng đột ngột trước hạn, tôi như té ngửa khi còn 50 container tấm cách nhiệt ở kho. Đấy là một con số lớn khủng khiếp, tôi mất trắng và lúc đấy chỉ muốn kết thúc cuộc đời để không phiền lụy đến ai. May mắn là mẹ tôi gọi điện, và cứu tôi ra khỏi suy nghĩ tiêu cực đó.
PV: Có lúc nào anh nghĩ tới việc dừng hoạt động của máy ATM gạo miễn phí?
- Thực sự là lúc nhận được thông tin sự cố khiến nhiều người bức xúc, khi ngồi trên xe để về lại TP.HCM, tôi đã nghĩ ATM gạo ở Rạch Giá (nơi vừa lắp đặt xong) sẽ là ATM gạo cuối cùng. Tôi đã nhắn tin cho nhân viên thu xếp mọi thứ để đóng hệ thống phát gạo miễn phí này trong vòng hai ngày sau đó.
Khi làm việc thiện, chúng tôi không thu nhận được bất cứ lợi ích nào cho bản thân. Giờ công việc xảy ra sai sót, cả người thân trong gia đình cũng bị xúc phạm, ảnh hưởng tới nhân viên trong công ty nên tôi thấy không ổn.
Nhưng sau đó, tôi nhận được không ít cuộc gọi từ các nhà hảo tâm, những người đã góp gạo, đồng hành với mình trong suốt thời gian qua, đặc biệt khi về tới nơi, nhìn những người dân nghèo cười hớn hở lúc nhận gạo, tôi đã suy nghĩ khác…
Trong danh sách những người phản đối, chỉ trích chúng tôi không có bạn bè, người thân, những kênh truyền thông chính thống, nhà hảo tâm và cả người dân nghèo… Vậy tại sao tôi lại phải dừng hoạt động này lại? Thế là tôi quyết định gác những chuyện không vui, hay búa rìu dư luận qua một bên để hoàn thành mục tiêu đã đặt ra trước đó là 1 triệu lượt người được nhận gạo miễn phí trong mùa dịch.
Từ hoạt động từ thiện của mình, tên của Hoàng Tuấn Anh được nhắc đến trên nhiều báo đài uy tín thế giới - Ảnh: Nguyễn Loan
PV: Ngoài ATM gạo, khẩu trang, từ trước tới nay anh có làm hoạt động từ thiện khác chưa?
- Trước đây khi thu nhập ít, tôi thường hay giúp đỡ người thân trong gia đình. Đối với tôi, người thân vẫn là người cần giúp trước. Mấy năm gần đây khi thu nhập khá lên thì tôi bắt đầu các chương trình từ thiện xã hội.
Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, tôi từng có thời gian dài chăm sóc mẹ điều trị ung thư ở Úc. Cứ hai tuần tôi và anh trai lại thay phiên nhau chăm mẹ. Thời gian còn lại thì mẹ con liên lạc qua video gắn ở chuông camera. Nhờ kinh nghiệm chăm mẹ ở bệnh viện, khi đại dịch xảy ra, tôi lập tức liên tưởng đến các y bác sĩ cần nhất là gì và mình có thể giúp gì, tôi nghĩ ngay chuông camera có thể giúp các y bác sĩ theo dõi bệnh nhân y như mình với người thân.
Như đợt Covid-19 đầu tiên, khi có quá nhiều người cần cách ly nhưng số lượng nhân viên y tế có hạn, nên tôi đã nhớ lại mô hình camera có chuông gắn ở phòng bệnh của mẹ. Tôi đã chế tạo lại mô hình này và liên lạc với bệnh viện đề nghị tặng 100 chuông cửa thông minh lắp cho các phòng áp lực âm, phòng xét nghiệm để bệnh nhân và bác sĩ, y tá có thể liên lạc với nhau, thậm chí người nhà có thể trò chuyện với bệnh nhân thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại, hạn chế tiếp xúc với nguồn lây bệnh nguy hiểm. Với chuông cửa này chỉ cần 4 - 5 y bác sĩ có thể chăm sóc từ xa 300 bệnh nhân và 68 phòng bệnh.
Người dân nhận gạo từ ATM gạo - Ảnh: Trịnh Thanh.
PV: Có người cho rằng anh làm ATM gạo, khẩu trang chỉ để quảng cáo công ty đang hoạt động của mình?
- Công ty của tôi hoạt động ổn định nhiều năm nay rồi. Nếu không có dịch, bây giờ có thể chúng tôi đã đạt mốc hơn 3.000 đại lý giới thiệu sản phẩm của mình, và sản phẩm của chúng tôi không liên quan gì đến gạo, khẩu trang hay cần phải phô trương ra với cộng đồng.
Mà thú thật, nếu làm từ thiện chỉ để quảng cáo công ty thì chúng tôi chỉ làm một vài ngày thôi, làm xong khi đã được báo chí và cộng đồng biết đến thì chúng tôi sẽ lặng lẽ rút lui vì báo chí cũng chỉ quan tâm được 1 - 2 ngày. Nhưng sau đó, ATM gạo vẫn hoạt động cả tháng, chúng tôi vẫn âm thầm duy trì, còn bản thân tôi thì đi khắp các tỉnh để hỗ trợ lắp đặt, chuyển giao công nghệ. Mệt và mất thời gian lắm.
PV: Hì hục làm ATM gạo, khẩu trang miễn phí, anh nhận được gì từ việc làm này của mình?
- Làm ra rồi duy trì hoạt động của ATM gạo, khẩu trang vất vả lắm nhưng cũng rất vui. Mỗi ngày cả nhân viên và tôi phải đi làm sớm hơn, có khi 6 giờ đã có mặt ở công ty để nhận gạo, bốc vác gạo vào kho hay chuyển đi, có khi 30 tấn gạo/ngày. Đêm thì có khi phải làm tới 20 - 21 giờ mới được về. Nhưng đặc biệt là không ai ca thán lời nào, ngược lại mọi người bàn luận, làm việc rất vui vẻ và chăm chỉ hơn ngày thường.
Tôi cũng may mắn được vợ con và nhân viên ủng hộ hết mình. Và sau tất cả, giá trị tôi nhận được nhiều nhất chính là những lời cảm ơn và nụ cười của người nhận. Đó là giá trị lớn nhất tôi nhận được từ hoạt động từ thiện này.